Ì ạch việc quy chủ đất rừng - Bài 1: Mỗi nơi mỗi kiểu chậm…

HÀN GIANG 25/09/2023 07:36

Mới có 25/85 xã miền núi thực hiện công tác đo đạc thành lập bản đồ địa chính sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07 ngày 13/1/2021 của HĐND tỉnh về Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại 9 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2026; chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp nào được cấp cho người dân... Việc quy chủ đất rừng được cho là quá ì ạch, trong khi nhu cầu của người dân rất bức thiết.

Nhiều ý kiến cho rằng cần có sự phối hợp giữa địa phương, ngành TN-MT và lực lượng kiểm lâm để xác thực, chuẩn hóa số liệu đo đạc. Ảnh: P.V
Nhiều ý kiến cho rằng cần có sự phối hợp giữa địa phương, ngành TN-MT và lực lượng kiểm lâm để xác thực, chuẩn hóa số liệu đo đạc. Ảnh: P.V

BÀI 1: MỖI NƠI MỖI KIỂU CHẬM…

Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh đã xác định lộ trình thực hiện cụ thể; trong đó yêu cầu đến hết quý IV/2021, các địa phương tổ chức thi công đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp trên địa bàn xã được chọn làm điểm. Tuy nhiên, kết quả thực hiện của các huyện đều chưa đáp ứng được yêu cầu này…

Những điểm sáng

Nghị quyết 07 ngày 13/1/2021 của HĐND tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2026, đối với việc đo đạc, lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000: đo đạc, bổ sung, đo vẽ lại bản đồ địa chính với diện tích 90.469ha; số thửa đất 51.441 thửa. Đo đạc, chỉnh lý biến động 251 mảnh bản đồ địa chính, diện tích 26.405ha; số thửa đất 17/149 thửa. Thực hiện kê khai, đăng ký, cấp GCNQSDĐ lần đầu là 50.919 giấy và cấp đổi 16.540 giấy. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 114 tỷ đồng.

Trong 5 địa phương HĐND tỉnh tổ chức giám sát trực tiếp, hai địa phương Bắc Trà My và Tây Giang được đánh giá là những điểm sáng về thực hiện Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh, đã có sản phẩm cụ thể.

Theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, huyện chỉ có hai xã Avương, Dang nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 07 nên triển khai đồng loạt, và người dân rất đồng tình, ủng hộ chủ trương.

Xác định muốn làm tốt thì phải có sự đồng thuận của người dân, nên ngoài hội nghị quán triệt chung, UBND huyện Tây Giang giao trách nhiệm cho UBND các xã, bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn lồng ghép trong các cuộc họp để tiếp tục tuyên truyền người dân trên địa bàn.

Ngoài ra, trước khi đo đạc ngoài thực địa, Phòng TN-MT huyện phối hợp với đơn vị tư vấn đo đạc, UBND hai xã tổ chức họp tại thôn để tuyên truyền, giải thích những thắc mắc, kiến nghị liên quan; triển khai xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện đến từng thôn.

“Đến nay, huyện đã đo đạc 6.913,8/7.010,7ha, chiếm 98,62% và đang tổ chức kê khai đăng ký, cấp 2.394 GCNQSDĐ/2.063 giấy, chiếm 116,04% so với thiết kế kỹ thuật - dự toán được phê duyệt. Với tiến độ thực hiện như trên, địa phương sẽ hoàn thành đúng kế hoạch đề ra” - ông Arất Blúi thông tin.

Đến thời điểm HĐND tỉnh giám sát, huyện Bắc Trà My đã hoàn thành công tác đo đạc với diện tích hơn 2.254,5/20.238ha, chiếm 11,14% so với thiết kế kỹ thuật - dự toán được phê duyệt.

Ông Nguyễn Đình Thông - Trưởng phòng TN-MT huyện Bắc Trà My cho biết, xã Trà Giác được chọn làm thí điểm, có tổng diện tích đo đạc hoàn thành 1.809,4/1.654ha theo thiết kế kỹ thuật - dự toán được duyệt, đạt 109,39%. Tổng số thửa là 1.410/577 thửa, đạt 244%. Trong đó, tổng số thửa đất của hộ gia đình, cá nhân kê khai đăng ký là 1.028 thửa/433 hộ gia đình.

Kết quả đo đạc tại xã Trà Giác đã được Sở TN-MT kiểm tra nghiệm thu và phê duyệt. Huyện đang hoàn thiện kết quả đo đạc tại xã Trà Giáp, Trà Ka để tiếp tục trình Sở TN-MT kiểm tra nghiệm thu và phê duyệt bản đồ địa chính theo quy định.

Đối với xã Trà Giác, đã hoàn thành việc in 628 phôi GCNQSDĐ (mỗi thửa đất được in trên một GCNQSDĐ), đang tiếp tục in 50 phôi GCNQSDĐ và UBND huyện ký duyệt, bàn giao cho hộ gia đình/cá nhân trong tháng 9/2023.

Phước Sơn triển khai thực hiện thí điểm tại xã Phước Đức vào năm 2020 từ nguồn ngân sách huyện. Sau đó, được UBND tỉnh thống nhất chủ trương điều chỉnh lộ trình đối với xã này sang thực hiện trong năm 2021.

Ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, đến nay huyện đã hoàn thành công tác đo đạc tại 2 xã Phước Đức, Phước Hiệp và đang tiếp tục thực hiện tại xã Phước Hòa và thị trấn Khâm Đức. Dự kiến đến cuối năm 2023 Phước Sơn sẽ cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho nhân dân từ 1.000 đến 1.200 giấy của hai xã Phước Đức và Phước Hiệp. Các xã Phước Hòa và thị trấn Khâm Đức sẽ thực hiện cấp giấy trong năm 2024.

Triển khai... túc tắc!

Không thuộc địa bàn đặc thù khó khăn nhất của các huyện miền núi, hiện trạng đất đai ổn định, nhưng theo đánh giá, tại các huyện Hiệp Đức, Tiên Phước việc triển khai Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh rất chậm, thiếu quyết liệt.

Báo cáo gửi Đoàn giám sát HĐND tỉnh của UBND huyện Hiệp Đức thể hiện: Ngày 28/10/2022, UBND huyện tổ chức hội nghị triển khai và đến ngày 31/12/2022 mới thành lập tổ công tác cấp huyện tại Quyết định 1119, cùng ban hành Kế hoạch số 175 về triển khai Dự án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2026 trên địa bàn. Như vậy, phải sau hai năm Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh được ban hành, UBND huyện Hiệp Đức mới triển khai thực hiện.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh làm trưởng đoàn giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 07 tại huyện Bắc Trà My. Ảnh: P.V
Đoàn giám sát HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh làm trưởng đoàn giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 07 tại huyện Bắc Trà My. Ảnh: P.V

Theo UBND huyện Hiệp Đức, khối lượng thực hiện công tác đo đạc thành lập bản đồ địa chính đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện đang được tiến hành tại hai xã Quế Thọ và Sông Trà. Đến thời điểm được giám sát, đã đo đạc 230,7/1.798,5ha (toàn huyện), chiếm 12,83% so với thiết kế kỹ thuật – dự toán được duyệt.

Giải trình với Đoàn giám sát HĐND tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức thừa nhận, địa phương mới thực hiện từ đầu năm 2023 đến nay.

Ngoài do bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và mất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục hồ sơ liên quan, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện chưa thật sự quyết liệt, nhất là việc đôn đốc đối với từng ngành theo kế hoạch, nhiệm vụ đã giao.

Tại Tiên Phước, qua ý kiến thảo luận của thành viên Đoàn giám sát HĐND tỉnh và giải trình của lãnh đạo Phòng TN-MT huyện cho thấy, việc triển khai Nghị quyết 07 trên địa bàn thời gian qua có biểu hiện “khoán trắng” cho đơn vị tư vấn đo đạc và ngành chuyên môn liên quan.

Đến giữa năm 2023, xã Tiên Phong được UBND huyện Tiên Phước chọn thực hiện thí điểm mới hoàn thành công tác đo đạc ngoài thực địa, soát xét lại danh sách, diện tích đất đã đo đạc của các hộ gia đình, cá nhân theo nhu cầu trên thực tế so với khối lượng dự toán được duyệt...

Nói về sự chậm trễ này, ông Đoàn Văn Công - Trưởng phòng TN-MT huyện Tiên Phước cho rằng, công tác đo đạc ngoài thực địa cho thấy trên địa bàn xã Tiên Phong thửa đất lâm nghiệp có diện tích nhỏ, khối lượng đo đạc số thửa đất vượt cao hơn số thửa đất trong dự toán được duyệt nhưng diện tích lại nhỏ hơn khối lượng được duyệt dẫn đến việc phải rà soát, cắt giảm các thửa đất có diện tích quá nhỏ. Mặt khác, các thửa đất lâm nghiệp nằm rải rác không tập trung, do đó gây khó khăn cho công tác đo đạc và biên tập bản đồ.

Chậm nghiệm thu sản phẩm

Theo tổng hợp báo cáo từ 9 địa phương gửi Đoàn giám sát HĐND tỉnh, mới có 25/85 xã đã thực hiện công tác đo đạc thành lập bản đồ địa chính đất lâm nghiệp trên địa bàn, với diện tích đo đạc 21.710,2/103.136,4ha, chiếm 21% so với thiết kế kỹ thuật - dự toán được duyệt.

Nhiều địa phương cho rằng Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp 9 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2026 với nội dung đã được phê duyệt là thực hiện đo đạc mới và đo đạc chỉnh lý.

Song trên thực tế triển khai thì đa số hiện trạng các thửa đất có hình thể, diện tích không phù hợp, sai lệch nhiều so với hồ sơ GCNQSDĐ trước đây đã cấp (2009) và Đề án đo đạc lập bản đồ đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000.

Ngoài ra, qua đo đạc thực tế cho thấy, ranh giới quy hoạch 3 loại rừng còn nhiều bất cập, không liền khoảnh, dẫn đến nhiều khu đất người dân đã trồng rừng sản xuất nhưng không nằm trong quy hoạch 3 loại rừng.

Hoặc có trình trạng nhiều trường hợp đất trồng keo một nửa nằm trong ranh giới, nửa nằm ngoài ranh giới quy hoạch 3 loại rừng. Đối chiếu với quy định thì diện tích nằm ngoài ranh giới quy hoạch 3 loại rừng không được xác định là đất lâm nghiệp, nên không thuộc trường hợp đo đạc để cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp theo đề án. Từ đó dẫn đến bức xúc, không đồng thuận của người dân đang sử dụng đất có hiện trạng đất đang trồng keo.

Ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, một số địa phương đã triển khai thực hiện từ tháng 4/2021 và đã hoàn thành 90% khối lượng đo đạc ngoại nghiệp đối với xã điểm. Tuy nhiên, tại thời điểm triển khai công tác đo đạc chưa thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đối với dự án theo quy định.

Ngày 18/5/2022, Sở TN-MT có Công văn số 1091 hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu sản phẩm bản đồ, địa phương mới triển khai công tác kiểm tra, giám sát. Do đó, đã dẫn đến sự chậm trễ trong công tác giám sát, kiểm tra nghiệm thu, nên đơn vị tư vấn đo đạc chưa thực hiện các bước về nghiệm thu sản phẩm.

-----------------------
Bài 2: Vỡ dự toán, khó dự tính

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ì ạch việc quy chủ đất rừng - Bài 1: Mỗi nơi mỗi kiểu chậm…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO