Sợ chết là bản năng sinh tồn đầu tiên của giới hữu tình. Từ sợ chết sinh ra các dấu hiệu thứ cấp khác như sợ nóng, sợ lạnh, sợ đói, sợ đau… Loài nào có hệ thần kinh càng phát triển thì càng có nhiều thứ để sợ. Chim sợ ná, cá sợ lưới. To lớn như ông voi còn sợ lũ chuột nhắt chui lỗ tai.
Vượt qua nỗi sợ hãi. Ảnh nguồn: Soha.vn |
Và con người vốn tự hào là động vật cao cấp nhất nhưng lại là một loài mang nhiều nỗi sợ nhất. Ngoài mã di truyền thuộc về bản năng chung, chúng ta còn nhiều nỗi sợ do dự cảm, tưởng tượng và nhận thức, tức là từ những năng lực độc quyền mà tạo hóa ban cho loài người.
Sợ trời
Tương truyền thời nhà Chu bên Tàu có người nước Kỷ ít dám ra khỏi nhà vì sợ… trời sập. Từ đó người xưa có thành ngữ “Kỷ nhân ưu thiên” (Người nước Kỷ lo chuyện trời) nhằm mỉa mai những kẻ lo xa tới mức… lãng nhách.
Tuy nhiên, không riêng chi người nước Kỷ mà hầu như cả nhân loại xưa nay đều sợ “Trời”, mặc dầu chẳng ai biết “Trời” ở đâu. Mỗi cộng đồng người quan niệm một cách, có thể là Ngọc Hoàng, là Chúa, là Phật…, tựu trung là một đấng nào đó có quyền năng vô hạn. “Trời” có thể ban phước cho người tốt và trừng phạt kẻ ác: Đạo Trời, lưới Trời lồng lộng. Nhưng “Trời” nhiều khi cũng nhầm lẫn, trái tính, vô cớ gieo họa cho muôn loài. Và “Trời” cũng lắm lúc… quan liêu, mặc cho những oan khiên “kêu Trời không thấu”. Suy cho cùng, ý thức hướng thiện của loài người có nguồn gốc từ nỗi sợ bị “Trời quả báo”. Vậy mà trên thế gian lúc nào cũng tồn tại những kẻ đáng bị “Trời tru đất diệt” nhưng hình như lại thuộc loại… “Trời đánh trật búa”, vẫn cứ sống nhơn nhơn.
Sợ ma
Hầu như ai cũng ít nhiều sợ ma. Ngay cả người viết bài này dẫu không tin có ma nhưng đêm khuya đi qua gò mả hoang thấy đom đóm lập lòe cũng nghe lạnh sống lưng. Nhưng “con ma” có hình thù thế nào thì mỗi người “vẽ” mỗi kiểu. Có người bảo ma thường mặc đồ trắng toát, mặt mày xanh lét còn tóc thì dài phết đất, có lẽ xuống dưới đó không có… thợ cắt tóc. Người có đầu óc… khoa học hơn thì mô tả “con ma” chỉ là một bộ xương khẳng khiu, hai hàm răng trắng nhỡn nhe ra gớm ghiếc, hốc mắt hốc mũi sâu thăm thẳm như… lỗ đen. Phải chăng vì thế mà nỗi sợ ma trước tiên là sợ cái hình thù… ma quái của chúng. Những kẻ hay cãi “nói cứng” rằng loài ma nếu có thật thì cũng chẳng làm gì được người sống, bởi chưa hề nghe người bị giết oan hiện hồn về bóp cổ kẻ sát nhân; rằng con người khi sống có cả xác lẫn hồn còn bị kẻ khác hãm hại, huống chi nay chỉ còn mỗi phần hồn vất vưởng; rằng ở “cõi ma” chẳng có nơi nào dạy quyền phép như trường phù thủy Hogwarts trong Harry Potter… Toàn những lập luận hết chỗ cãi. Vậy mà vẫn cứ… sợ ma. Cũng lạ!
Sợ vợ
So với hai nỗi sợ trên, lần này là một “đối tượng sợ” hữu hình: Vợ. Đó là nhân vật thuộc phái đẹp, phái yếu, và không phải bà vợ nào cũng đầy quyền thế hay lý sự sắc lẻm như… mấy vị khách mời của VTV3 trong chương trình cà phê sáng. Thế nhưng, nói theo cách của một nhà văn: Một nửa đàn ông là… sợ vợ. Đó là nỗi sợ mang tính… truyền thống, bất biến, khó giải thích và... bình đẳng. Nhiều bậc quân vương, dũng tướng hét ra lửa nhưng trong hậu cung đành lép vế trước “đấng” mày hoa. Có một vị tổng biên tập báo người gốc Quảng, mỗi lần bạn bè rủ đi đâu đó thì cứ nhấp nhỏm xem đồng hồ và đến 9 giờ kém là lật đật ra về, bởi bà xã đã ra “nghị quyết” cho anh ta đúng 9 giờ phải có mặt tại nhà, không được sai một phút. Một bữa nọ anh mời bạn bè về nhà chơi, mới “zô” chừng ba ly thì anh đã đứng bật dậy, miệng hớt hãi: Chết mẹ, quá giờ mất ba phút rồi(!). Còn truyện tiếu lâm dân gian về sợ vợ thì vô số, khôi hài nhất là chuyện một anh chàng sợ vợ đến… chết cứng giữa cuộc “ra quân” của hội những người… không sợ vợ.
Có người lập ngôn như một… định đề: đàn ông được chia làm hai loại, một loại là vũ phu, loại kia là sợ vợ. Cho nên đám tửu đồ thường nghêu ngao một đoạn “nhạc chế” có tựa đề là Huyền thoại… sợ, nghe cũng não nề như một lời than thở: Ai trên đời mà chẳng sợ/ Nào sợ mẹ nào sợ cha/ Hồi còn nhỏ sợ ma/ Nay lại thêm sợ vợ/ Ôi sợ chi muôn thuở/ Sợ thì sợ mà thương thì thương.
Sợ… chữ
Còn một “di sản sợ” khác vừa vật thể vừa phi vật thể, đó là sợ chữ. Thời phong kiến, nhiều sĩ tử bị đánh rớt chỉ vì phạm húy, tức là trong bài làm dính tên cúng cơm của họ hàng nhà vua. Thời nhà Thanh có vụ đại án Vương Tích Hầu bị tru di cửu tộc chỉ vì viết đụng nhằm tên vua Càn Long. Có rất nhiều những vụ trọng án liên quan đến chữ nghĩa mà lịch sử từng ghi nhận. Thời Gia Long, chỉ vì một câu thơ mà cha con Nguyễn Văn Thành phải chịu tội chết. Ông vua khai nghiệp nhà Minh bên Tàu là Chu Nguyên Chương do vi tiện xuất thân, ít học, nên thường hay nghị kỵ giới văn nhân. Chuyện kể có mấy viên quan dâng biểu ca ngợi công đức Thiên tử, trong đó có hai chữ “tác tắc” (định ra phép tắc) nhưng nhà vua nghe lời gièm pha lại cho rằng bọn họ chửi mình ngày xưa làm giặc (âm tắc đọc nghe như tặc) nên lôi ra chém sạch. Thật là đáng sợ!
Ngày nay thế giới nảy sinh nhiều vấn đề “phức tạp”. Trong mọi lĩnh vực từ dân tộc, tôn giáo, lịch sử đến chính trị, ngoại giao đều có những từ ngữ được cho là “nhạy cảm”. Đã vậy ngôn ngữ lại càng đa tầng, đa nghĩa hơn xưa nên những người làm công việc liên quan đến chữ nghĩa lại càng tỏ ra sợ… chữ.
PHAN VĂN MINH