IMF hạ dự báo tăng trưởng của 143 nền kinh tế

QUỐC HƯNG 19/04/2022 15:53

(QNO) - Người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva mới đây cho biết, tác động của xung đột Nga - Ukraine sẽ góp phần vào dự báo hạ cấp tăng trưởng năm nay của 143 nền kinh tế vốn chiếm 86% GDP toàn cầu.

Ảnh: truescoopnews.
Bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc IMF. Ảnh: Truescoopnews

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định, trong gần 2 tháng qua, thế giới trải qua cuộc khủng hoảng lớn thứ hai, sau đại dịch Covid-19. "Nói một cách đơn giản, chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng trên đỉnh một cuộc khủng hoảng" - bà Kristalina Georgieva phát biểu.

Hậu quả kinh tế từ cuộc xung đột Nga - Ukraine lây lan "nhanh và xa", ảnh hưởng nặng nề đến những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Cạnh đó, tác động của chiến tranh sẽ góp phần dự báo tụt hạng cho 143 nền kinh tế trong năm 2022 vốn chiếm 86% GDP toàn cầu.

Nhà lãnh đạo IMF cảnh báo, xung đột Nga - Ukraine đẩy giá năng lượng và thực phẩm lên cao và làm trầm trọng thêm lạm phát, làm tổn thương hàng trăm triệu gia đình vốn đã phải vật lộn với thu nhập thấp hơn và giá cả cao hơn, đồng thời đe dọa làm gia tăng bất bình đẳng hơn nữa.

Bà Kristalina Georgieva nói: "Kể từ đó, triển vọng đã xấu đi đáng kể, phần lớn là do chiến tranh và những hậu quả của nó. Do đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ tụt dốc hơn nữa cho cả năm 2022 và 2023".

Trước đó, trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới được công bố vào tháng 1.2022, IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 xuống 4,4%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10.2021. Đó là trong bối cảnh biến thể Omicron của vi rút SARS-CoV-2 lây lan nhanh, khi các nền kinh tế vật lộn với gián đoạn nguồn cung, lạm phát cao hơn, nợ kỷ lục và sự bất ổn dai dẳng.

Bà Kristalina Georgieva lưu ý, triển vọng rất khác nhau giữa các quốc gia, từ thiệt hại kinh tế thảm khốc ở Ukraine, đến sự suy giảm nghiêm trọng ở Nga, đến các quốc gia phải đối mặt với tác động lan tỏa từ chiến tranh thông qua các kênh hàng hóa, thương mại và tài chính.

Theo người đứng đầu IMF, các ưu tiên trước mắt là chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, đối đầu với đại dịch, giải quyết lạm phát và nợ nần, bên cạnh những nỗ lực chống biến đổi khí hậu, đón nhận cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Ảnh: Reuters
Mua sắm tại siêu thị ở Mỹ. Ảnh: Reuters

Ngày 18.4.2022, IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo khoản nợ tích lũy của các doanh nghiệp và cá nhân trên toàn thế giới có thể làm chậm sự phục hồi kinh tế từ cuộc khủng hoảng đại dịch.

Các chính phủ đã thực hiện các biện pháp đặc biệt để hỗ trợ nền kinh tế của họ khi Covid-19 lan rộng 2 năm trước, bao gồm việc áp dụng các biện pháp hoãn trả nợ hoặc cung cấp các khoản vay quy mô lớn.

Nhưng các chương trình này lại dẫn đến mức nợ cao hơn đối với một số lĩnh vực, bao gồm cả những lĩnh vực chịu thiệt hại nhiều như du lịch và nhà hàng...

Do đó, theo IMF, để tránh làm trầm trọng thêm các vấn đề, chính phủ nên điều chỉnh tốc độ của việc loại bỏ dần các chương trình viện trợ và chi tiêu.

Đối với các lĩnh vực đang gặp khó khăn, các chính phủ có thể cung cấp viện trợ để ngăn chặn giải thể hoặc cung cấp các động lực để tái cơ cấu, thay vì thanh lý.

IMF nhấn mạnh gánh nặng nợ có thể khiến tăng trưởng ở các nước phát triển giảm 0,9% và ở các thị trường mới nổi giảm 1,3% trong 3 năm tới.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
IMF hạ dự báo tăng trưởng của 143 nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO