Hy vọng đàm phán COC cho Biển Đông

QUỐC HƯNG 07/08/2017 09:22

Từ ngày 5 - 8.8, tại thủ đô Manila của Philippines diễn ra hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM-50) và các hội nghị liên quan. Trong đó, phải kể đến điểm nhấn Ngoại trưởng các nước ASEAN cùng Trung Quốc chính thức thông qua dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN mở ra hy vọng hòa bình khu vực Biển Đông. Ảnh: internet
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN mở ra hy vọng hòa bình khu vực Biển Đông. Ảnh: internet

Hội nghị AMM-50 diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực và trên thế giới nhiều biến động từ vấn đề Biển Đông đến điểm nóng hạt nhân Triều Tiên và chủ nghĩa khủng bố, cực đoan. Đặc biệt, năm nay khối các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 50 năm ngày thành lập hiệp hội (8.8.1967 - 8.8.2017). Một trong những điểm nhấn của AMM-50 là Ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN thông qua dự thảo khung COC trong ngày khai mạc hội nghị 5.8 (với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam), giúp các thành viên ASEAN đàm phán một bộ quy tắc có hiệu quả để các bên cùng giám sát và tuân thủ. Sau đó, dự thảo khung COC này được gửi đến hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc vào ngày 6.8 để tiến hành phê duyệt thông qua.

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết: “Các văn kiện trước đây về Biển Đông thiếu tính ràng buộc, vì vậy chúng thiếu hiệu quả. COC khi được thông qua sẽ có tính ràng buộc pháp lý với các bên”. COC được kỳ vọng sẽ quy định cụ thể các nguyên tắc và trách nhiệm pháp lý của các bên trong các hoạt động trên Biển Đông. Qua đó, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982. Tờ Straits Times (Singapore) ngày 5.8 cho biết, khuôn khổ của COC nhằm ngăn chặn các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông bùng phát thành xung đột. Còn tờ Sunday Times cho biết bản dự thảo khuôn khổ COC không phải là công cụ giải quyết tranh chấp lãnh thổ hoặc phân định biển, thay vào đó, sẽ thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau, hợp tác và ngăn ngừa các sự cố, quản lý sự cố nếu xảy ra và tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Tại phiên họp toàn thể Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với hòa bình, ổn định của khu vực, tiếp tục thực hiện đầy đủ, tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

COC từng được Trung Quốc và ASEAN thảo luận cách đây 15 năm để thay thế cho bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) - một văn bản không mang tính ràng buộc pháp lý nên đến nay vẫn chưa hiệu quả trong việc ngăn chặn căng thẳng và những hành động đơn phương tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Thế nhưng sau nhiều nỗ lực, vào chiều 6.8, Ngoại trưởng các nước ASEAN cùng Trung Quốc chính thức thông qua dự thảo khung COC. Đây là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Văn kiện này sẽ được trình lên các lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11 tới, tại Philippines. Phát biểu bên lề cuộc họp nhân sự kiện này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về COC sẽ bắt đầu trong năm nay và một khi thỏa thuận đã đạt được, các bên phải nghiêm khắc tuân thủ.

Vào hôm nay (7.8), các Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN và 17 đối tác đối thoại sẽ gặp nhau tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) - cuộc đối thoại an ninh đa phương quan trọng nhằm thảo luận các vấn đề nóng ở khu vực hiện nay.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hy vọng đàm phán COC cho Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO