(QNO) - Hôm qua 26.7, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022 và 2023, cho rằng kinh tế thế giới sẽ đến bờ vực suy thoái nếu không được kiểm soát.
Kinh tế toàn cầu chịu nhiều sức ép
IMF dự báo nền kinh tế thế giới tăng trưởng 3,2% trong năm nay, trước khi giảm xuống mức 2,9% GDP vào năm 2023, thấp hơn mức dự báo 3,6% cho năm 2022 và 2023 mà IMF đưa ra hồi tháng 4 vừa qua.
Tổ chức quốc tế giám sát hệ thống tài chính toàn cầu này cho biết, trong số những thách thức hay cú sốc giáng xuống nền kinh tế thế giới vốn đã suy yếu do đại dịch Covid-19 là lạm phát tăng vọt, đặc biệt là tại Mỹ và các nền kinh tế lớn của châu Âu. Điều đó dẫn đến các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
Sự chậm lại của nền kinh tế số 1 thế giới - Mỹ do tăng trưởng yếu hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, sức mua hộ gia đình giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn so với các ước tính trước đó, sau các đợt đóng cửa Covid-19 kéo dài và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới dự kiến tăng trưởng 3,3% vào năm 2022 - mức thấp nhất trong 4 thập kỷ qua.
Triển vọng của khu vực đồng euro (Eurozone) hạ 0,2 điểm phần trăm xuống 2,6% và hậu quả nặng nề hơn từ cuộc chiến ở Ukraine có thể tiếp tục ảnh hưởng đến năm 2023, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn của Đức, Pháp và Tây Ban Nha.
IMF cho hay, các dự báo mới nhất này là cực kỳ bất ổn và chịu nhiều rủi ro từ căng thẳng Nga - Ukraine, khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao.
Lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng
Lạm phát toàn cầu được dự báo đạt 6,6% ở các nền kinh tế tiên tiến và 9,5% ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong năm nay.
"Sẽ mất nhiều thời gian hơn để lạm phát biến mất" - ông Tobias Adrian - cố vấn tài chính kiêm Giám đốc Ban Thị trường vốn và tiền tệ của IMF cho biết.
Với việc giá cả tăng cao thúc đẩy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu, IMF cho rằng việc kiềm chế lạm phát nên là ưu tiên số một của các nhà hoạch định chính sách.
Cạnh đó, các chính sách để giải quyết giá năng lượng và nhiên liệu cao hơn nên tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Theo ông Pierre-Olivier Gourinchas - nhà kinh tế trưởng của IMF, triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên u ám đáng kể từ tháng 4.2022. Thế giới có thể sẽ sớm ngấp nghé bờ vực suy thoái, chỉ 2 năm sau lần suy thoái mới đây nhất.