Huỳnh Trọng Khang: Bày xác chữ giữ hồn thương

TỐNG PHƯỚC BẢO 11/06/2023 07:28

Văn chương của Huỳnh Trọng Khang luôn ẩn chứa sự đau đáu của một người trẻ về thân phận, quê hương và triết luận nhân sinh.

Chân dung Huỳnh Trọng Khang.
Chân dung Huỳnh Trọng Khang.

Huỳnh Trọng Khang là cái tên được chờ đợi mỗi khi chàng trai trẻ này ra mắt cuốn sách mới. Văn đàn háo hức bởi anh chàng quê gốc An Giang, sinh năm 1994 này đã gây ấn tượng với hàng loạt tác phẩm như “Mộ phần tuổi trẻ” (NXB Hội Nhà văn - 2016); “Những vọng âm nằm ngủ” (NXB Hội Nhà Văn - 2018); “Phật trong hẻm nhỏ” (NXB Phụ Nữ Việt Nam - 2021).

Từ vọng âm tuổi trẻ

Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàn năm 2016, Huỳnh Trọng Khang đặt dấu mốc xác tín văn chương mình “già” hơn ngoại hình thư sinh, bẽn lẽn và luôn cười. Cái “già” ấy thể hiện rõ nét trong vỉa tầng nghĩa mà hầu hết tác phẩm của Khang đem đến cho bạn đọc. Mênh mang chữ, sâu thẳm nghĩa.

Thể như đọc vào Khang ngày ấy, tôi thấy một người trẻ đứng ra ngoài rìa của liến xáo thị thành mà ghi lại những ráo hoảnh đãi bôi được trưng trổ của thị dân, nhưng kỳ thực ẩn sâu cái vồn vã, hối hả ấy chính là bốn bức tường với sự cô đơn chênh vênh.

Một ngày tháng 4/2018, tôi gặp lại Khang ở một cuộc thi, vẫn nụ cười tươi và cái nết hiền hậu đậm chất người miền Tây chín nhánh phù sa. Khang ít hoạt động mạng xã hội, lại càng không phải là con người của các sự kiện văn chương náo nhiệt. Khang sống khá thong dong.

Nhiều bạn bè phóng viên mảng văn hóa nghệ thuật bảo nhau Khang trả lời phỏng vấn có khi còn ít hơn câu hỏi được nêu. Khang cười. Bởi với chàng trai trẻ này, tác phẩm đã nói hết lời tác giả. Bạn đọc chỉ cần đọc và ngẫm. Thế thôi, người viết vẫn luôn có một miền sống của riêng mình.

Cho đến lần mới nhất với truyện dài “Bể trăng côi”, bạn đọc lại tìm thấy Khang ở một lối viết đồng hiện rất chắc tay, nhưng nhẹ nhàng êm ru một câu chuyện mang màu sắc chữa lành.

Hôm Khang ra mắt sách, vẫn cứ ít nói về tác phẩm, chẳng nói về mình, nhưng lại hào hứng chia sẻ về những kiến văn khác. Những câu chuyện văn chương Đông Tây kim cổ khiến tôi ngưỡng mộ sự đọc và trí nhớ của Khang.

Có lần tôi cùng Khang ngồi ở một góc phố nghe mưa nắng Sài Gòn gõ đều lên giọt cà phê. Khang cùng tôi thích thế. Chúng tôi gốc miền Tây, xuôi dòng chảy lên thị thành lập thân. Vậy nên, ngồi với nhau chẳng câu nệ một chốn phồn hoa sang trọng.

Sài Gòn cứ phải lề đường hè phố mới nghe hết chuyện đời, thấy hết nỗi người trôi dần theo ngã bảy, ngã ba. Lần ấy chúng tôi nói về cái duyên đứng chung một trang văn chương số tết của một tờ báo. Không hẹn mà trùng khớp, tôi viết truyện ngắn, Khang làm bài thơ, nhưng đều nói về nỗi vọng cố hương, niềm thương bản xứ.

Đến hạnh ngộ bể trầm

Văn chương Khang vốn dĩ là những câu chuyện thân phận, dù đó là những thân phận trong ký ức của vùng quê Bảy núi với ngôi nhà có cái cửa sổ nhìn về ngôi chùa bảng lảng tiếng chuông; hay hiện thực phố thị hẻm nhỏ với cuộc mưu sinh đầy rẫy nhiễu nhương, thì những thân phận ấy luôn mang trong mình ánh sáng của thiện lành.

“Bể trăng côi” - một trong những tác phẩm của Huỳnh Trọng Khang.
“Bể trăng côi” - một trong những tác phẩm của Huỳnh Trọng Khang.

Điều này thể hiện rõ trong tập truyện “Phật trong hẻm nhỏ”. Tập truyện ấy như bộ sưu tập những mảnh ghép mang hồn phố, mỗi mảnh ghép khép lại sẽ trọn vẹn đời sống thị thành này.

Tôi thích những triết luận mà Khang mang đến cho độc giả: “Thời còn trẻ, khi đang độ thanh niên, khi cuộc đời đơn giản như phím đàn, trắng và đen, đen và trắng, cứ thế bước, trắng và đen, đen và trắng, chẳng gì có thể gây phiền lòng, chẳng gì có thể gây cản trở.

Nhưng giờ anh đã biết, đời không chỉ trắng và đen, nhiều khi để chọn trắng phải ngả sang đen, nhiều khi đã ngỡ đứng trong đen nhưng thật ra là trắng. Giờ anh cũng biết, anh phải chơi một bản đàn, đàn phải càng dài như chính đời anh vậy”. Bởi ngay chính tôi, khi đọc Khang vẫn soi mình trong chiều kích của câu chữ này.

Ngay khi đọc tập truyện dài “Bể trăng côi”, một tác phẩm Khang đã viết trong thời điểm TP.Hồ Chí Minh phong tỏa vì đại dịch, tôi vẫn thấy một Huỳnh Trọng Khang đối diện nỗi đau bằng tâm thế an nhiên.

Triết luận sống của Khang cứ thong dong nên tác phẩm cũng hằn sâu tư duy ấy. Bạn đọc theo dõi Khang sẽ dễ nhận ra Khang viết báo nhiều, phần lớn là bình sách, phỏng vấn tác giả hay luận bàn về văn chương.

Thỉnh thoảng sẽ đọc truyện ngắn của Khang, nhưng rất ít. Khang thuộc tạng viết dài. Những tiểu thuyết, truyện dài luôn là môi trường để Khang bày biện câu chuyện thỏa chí nhất.

Ở đó, biên độ không gian và thời gian được Khang mở rộng ra; tình tiết và nhân vật được Khang dựng đầy đặn hơn; cốt truyện và thông điệp được lồng quyện tầng tầng lớp lớp; và triết luận luôn được gởi gắm thanh thoát theo câu chữ.

Hai năm trở lại đây, các sáng tác của Khang bắt đầu đi vào chiều kích ẩn nghĩa của câu chữ. Những từ ngữ Khang dùng bắt đầu có sự dụng công hơn. Dễ thấy nhất là ngay trong tên các chương của truyện dài lần này, Khang đã dùng: “Tuyết băng vô tận xứ”, “Tòng địa dõng xuất”, “Trên mái địa ngục”, “Cổ sư kỷ độ tác kim sư”…

Chính những câu chữ này gợi nên sự tò mò bởi âm tiết nhịp nhàng, thi vị và nghĩa ẩn đã khiến ngay cả chính tôi cũng thán phục sự giàu có ngôn ngữ của chàng trai trẻ này. Có chương Khang mạnh dạn dùng câu chú trích trong bài “Chú Đại Bi” của nhà Phật để làm tựa như: “Yết Đế Yết Đế Ba La Yết Đế”.

Phải chăng cậu bé An Giang ngày nào mang trong mình huyền sử của vùng Bảy núi thấm đẫm sự vô vi lượng kiếp của đạo mà ngồi đây viết lại chuyện đời? Mọi câu chuyện đời đều khởi nguồn từ ký ức. Vùng ký ức của Khang, may mắn vọng vang thanh âm của tuệ căn. Cho đến khi gấp trang sách cuối tôi tin ở Khang có sự giác ngộ nào đó với bể trầm luân của phận người trong nhân gian này.

“Mọi người thường hướng về hình ảnh vầng trăng như chủ đạo của tác phẩm. Tôi chỉ xin được thêm vào chữ “bể”, bể đời, bể khổ và trong bể ấy mỗi chúng ta chỉ là trăng đơn lẻ. Là hình hay là bóng; tròn hay khuyết; âm thầm sáng hay rực rỡ sáng… tất cả phụ thuộc vào mỗi người”. Khang nói vậy về tập truyện dài lần này. Một sự thấu cảm tường minh của người trẻ mà thời đại này chúng ta ít thấy được.

Sống phải có niềm tin

“Bể trăng côi” sắp đặt song song 2 câu chuyện. Một nhà sư rời khỏi thảo am để tìm đến núi Sa Môn và chuyến hành trình của thầy Huyền Trang đến với Tây Trúc tìm kinh thư. Dõi theo hai hành trình ấy, độc giả thấy có sự tương quan lẫn phản chiếu nhau.

Tình tiết đan cài khéo léo để toát lên nghĩa ẩn khiến độc giả thích thú bởi sự thông tưởng giữa quá khứ với vị lai. Những gian hàng bằng dây thể như những cuộc giao hàng không tiếp xúc mùa dịch; tờ giấy thông chốt có thể ví von như chính cuốn sổ thông hành thầy Huyền Trang trình ra khi qua các nước...

Hành trình con người cũng sẽ luôn phải chấp nhận và ứng biến với sự thay đổi nhưng trên hết là một niềm tin vào cuộc sống này. Chính niềm tin ấy mới là thứ khiến chúng ta mạnh mẽ chống chọi với biến thiên thời cuộc.

Hai cuộc hành hương ở hai miền không gian và thời gian khác nhau mà Huỳnh Trọng Khang tạo ra khiến chính người đọc như đi vào cuộc hành hương sâu thẳm bản thể để quán chiếu hai phần con và người tồn tại trong chúng ta. Vượt qua phần con sẽ gặp phần người. Nhưng sự vượt qua ấy đầy đau đớn.

Mười vạn tám ngàn dặm là bao xa? Ba ngàn thế giới liệu đã to? Những câu hỏi này tin chắc độc giả sẽ tự tìm câu trả lời cho riêng mình. Phần kết truyện không có. Tôi cho rằng đây chính là cái hay của nhà văn trẻ này, bởi như mọi lần, những gì cần nói Khang đã bày trên chữ. Xác chữ in hằn lên trang giấy, nhưng hồn thương in hằn trong tâm khảm độc giả.

Trong bể trầm luân đời này, tôi tin không phải một mình Khang, mà còn nhiều người nữa sẽ có lúc giác ngộ sinh diệt, thấu tận đau thương và chọn hướng chữa lành. Như chính Khang từng nói hôm chúng tôi cà phê giữa liêu xiêu gió thị thành: “Suy cho cùng mọi sự điều có thời điểm của nó”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Huỳnh Trọng Khang: Bày xác chữ giữ hồn thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO