Hy Lạp chính thức vỡ nợ

KIM OANH 02/07/2015 10:42

Đến thời hạn cuối cùng (tức rạng sáng 1.7 theo giờ Việt Nam), Hy Lạp chính thức vỡ nợ khi không thanh toán được món nợ 1,6 tỷ euro cho Quỹ tiền tệ quốc tế.

Như vậy, Hy Lạp trở thành quốc gia phát triển đầu tiên bị phá sản khi không còn khả năng thanh toán cho các chủ nợ trong khi nợ công lại đang ở con số rất lớn: khoảng 320 tỷ euro, tương đương 175% GDP. Trước khi bước vào suy thoái từ năm 2008 đến nay, Hy Lạp từng là quốc gia giàu có với nền kinh tế phát triển rất mạnh, tăng trưởng nhanh nhờ vào việc thực thi chính sách ổn định kinh tế. Năm 2007, nền kinh tế Hy Lạp xếp thứ 28 trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 23.500USD.

Tuy nhiên, Hy Lạp lại bị tác động rất nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 - 2009. Ngân sách quốc gia và tài khoản vãng lai liên tục thâm hụt, buộc Hy Lạp phải vay mượn từ các tổ chức tài chính quốc tế; gồm “bộ ba” chủ nợ: Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng trung ương châu Âu và Ủy ban châu Âu. Mỗi lần vay nợ, người dân Hy Lạp phải thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà các chủ nợ đề ra như: giảm lương khu vực công, tăng thuế, giảm lương hưu, giảm chi tiêu công… Thế nhưng, phương án này không thể giúp Hy Lạp xoay chuyển tình thế để cứu vớt nền kinh tế ra khỏi suy thoái. Hệ lụy là Hy Lạp chính thức vỡ nợ hay nói cách khác là chính phủ đã sạch túi tiền để hoạt động.

Những người về hưu tại Hy Lạp chịu tác động rất lớn từ chính sách “thắt lưng buộc bụng” của các chủ nợ. (Ảnh: businessinsider)
Những người về hưu tại Hy Lạp chịu tác động rất lớn từ chính sách “thắt lưng buộc bụng” của các chủ nợ. (Ảnh: businessinsider)

Không ai khác, người dân Hy Lạp nay được giao nhiệm vụ quan trọng nhằm hỗ trợ chính phủ quyết định lương lai, thay đổi lịch sử của đất nước bằng cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5.7 tới.

Liên tục trong những ngày qua, người đứng đầu Chính phủ Hy Lạp Alexis Tsipras kêu gọi người dân tham gia cuộc trưng cầu bày tỏ sự phản bác đề nghị của các chủ nợ quốc tế, tức là bỏ phiếu chống lại biện pháp kinh tế “thắt lưng buộc bụng”. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân Hy Lạp sẽ hỗ trợ Athens đạt thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán với “bộ ba” chủ nợ, trong kịch bản vẫn tiếp tục ở lại châu Âu. Một cuộc thăm dò dư luận gần đây của báo Greek Reporter cho thấy, nhiều người dân Hy Lạp không muốn duy trì chính sách “thắt lưng buộc bụng” nhưng phá sản để quay lại với đồng tiền truyền thống trước đây của Hy Lạp - drachma là điều tồi tệ hơn cả. Một số người khác cũng cho rằng họ có thể chịu đựng để ở lại với đồng euro.

Trong bối cảnh quan ngại về hệ thống tài chính sụp đổ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phát biểu trên truyền hình thông báo rằng tất cả ngân hàng tại Hy Lạp ngưng hoạt động từ 28.6 đến hết ngày 6.7, tức chỉ một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử. Trong thời gian này, người rút tiền tại các máy tự động chỉ được rút 60 euro mỗi ngày. Đồng thời ông Alexis Tsipras cam kết nhà nước bảo đảm tiền gửi của dân trong ngân hàng, tiền lương và tiền hưu vẫn được chi trả bình thường.

KIM OANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hy Lạp chính thức vỡ nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO