Huỳnh Lê Nhật Tấn: Mưa nắng trần gian có ai cùng…

MINH ĐIỀN 20/03/2016 10:12

TẢN MẠN CHUYỆN NGHỆ SĨ

Trong truyện “Hoàng tử bé”, Saint Exupery có kể về mấy nhân vật sống trên những hành tinh nhỏ xíu, chỉ đi vài bước chân là hết một vòng chu vi. Nhân vật nhận được nhiều sự tôn trọng nhất là người canh giữ một ngọn đèn. Anh chàng được giao nhiệm vụ (từ ai đó chẳng biết, vì chỉ có mỗi mình anh trên tinh cầu đó) mỗi ngày thắp đèn lên khi trời tối và tắt đèn khi trời sáng. Thế rồi thời thế đổi thay, vòng quay ngày - đêm càng nhanh, đến lúc mỗi ngày mỗi đêm của anh chỉ còn đủ dài để thắp và tắt ngọn đèn. Anh phải làm việc liên tục, chẳng còn thì giờ mà nghỉ ngơi nữa. Chẳng có thì giờ để ngủ luôn.

Vậy nhưng anh không bỏ cuộc. Anh vừa ngáp vừa thắp và tắt ngọn đèn đều đặn, cần mẫn, tự giác...

Hoàng tử bé nghĩ là chú muốn làm bạn với anh này, vì anh là người “còn quan tâm đến một thứ gì ngoài bản thân mình”.

Tôi thì nghĩ anh chàng này là một nghệ sĩ. Tôi cho rằng cái tố chất nghệ sĩ của một người thể hiện rõ ràng nhất ở chỗ anh ta “quên mình vì một thứ khác”. Cái đó đẹp chứ! Khoan hãy bàn thứ đó hay dở, có ích lợi chi cho ai?!

Vậy mà không biết từ lúc nào, (và có lẽ vì vậy) hai chữ “nghệ sĩ” một khi được gán cho ai đó, đã được hiểu với hàm ý dè bỉu mỉa mai.

- Thằng đó nghệ sĩ lắm.

Nghĩa là không ra chi rồi. Không biết làm ăn, không biết lo cuộc sống, lơ tơ mơ, vụng, vân vân…

Nghe y như Tấn!

Những tác phẩm của Huỳnh Lê Nhật Tấn.
Những tác phẩm của Huỳnh Lê Nhật Tấn.

Xin lỗi. Chẳng hiểu sao tôi lại liên tưởng dậm duộc ra rứa khi nghĩ về Huỳnh Lê Nhật Tấn.

Phải thừa nhận là Tấn “nghệ sĩ” ngay từ cái nhìn đầu tiên. Từ mái tóc dợn sóng khi để dài khi cắt ngắn. Từ bộ ria rất bảnh trai dù chỉ vì lười cạo. Và nếu kể luôn về lối sống của chàng, thì Tấn hẳn hoi một nghệ sĩ lồ lộ không giấu đi đâu được.

Đó là cái bề ngoài. Còn trong bản chất, Tấn có nghệ sĩ hay không tôi không dám nói.

HỌA SĨ

Bạn bè gọi Tấn là họa sĩ. Vì Tấn vẽ. Không biết học vẽ lúc nào mà từ hồi là sinh viên báo chí 20 năm trước ở Sài Gòn, Tấn đã vẽ minh họa cho vài tờ báo. Mươi năm nay, chàng làm việc trên máy tính, vẽ graphic (để chơi), vẽ bìa và trình bày sách (để sống). Tôi đã cầm hàng chục cuốn sách do Tấn vẽ bìa và trình bày, phải nói là sắc sảo, hiện đại. Nghĩ rằng trong nghề design mỹ thuật ở Đà Nẵng, được như Tấn là hiếm. Vậy mà bao nhiêu năm cứ lận đận, cứ sống chật vật. Có vài lần đầu quân cho nơi này nơi nọ, bò toài ra làm những bản maquette có thể sánh được với các tạp chí nước ngoài, rồi lại hẫng hụt vì đủ thứ lý do mà chàng không hiểu được.

Nhưng chơi với Tấn, tôi hiểu. Chỉ vì Tấn sống rất lơ mơ, không hề biết toan tính. Những thỏa thuận làm ăn lẽ ra cần đủ thứ ràng buộc bên A bên B, thì chàng chỉ đơn giản gật đầu với một câu nói miệng. Rồi lời nói gió bay và tay khỏi biết mùi tiền.

Nay thì có vẻ chàng đang quyết tâm trở lại với cọ màu. Lần nào gặp nhau, nói chuyện gì rồi cũng phải xọ vô một dòng tâm tư, “tao đang tập trung vẽ, tao định được hòm hòm sẽ làm cái triển lãm chơi”, hay “tao có miếng đất trên Hòa Sơn, tao định làm cái cốc để vẽ, để anh em lên tụ bạ…”.

Mà nói ra thì chàng giận, chứ anh em bạn bè nháy nhau mòn con mắt với chữ “định” của Tấn rồi. Chàng lúc nào cũng ấp ủ, cũng hứa hẹn. Nhưng rồi định mãi mà chẳng yên được chút nào. Cứ lăng xăng trần ai miết vậy.

Không. Tôi muốn trở lại với cái chữ nghệ sĩ lần nữa. Khi thiên hạ đem đó ra mà nặng nhẹ bẻ bai, không phải là không có lý. Những kẻ lửng lơ mơ mộng với những thứ vông viển chi chi, chẳng đem mà đổi ra miếng tiền chén gạo được, thì chịu miệng đời khinh khi cũng phải. Nhưng ở khía cạnh của chàng nghệ sĩ, như Tấn chẳng hạn, chàng lấy đâu ra cái thực dụng trong ý chí để biết phấn đấu hay bon chen vì những mục tiêu mà thế gian thường tình như rứa?

THI SĨ

Tấn không chỉ biết vẽ. Tấn còn làm thơ, làm khá nhiều thơ theo kiểu chàng gọi là hậu hiện đại. Những bài thơ của Tấn muôn người đọc đều… không hiểu. Chàng có lối lập ngôn bất chấp ngữ pháp. Nhiều chữ chàng dùng tôi cứ phân vân không hiểu là dụng ý nghệ thuật hay đơn thuần là gõ sai chính tả nữa. Bởi với mạch thơ của Tấn, một chữ sai chuẩn chính tả cũng chẳng lạc lõng tí nào giữa trường chữ mê man ám ảnh đến quên cả cú pháp.

Không hiểu, nhưng hình như tôi (và không ít người đọc thơ Tấn) có cảm được chút gì giằng xé của nội tâm chàng. Nhiều bài thơ của Tấn đọc rất thích. Thích mà vẫn không hiểu. Tôi đọc thơ Tấn như nhìn một bức tranh trừu tượng vậy. Có lẽ Tấn cũng viết như kiểu phết những vệt màu ngổn ngang trên khung vẽ. Không rõ nội dung, nhưng tràn đầy cảm xúc.

“Gió rít truyền con chữ vô hình vo tròn bay

tôi không còn lựa chọn là cất tiếng cười điên dại

Tôi vẽ đã lau đi hơi mù trên kính khung cửa sổ bụi

nước mắt đông đợi sang mùa chảy…”

(Đám khói hỗn loạn)

Tôi không tiện chép ra đây trọn vẹn một bài thơ của Tấn, thường dài lắm. Trích đoạn thơ chàng lại là một việc bất đắc dĩ. Những hình ảnh, màu, đường nét thậm chí trật tự của một từ ghép… đều bị xáo trộn. Nhưng không thể nói chúng vô nghĩa. Ừ có lẽ, cái ngữ pháp quan phương ngự trong trí mỗi người đọc đã dựng một rào chắn trước những dòng thơ của Tấn, nên khó mà đọc chúng khi chúng ta đang đứng thẳng băng trên mặt đất.

Có lẽ vì vậy mà phần lớn bạn bè Tấn, dù thường chọc ghẹo tếu táo nhưng hình như trong lòng mỗi người đều tôn trọng cá tính sáng tạo của chàng.

VÀ BAO NHIÊU THỨ NỮA

Bạn bè yêu Tấn còn vì một lẽ nữa, Tấn không giận dai và có khiếu kể chuyện rất vui. Ai nghe Tấn kể chuyện cũng khoái tỉ với cách diễn tả của chàng. Ánh mắt, nét mặt, ngữ điệu, hình thể… Khi Tấn kể chuyện, cả con người chàng cũng là một câu chuyện sống động vô cùng. Tôi thích nghe Tấn kể về thời sinh viên nghèo đói mà vui bất tuyệt. Nhóm bạn sinh viên của Tấn toàn là những tay viết có “số má” trong lớp trẻ đương thời, những Vương Huy, Đàm Hà Phú, Lê Quý Nghi, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Bá Thọ… Những kỷ niệm luôn thắp lên trong mắt Tấn cái ánh lửa vô tư, trẻ trung, và tôi thấy hình như Tấn vẫn chưa rời xa bao nhiêu cách cảm, cách sống của thời trẻ trung vô tư đó.

Tấn cũng là người quảng giao. Tôi có cảm tưởng chàng quen biết, giao du với đủ mặt văn nghệ sĩ ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Có người thân người sơ, nhưng hầu như ai cũng biết Tấn. Tôi cũng được biết tới nhiều người đầu tiên qua sự “lăng xê” của Tấn. Nhiều phen gọi rủ chàng cafe, thường nghe chàng đang trong một cuộc hẹn hò với ai đó trong giới văn nghệ.

Tôi hình dung cuộc sống của Tấn cứ đong đưa giữa những cuộc tụ họp, những dự định, những câu chuyện làm vui bạn bè, cứ vui tính và… độc thân. 43 tuổi rồi, vậy mà chuyện trai gái vẫn là đề tài dễ gây xúc động nhất đối với chàng họa sĩ - nhà thơ hậu hiện đại này. Mỗi lần bạn bè giới thiệu cho Tấn một cô gái, nói qua nói lại thể nào chàng cũng đỏ mặt lên rồi đánh trống lảng. May mắn mà có mặt đối tượng trong bàn nữa thì thôi, chàng sẽ đỏ mặt từng trận, rồi hoặc lảng ra chỗ khác, hoặc bắt chộp một đề tài nào đó mà nói vung tán tàn, hứng thú như lẽ đời chỉ có bấy nhiêu là thú vị.

Mà có phải chàng có vấn đề giới tính gì đâu. Chỉ cả thẹn khơi khơi thôi. Những lúc riêng tư, chàng thầm thì kể lể về mấy mối hẹn hò, rồi hỏi quắn quít, ê mi coi rứa được không mi? Được hỉ? Tao chắc rứa là được mi hỉ…?

Được thì được quá, mặc dù tôi chẳng biết cô nàng Tấn kể ra sao. Nhưng hết cô này được đến cô khác được thì hẳn nhiên là… chàng cứ vi vu mà đi về một mình vậy, Tấn hỉ?!

MINH ĐIỀN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Huỳnh Lê Nhật Tấn: Mưa nắng trần gian có ai cùng…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO