Tốc độ tăng lương toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Ngày 15.12 vừa qua, trong Báo cáo tỷ lệ tăng lương toàn cầu 2016-2017 của ILO cho biết tốc độ này chậm lại đáng kể, ảnh hưởng đến chính sách kích cầu tại nhiều quốc gia. Ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vào năm 2008, các quốc gia đang phát triển có mức tăng lương ấn tượng. Tuy nhiên, xu hướng này đảo ngược ngay những năm sau đó. Phục hồi tiền lương diễn ra tại một số nền kinh tế phát triển như Mỹ và Đức nhưng ở mức tương đối thấp tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Nhìn chung, tỷ lệ tăng lương trên thế giới đã giảm từ mức 2,5% năm 2012 xuống 1,7% năm 2015, mức thấp nhất trong bốn năm qua.
Một xưởng sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: AP |
Tốc độ tiền lương diễn ra không đồng đều giữa các nền kinh tế, kể cả trong cùng một khối. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong nhóm G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) nói chung giảm từ 6,6% (năm 2002) xuống 2,5% (năm 2015). Tiền lương tăng từ 0,2% năm 2012 lên 1,7% năm 2015, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua cho các nền kinh tế phát triển của G20. Dẫu vậy, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chính sách của ILO - Deborah Greenfield nói, xu hướng tăng lương tại các nước phát triển cũng khá mong manh do bất ổn về chính trị, xã hội và suy giảm kinh tế. Ngoài ra, trong bối cảnh sức mua hay nhu cầu tiêu dùng thấp hơn dẫn đến giá cả các mặt hàng giảm, tăng lương chậm lại có thể tạo áp lực cho chính sách giảm phát, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Trong một cuộc họp Bộ trưởng Lao động Đông Nam Á mới đây, nhiều quốc gia thành viên ủng hộ tiến tới áp dụng mức lương tối thiểu chung cho người lao động trong khu vực, theo sáng kiến của Phó Tổng thống Indonesia-Jusuf Kalla. Đến nay, nhiều tập đoàn đa quốc gia chuyển nhà máy sản xuất tới một số nước trong khu vực như Indonesia, Việt Nam, Campuchia nhờ vào lao động giá rẻ. Tuy nhiên, ASEAN không thể chấp nhận tình trạng bất công khi giá thành sản phẩm chỉ bằng khoảng 1/6 so với giá hàng bán ra tại các nước khác. Theo tờ Jakarta Post của Indonesia, việc không có một mức lương tối thiểu cho khu vực khiến các doanh nghiệp ASEAN lao vào vòng xoáy cạnh tranh hạ giá nhân công để thu hút đầu tư. Xu hướng này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến điều kiện sống của người lao động, cũng như sức mua và nền kinh tế nói chung.
Chênh lệch tiền lương giữa hai giới nam và nữ tại cùng một nơi làm việc, cùng một ngành nghề cũng như giữa cấp lãnh đạo và nhân viên rất được ILO quan tâm. Tại châu Âu, mức lương trung bình/giờ làm việc của phụ nữ thấp hơn nam giới 20%, trong khi ở cấp lãnh đạo, phụ nữ được trả ít hơn đồng nghiệp nam đến 50%. Iceland - một trong những quốc gia xếp hạng cao nhất về bình đẳng giới nhưng tiền lương của phụ nữ ở đây thấp hơn 14 - 18% so với nam giới. Australia dù đưa ra rất nhiều chính sách kêu gọi bình đẳng giới, mức lương thu nhập của phụ nữ thua kém nam giới đến gần 27 ngàn AUD/năm. Ở Canada cũng vậy, Với mỗi USD được trả cho nam giới, phụ nữ chỉ được 65 cent dù làm cùng công việc và kỹ năng ngang nhau, như trong lĩnh vực công nghệ…
QUỐC HƯNG