(QNO) - Tối qua 11/10 (giờ Việt Nam), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo kinh tế thế giới năm 2022 và cảnh báo dấu hiệu cho thấy nguy cơ suy thoái toàn cầu gia tăng.
IMF dự đoán tăng trưởng toàn cầu đạt mức 3,2% trong năm nay, chậm lại còn 2,7% trong năm tới và năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái đối với hàng triệu người trên thế giới.
Theo IMF, ngoài cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu năm 2023 có mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2001.
Báo cáo của IMF cũng tương tự các bảng báo cáo mới nhất từ Ngân hàng thế giới (WB), Liên hiệp quốc và các giám đốc điều hành các tập đoàn lớn trên toàn cầu.
Khoảng 30% nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến hai quý liên tiếp tăng trưởng âm trong năm nay và năm sau, trong khi ba nền kinh tế lớn của thế giới bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại.
Nguyên nhân chính dẫn đến bức trang u ám cho nền kinh tế thế giới bao gồm xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng giá sinh hoạt như khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đẩy giá khí đốt tăng hơn 4 lần kể từ năm 2021 và sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc.
IMF dự đoán lạm phát toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2022, tăng từ 4,7% của năm 2021 lên 8,8%, sau đó giảm xuống 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024.
Lạm phát đang làm giá lương thực, thực phẩm, giá năng lượng tăng cao và ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi gia đình, đặc biệt là người nghèo.
Do đó, IMF cho rằng, lạm phát nên tiếp tục được coi là một chính sách ưu tiên trong điều hành kinh tế của chính phủ các quốc gia.
Tiến sĩ Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành của IMF cho biết trong tuần này sẽ vận động để các ngân hàng trung ương tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát.
IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ mất 4.000 tỷ USD từ nay đến năm 2026 - một bước lùi khổng lồ với nền kinh tế thế giới.
Bởi vậy, Tiến sĩ Kristalina Georgieva khẳng định: "Không phải là bức tranh màu hồng. Nhưng nếu chúng ta hợp lực, nếu chúng ta cùng hành động, chúng ta có thể giảm bớt nỗi đau đang ở phía trước của chúng ta vào năm 2023".
Mới đây, người đứng đầu IMF cũng cho rằng, thế giới cần một khoản kinh phí rất lớn, 3.000 - 6.000 tỷ USD để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, duy trì tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng, Việt Nam được xem là một điểm sáng tăng trưởng. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,87% - 8,02% trong năm 2022. Ngoài ra, báo cáo mới nhất của Chính phủ cho biết, xuất khẩu của Việt Nam được dự báo tăng 9,5%, lên 368 tỷ USD trong năm nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 6,4% -11,5%, lên 21 tỷ - 22 tỷ USD.