Huyền thoại ở lại

SONG ANH 20/04/2015 08:35

Những ngày này, người dân vùng cát trắng Bình Giang (Thăng Bình) lại xôn xao chuyện phát lộ hệ thống địa đạo bọc khắp làng Bình Túy. Tròn 50 năm, lịch sử thức dậy, từ những con người chân đất.

Địa đạo trong lòng đất

Ông Nguyễn Văn Anh - Chủ tịch UBND xã Bình Giang nhắc nhớ chuyện của hơn 50 năm về trước: “Trong những năm 1963 - 1965, địch thường xuyên càn quét các xã vùng đông Thăng Bình. Bình Giang là một trong những xã bị địch càn ác liệt, giết hại nhiều chiến sĩ, đồng bào. Để đối phó với địch, nhân dân thôn Bình Túy có sáng kiến đào địa đạo trong lòng đất làm nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ, chống lại sự càn quét của giặc. Bằng sự đồng lòng và quyết tâm của nhân dân, trung bình một ngày mỗi người đào hơn 3m. Sau thời gian, một địa đạo dài hơn 6km, nằm sâu hơn 3m trong lòng đất hình thành”.

Người dân Bình Túy khai quật, phát lộ hệ thống địa đạo Bình Túy (Ảnh chụp ngày 16.4).  Ảnh: S.ANH
Người dân Bình Túy khai quật, phát lộ hệ thống địa đạo Bình Túy (Ảnh chụp ngày 16.4). Ảnh: S.ANH

Thật khó để tin trong lòng đất cát lại có thể đào được địa đạo. Vậy mà một địa đạo được hình thành dưới tầng đất sỏi, và lớp cát phía trên để che chắn cho nhiều cuộc đời trong lòng đất. Ở vùng đất phía đông này, chừng như mỗi người dân khi chiến cuộc xảy ra, là một người giỏi về tay cuốc, tay cày, đào xới. Chính họ đã khai phá ra được, thật ra, sâu dưới lòng cát trắng là những tầng đất vững. Địa đạo ở thôn Ngọc Mỹ (Tam Phú), địa đạo Kỳ Anh (Tam Thăng) và địa đạo của thôn Bình Túy (Bình Giang) cũng vậy. Đều là những địa đạo trong lòng đất - dưới tầng cát. Những năm 1963 -  1964, khi giặc Mỹ thực hiện những trận càn quét ác liệt với mật độ ngày càng dày, những hầm hào như nhân dân sử dụng phòng tránh lâu nay không chịu nổi cường độ đánh phá của bom và pháo kích, thì vấn đề đào địa đạo chạy xuyên suốt theo bờ tre được đem ra bàn bạc. Vì sự tồn tại của mình, vì cuộc chiến đấu còn lâu dài, người dân Bình Túy khi ấy đã không nề hà “lặn sâu” vào lòng đất cát. Ông Võ Công Thăng, năm nay đã 88 tuổi, không dứt khỏi mạch ký ức tuôn trào: “Sau khi bàn bạc, nhân dân Bình Túy thống nhất đào địa đạo và lấy rễ bờ tre bao bọc quanh làng làm thước đo để không phải đào lòng vòng, từ đó mới rẽ ra thành nhiều ngách. Địa đạo của Bình Túy có 3 nhánh, nhánh rẽ về phía nam, nhánh rẽ về phía bắc và một nhánh rẽ ra hướng sông Trường Giang. Những lỗ thông hơi đặt ngay dưới các bụi tre làng, địch khó phát hiện”.

Ông Trương Hoàng Lâm mô tả cấu trúc địa đạo làng Bình Túy.
Ông Trương Hoàng Lâm mô tả cấu trúc địa đạo làng Bình Túy.

Kỳ tích từ lòng dân

“Có những đoàn quân từ trong lòng đất xông lên bạt vía quân thù”. Địa đạo ở Bình Giang tồn tại như những ký ức chiến tranh còn mãi trong tâm trí của bao người. Chuyện của một thời, nhưng sức ám ảnh và lay động đến muôn đời. Chính ông Nguyễn Văn Anh - Chủ tịch UBND xã Bình Giang, vẫn nói, tất thảy người dân Bình Giang đều biết đất quê mình đã từng có hệ thống địa đạo. Và câu chuyện về những huyền thoại từ lòng đất trở thành một biểu tượng của những tấm lòng, trái tim can trường, một lòng vì Tổ quốc. Người nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Thị Xáng là một huyền thoại như vậy, với câu chuyện về cuộc giải cứu lịch sử hơn 300 cán bộ tỉnh, huyện và du kích địa phương vào tháng 2.1965 (Báo Quảng Nam đã có nhiều bài viết về câu chuyện này).

Trong năm 1965, địa đạo của làng Bình Túy bị địch cài bom mìn với dụng ý diệt đến tận cùng nơi trú ẩn cũng như ý chí chiến đấu của người dân Bình Giang. Sau năm 1965, Bình Giang là vùng trắng, đầy tang thương. Năm mươi năm sau, người dân thôn Bình Túy, mà đầu tiên phải kể đến ông Trương Hoàng Lâm, vẫn nhớ như in cảnh tượng chị mình - Trương Thị Xáng bị địch bắn. Ông đã chỉ ra vị trí cửa miệng địa đạo, và những người dân chân đất với mong muốn được chứng kiến trở lại lịch sử một thời khốc liệt của cha ông mình, đã chung tay khai quật địa đạo. Từng đoạn hầm lộ ra, trong sự reo vui của dân làng. Họ ngỡ, thời gian, bom đạn, thiên tai đã vùi lấp hệ thống địa đạo này. Nhưng may thay, dưới hai tầng đất cát và đất sỏi, địa đạo Bình Túy dần hiện ra, dù là từng đoạn chắp rời. Người đầu tiên chui vào địa đạo khi phát lộ cũng chính là ông Trương Hoàng Lâm, với ký ức và niềm tin từ người chị anh hùng của mình.
Hy vọng lại được khấp khởi nhen lên. Hy vọng về một hệ thống địa đạo của lịch sử sẽ hiện dần ra, với mục tiêu “để giáo dục con cháu đời sau biết được sự hy sinh, đóng góp của dân làng cho cuộc giải phóng dân tộc”. Ông Nguyễn Văn Anh cho biết, lâu nay người dân vẫn mong muốn phục hồi để địa đạo Bình Túy trở thành một di tích lịch sử, nhưng xã không có kinh phí. Chính quyền địa phương nhiều lần đề xuất lên huyện, tỉnh phát lộ địa đạo để bảo tồn, tôn tạo. Ngay sau khi người dân phát lộ và đào lại địa đạo, xã đã báo cáo lên UBND huyện Thăng Bình và Sở VH-TT&DL, đồng thời yêu cầu người dân ngừng khai quật vì lo sợ địa đạo lâu ngày dễ sập, bom mìn chưa được rà phá hết, rồi rắn độc, khí độc… Người dân Bình Giang nói chung và Bình Túy nói riêng mong các cấp, ngành nhanh chóng vào cuộc để phục hồi công trình lịch sử này.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Huyền thoại ở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO