Ì ạch việc quy chủ đất rừng - Bài cuối: Cần cách làm hiệu quả hơn

HÀN GIANG 29/09/2023 08:05

Đoàn giám sát HĐND tỉnh khẳng định, Nghị quyết 07 ra đời xuất phát từ nhu cầu thực tế của miền núi, với mục tiêu cuối cùng là đất rừng sản xuất của người dân phải được quy chủ, hưởng lợi từ các chính sách. Vậy nên, các địa phương và ngành chuyên môn phải rút kinh nghiệm từ kết quả thực hiện ở xã điểm, làm rõ trách nhiệm liên quan, có cách làm hiệu quả hơn.

Để thực hiện tốt Nghị quyết 07 trong thời gian tới cần có sự phối hợp đồng bộ, tích cực của các ngành chuyên môn. Ảnh: P.V
Để thực hiện tốt Nghị quyết 07 trong thời gian tới cần có sự phối hợp đồng bộ, tích cực của các ngành chuyên môn. Ảnh: P.V

Làm việc với các địa phương, vấn đề được quan tâm của Đoàn giám sát HĐND tỉnh là tính chính xác, độ tin cậy của số liệu đo đạc tại các xã đã triển khai thực hiện.

Như lời ông Hà Đức Tiến - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, bài học nhãn tiền đã có đối với Quảng Nam khi giai đoạn 2007 - 2011 đã đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp đạt hơn 65%; tuy nhiên, vì tỷ lệ sai sót lớn trong giấy nên 9 huyện miền núi không cấp được cho người dân. Có huyện chỉ cấp được 36 GCNQSDĐ còn mấy nghìn giấy cất trong tủ, không dám cấp cho người dân vì sợ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Cần sát hiện trường

Băn khoăn của Đoàn giám sát HĐND tỉnh là có cơ sở khi khó khăn chung miền núi gặp phải là chồng lấn quy hoạch 3 loại rừng; hình thể các mảnh, thửa đất so với bản đồ 1/10.000 chưa chính xác, có sự biến động hơn 40% nên phải đo mới. Song mỗi nơi một cách làm, thiếu sự phối hợp của ngành chuyên môn, nhất là sự tham gia giám sát xuyên suốt của cán bộ địa chính xã.

Báo cáo kết quả đo đạc tại xã Trà Giác được UBND huyện Bắc Trà My chọn làm điểm đã cho thấy, qua rà soát, có 350 hồ sơ không đủ điều kiện do thửa đất có nguồn gốc rừng tự nhiên, vi phạm theo xác định của Hội đồng xét nguồn gốc đất huyện.

Giải đáp băn khoăn này, ông Đinh Văn Linh - Chủ tịch UBND xã Trà Giác khẳng định, là xã điểm nên Phòng TN-MT huyện Bắc Trà My cử cán bộ chuyên môn đi cùng với đơn vị đo đạc, cán bộ xã và người dân có đất để đo đạc.

Trong quá trình đo đạc, ranh giới không rõ ràng, phát sinh tranh chấp xã giải quyết ngay tại rẫy, phân tích hài hòa quyền lợi nên người dân không có ý kiến gì, việc triển khai thực hiện nhanh.

UBND xã cũng mời lực lượng ban quản lý rừng, kiểm lâm địa bàn cùng tham gia tránh trường hợp tới đo đạc rồi về mới kiểm tra, khớp lại. “Với cách làm chặt chẽ này, ngay từ đầu đã có số liệu đo đạc đánh giá đúng thực trạng, cũng như sàng lọc loại bỏ đối tượng không đủ điều kiện cấp giấy” - ông Linh nói.

Ông Nguyễn Văn Phú - Trưởng phòng TN-MT huyện Tây Giang cũng khẳng định, cơ chế phối hợp giữa huyện - xã - thôn và đơn vị tư vấn đo đạc rất chặt chẽ. Địa bàn miền núi khó khăn, nên thôn phải lập kế hoạch, ví dụ sáng nay đơn vị tư vấn đo đạc đo vị trí này, buộc người dân có đất trong khu vực đó phải đi hết. Người dân đi theo phát tuyến, xác định ranh giới đất của mình thì mới đo đạc được.

“Ngoài phạm vi của đề án thì huyện không đo, khi đo xong rồi Phòng TN-MT làm văn bản gửi các đơn vị quản lý rừng liên quan để rà soát, loại bỏ những diện tích không đủ điều kiện để sau này cấp GCNQSDĐ được đảm bảo” - ông Phú nói.

Tại huyện Hiệp Đức, số liệu đã đo đạc tại xã Sông Trà là 120,4/194ha, với 20 thửa/216 thửa theo thiết kế kỹ thuật - dự toán. Có nghĩa, các thửa đất được đo có diện tích lớn, ngược lại ở xã Quế Thọ số diện tích được đo ít hơn (110,3ha), lại có số thửa nhiều hơn (195 thửa).

Lý giải vấn đề này, theo ông Hồ Văn Sinh - Chủ tịch UBND xã Sông Trà, địa phương ưu tiên đo đạc thửa lớn ở khu vực thôn Trà Huỳnh, còn lại sẽ đo đạc thời gian tới. Ông Sinh cũng thừa nhận, mặc dù xã thành lập tổ công tác, nhưng hiểu rõ hiện trạng rừng của các hộ thì chỉ có cán bộ chuyên môn địa chính xã.

Tuy nhiên, cán bộ địa chính xã tham gia đi cùng với đơn vị tư vấn đo đạc ở vài điểm, chứ không thể đi xuyên suốt. Còn lại thông tin cho các hộ liền kề biết phối hợp cùng đi đo đạc với đơn vị tư vấn. Tương tự tại xã Quế Thọ, lãnh đạo UBND xã cho biết, việc đo đạc diễn ra trong mấy tháng nên cán bộ địa chính không thể bỏ nhiệm vụ cơ quan mà đi theo hết được!

Phối hợp chuẩn hóa số liệu

Dưới góc độ chuyên môn, ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, rất quan ngại khi việc triển khai đo đạc để có cơ sở dữ liệu và cấp GCNQSDĐ nhưng chỉ có đơn vị tư vấn đo đạc xuống liên hệ với người dân đi làm. Cách làm rất “đơn độc” như vậy sẽ sinh ra nhiều vấn đề. Mình có ghi nhận được đất đó là đất hợp pháp của người dân hay không? Ai xác định nguồn gốc đất?

Cũng theo ông Trần Út, Nghị quyết 07 được ban hành trên cơ sở xây dựng đề án, xác định rõ mục tiêu, đối tượng và phương pháp làm cụ thể, nhưng theo báo cáo cho thấy các địa phương không khu trú vào “cái khung” này để thực hiện nhanh, gọn đảm bảo tiến độ mà vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh.

Để giải quyết vướng mắc do quy hoạch 3 loại rừng, Sở NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương bám sát Kế hoạch 5899 ngày 9/10/2020 của UBND tỉnh về giải quyết quyền lợi cho người dân đối với đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, đất ở sử dụng hợp pháp của người dân nay thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, địa phương bóc tách, loại trừ các nhiệm vụ trùng lắp, từ đó xác định đối tượng phải thực hiện theo Nghị quyết 07, hay thực hiện theo Kế hoạch 5899 của UBND tỉnh.

Các địa phương chưa tranh thủ sự phối hợp với ngành chuyên môn để xác thực, chuẩn hóa số liệu đo đạc và quy chủ đất đó là đất hợp pháp, tránh trường hợp sau này có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện. Đồng thời cũng không dung túng cho các trường hợp lợi dụng việc đo đạc, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp để hợp thức hóa những phần đất không phải là đất hợp pháp của họ.

Địa phương phải rà soát, loại trừ vấn đề này. Sau khi có dữ liệu đo đạc, Phòng TN-MT huyện cần cung cấp cho ngành nông nghiệp, kiểm lâm để kiểm tra, xác thực, cập nhật lại so với quy hoạch 3 loại rừng.

“Gặp lúng túng trong việc xác định ranh giới, nhưng anh đã đo vẽ, có cơ sở dữ liệu rồi, tại sao không cung cấp cho kiểm lâm để được xác định có phải đất rừng sản xuất không, nằm trong hay ở ngoài quy hoạch 3 loại rừng, hoặc do người dân lấn chiếm rừng tự nhiên… Nếu phối hợp xử lý tốt vấn đề này thì sẽ không gặp các vướng mắc, khó khăn như các địa phương mô tả” - ông Út nói.

Không vì khó khăn mà dừng lại

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đánh giá, công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Nghị quyết 07 của một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu sự đôn đốc, phối hợp của các cấp chính quyền từ huyện đến xã, thôn và người dân; chưa có sự vào cuộc của Măt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

Nhiều địa phương khoán trắng cho phòng TN-MT và đơn vị tư vấn thực hiện. Các địa phương chưa phối hợp tốt với Sở TN-MT, ngành chuyên môn liên quan nên trong quá trình thực hiện gặp các vướng mắc, khó khăn nhưng không kịp thời giải quyết.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh cũng yêu cầu Sở TN-MT, Sở NN&PTNT giải trình làm rõ trách nhiệm liên quan bằng báo cáo trong việc phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai Nghị quyết 07, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; cũng như đề xuất giải pháp thực hiện để hoàn thành tiến độ đề ra vào năm 2026.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh nói, kết quả đạt được ở một số xã tạo hiệu ứng rất tốt đối với người dân đang quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn các huyện miền núi. Một nghị quyết có ảnh hưởng rất lớn như Nghị quyết 07 thì hằng năm phải có trong chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Theo ông Thanh, Nghị quyết 07 mới thực hiện gần nửa chặng đường, có những khó khăn nhất định, nhất là thiếu nhân lực, nhưng không phải vì vậy mà dừng lại. Các ngành chuyên môn cần có sự chủ động trong công tác phối hợp về xác định đất có chồng lấn chứ người dân chỉ đâu đơn vị tư vấn đo đạc đó thì quan ngại là đúng.

“HĐND tỉnh sẽ có nghị quyết giám sát kiến nghị cụ thể đối với từng vấn đề nhằm tổ chức thực hiện tốt hơn. Tôi đề nghị Sở TNMT nghiên cứu tiếp tục tham mưu cách làm hiệu quả. Khi đo đạc xong phải có sự xác lập, phối hợp của Sở NN&PTNT mà trực tiếp là Chi Cục kiểm lâm, các ban quản lý rừng xác định lại ranh giới. Không thể tất cả diện tích đất đều gặp khó khăn” - ông Thanh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ì ạch việc quy chủ đất rừng - Bài cuối: Cần cách làm hiệu quả hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO