Khi thấy tấm biển báo hiệu rằng cao tốc đang ngang qua Vườn quốc gia Bạch Mã, trong tôi vang lên những ca từ nhạc Trịnh và nghe xao động cuộc đối thoại vô thanh giữa trăng với rừng…
1. Dọc tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan mà tôi vừa có dịp ngang qua hồi cuối tuần trước, thấy có nhiều cầu vượt thiết kế cho các loài động vật qua lại. “Cầu thú chui”, ở Km30+239.50, có lẽ dành riêng cho loài thú lớn.
Xe lao nhanh nên tôi không kịp thấy con thú hoang nào. Những khung lưới lắp dựng dọc theo hai bên đường có lẽ cũng đã kịp “ngăn” chúng lại, hoặc chúng dạt sâu vào các cánh rừng già.
Nhưng tôi biết chúng đang lang thang đâu đó, từ khi bắt gặp tấm biển lớn ghi dòng chữ báo tin cung đường bắt đầu xuyên vào Vườn quốc gia Bạch Mã. Sau khi đã chạy men theo hướng chảy ở thượng nguồn sông Cu Đê, cao tốc kéo dài thêm hơn 11 cây số khi ngang qua vườn quốc gia…
Ngay sau điểm đầu địa phận Vườn quốc gia Bạch Mã ở Km26, biển báo cấm sử dụng còi thấy lắp đặt rải rác. Chính biển báo liên quan đến tiếng động này đã gợi nhớ những thanh âm khác.
Ngay từ những ngày đầu dự tính phóng tuyến ngang qua vùng Bà Nà - Núi Chúa, nhiều người đã bàn đến câu chuyện im lặng của núi đồi. Cuối cùng, cung đường vẫn ngang qua vùng lõi Vườn quốc gia Bạch Mã nhiều cây số và ảnh hưởng đến hàng chục hecta rừng.
Dường như không có thêm sự lựa chọn nào khả dĩ. Bởi mở về phía đông thì sát với quốc lộ 1, lại giáp các con sông lớn, khu du lịch, cảng biển và gặp địa hình thấp, lũng sông. Né về phía tây thì vướng núi cao, càng đi sâu hơn vào khu bảo tồn, sát với tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây…
Nhưng các nhà chuyên môn vẫn không khỏi lo ngại cho muông thú và cây rừng. Họ đếm được hơn 90 loài chim, 18 loài thú, 12 loài ếch và 16 loài bò sát đang cư trú ở khu vực có cung đường ngang qua. Nhiều loài thú cũng thường tha thẩn kiếm ăn ở khu rừng đang phục hồi dọc bờ sông Tả Trạch.
Khi xe cộ ầm ào chạy ngang qua thì sao? Những con nai, con hoẵng sẽ mất nơi kiếm ăn. Các loài thuộc họ trĩ mất nơi sinh sống. Các loài chim, loài trong bộ gà có ít khả năng bay xa, các loài thú móng guốc, linh trưởng bị ngăn cách…
Những hầm chui, cầu cạn cho động vật qua lại, như cây cầu mang tên “Cầu thú chui” vừa nhắc, có lẽ cũng chỉ là một tiện nghi mà con người cố gắng bày biện cho muông thú như một sự chuộc lỗi mà thôi.
Tấm biển báo “cấm sử dụng còi” cũng thế.
Tịnh không nghe thấy một tiếng còi nào, nhưng dường như vẫn có tiếng thét lanh lảnh đâu đó vọng lại từ phía rừng sâu. Lúc ấy, vang lên trong tôi những ca từ của Trịnh Công Sơn: “Im lặng dòng sông tôi đã lắng nghe/ Im lặng ngọn đồi tôi đã lắng nghe/ Im lặng thở dài tôi đã lắng nghe…”.
2. Nhạc Trịnh Công Sơn đã nhắn nhủ tôi về sự im lặng của đồi núi. Và có thêm nỗi xao động trong im lặng khác nữa khi xe ngang qua rừng Bạch Mã, ấy là tiếng thầm thì giữa trăng và rừng ở cao nguyên Lâm Đồng.
Ngày ấy, đang ở Princeton (Mỹ) giữa mùa rừng phong đổ những trận mưa lá, thiền sư Thích Nhất Hạnh nhớ về núi rừng Phương Bối, nơi rất ít cây rừng thay lá và không đủ để tạo nên một mùa thu.
Ông bảo, mùa thu Princeton thật đẹp, nhưng không độc đáo như Phương Bối, không sương mù bao trùm núi đồi, không phảng phất hương của hoa chiều, không tiếng chim kêu vượn hú vang rừng, không huyền bí và hoang dại. Và nhất là đêm trăng.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh kể, một đêm nọ ham viết, đến 1 giờ khuya mới tắt đèn, bước đến cửa sổ nhìn ra khu rừng đang tẩm ướt ánh trăng. Trước mắt ông, cả trăng cả rừng đều huyền bí, mầu nhiệm, tạo nên một khung cảnh chưa hề thấy bao giờ trong đời, trừ Phương Bối. Ông đã thấy gì?
“Trăng cũng tuyệt đối im lặng và rừng cũng tuyệt đối im lặng. Nhưng mà trăng với rừng quả là đang nói chuyện với nhau, nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ gì chúng ta không thể nào biết được. Trăng và rừng lúc này không phải là hai mà chỉ là một. Thí dụ ta lấy trăng đi, thì rừng cũng mất. Hoặc giả nếu ta lấy rừng đi, thì trăng cũng tan biến”.
Những dòng suy niệm miên man này, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết ở giữa đầu chương 3 truyện “Nẻo về của ý”, từ năm 1966. Đúng 40 năm sau, năm 2006, ông ngồi ở Làng Mai (Pháp) viết lời tựa cho bản in lại “Nẻo về của ý” ở Việt Nam, tiết lộ đã từng để cho ngọn bút rong chơi nơi chốn núi đồi.
Ông kể, ngày trước có nhiều người rời quê hương không kịp mang theo được gì ngoài một cuốn này thôi, “Nẻo về của ý”… Giờ thì nẻo về đã trở lại, và với tôi, thêm một lần nữa được nghe nhắc đến cuộc nói chuyện vô thanh giữa trăng và rừng ở Đại Lão sơn vùng ngoại ô Bảo Lộc (Lâm Đồng). Nơi ấy, thiền sư từng lập thảo am để hành thiền thời trai trẻ…
3. Cuộc nói chuyện ấy có chút gì tương liên với sự im lặng núi đồi mà tôi vừa thoáng nhìn thấy khi ngang qua Bạch Mã?
Cuộc “nói chuyện” giữa trăng và rừng Phương Bối không chỉ là sự liên tưởng kỳ lạ của một văn tài. Mà hơn thế, chúng gợi ý về một sự im lặng cần có trong cuộc sống. Sự im lặng ấy phải được vẽ thành biển hiệu, rồi mang cắm dọc cung đường chạy ngang qua rừng già Bạch Mã. Ít nhất, không nên làm muông thú giật mình, trước khi bàn tính về một cuộc đối thoại lớn với thiên nhiên.
Nhớ một buổi sớm mai nằm trên chòi tre nghe tiếng cá quẫy nước nơi đầm Chuồn, tôi cảm nhận được sự độ lượng của vùng đầm phá rộng lớn nhất Đông Nam Á - phá Tam Giang. Lại nhớ giáo sư Cao Huy Thuần từng thảng thốt khi đến thăm Thánh Duyên cổ tự trên núi Túy Vân, nhìn ra phá Tam Giang.
Non nước này từng được vua Thiệu Trị xếp thứ 9 trong “Thần kinh nhị thập cảnh” xứ Huế. Nhưng đọc xong thơ đề tặng của vua Thiệu Trị khắc trên bia trước cổng, “Cầu long ẩn phục liệt lân tuần” (Rồng thiêng nương náu chốn hang thần), nhìn ra bãi biển, giáo sư không khỏi ngậm ngùi.
Bởi sát hông chùa, quán nước và chợ búa tranh nhau làm chủ giang sơn, máy phát thanh ồ ạt phóng ra nhạc đủ loại. “Đâu rồi rắn rồng ẩn mình trong chốn hang động?”, giáo sư tự hỏi rồi lẳng lặng leo dốc tìm mây biếc trong tên chùa trên đỉnh Túy Vân…
Người xưa đang muốn lắng nghe và muốn giữ, nỗi lặng im của núi đồi. Hãy là sự im lặng thản nhiên, chứ không phải “im lặng thở dài” như ca từ của Trịnh Công Sơn từng thao thiết.