(QNO) - Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa khuyến nghị các biện pháp giúp Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) vượt qua thách thức kinh tế.
Phát biểu tại Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ - Thái Bình Dương diễn ra ngày 5 và 6/9 tại Jakarta (Indonesia), Tổng Giám đốc IMF - bà Kristalina Georgieva cho biết, các quốc gia ASEAN bị ảnh hưởng khá nhiều bởi đại dịch toàn cầu COVID-19, đặc biệt về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
ASEAN từng được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch. Nhưng tốc độ tăng trưởng của khối giảm một nửa kể từ khi đại dịch bùng phát, với mức tăng trưởng trung bình trong 3 năm qua chỉ bằng một nửa so với dự báo, gây ra tổn thất sản lượng khoảng 8% GDP.
Người đứng đầu IMF giải thích rằng, ASEAN - khu vực đóng góp 10% vào tăng trưởng toàn cầu chịu sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng do đại dịch và xung đột Nga - Ukraine dẫn đến khủng hoảng và lạm phát.
Cạnh đó, lãi suất dự kiến sẽ duy trì ở mức cao cho đến năm 2024 hoặc thậm chí là năm 2025, chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy cho kinh tế ASEAN. Một trong số đó là về sức mạnh tiền tệ.
Dù vậy, IMF khẳng định, tăng trưởng toàn cầu năm nay dự đoán đạt 3% và ASEAN đạt mức tăng trưởng 4,6% và sẽ tiếp tục cho đến năm sau. ASEAN vì thế vẫn là một điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới.
Bà Kristalina Georgieva nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục phát triển năng động để vượt qua những thách thức kinh tế với 3 khuyến nghị chính để khu vực duy trì tăng trưởng mạnh mẽ, phục hồi hoàn toàn và tiếp tục con đường thịnh vượng.
Đó là, ASEAN cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính để đảm bảo niềm tin cho người tiêu dùng và nhà đầu tư, theo đuổi các chính sách kinh tế hợp lý để xây dựng "vùng đệm" chống lại các cú sốc kinh tế.
Các chính phủ ASEAN nên đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và kỹ năng. Bà Kristalina Georgieva dẫn chứng: "Người dân ASEAN phải có được những kỹ năng cho ngày mai vì chúng tôi biết rằng AI (trí tuệ nhân tạo) đã tồn tại. Người dân ASEAN cần có những kỹ năng không thể thay thế bằng AI".
Nhà lãnh đạo IMF cũng khuyến nghị ASEAN đầu tư vào kết nối kỹ thuật số và nền kinh tế xanh để đạt được tiến bộ hơn nữa trong quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm thúc đẩy tài chính xanh và khuyến khích khu vực tư nhân đóng góp vai trò vào nền kinh tế xanh.
"Điều quan trọng là chúng ta cùng nhau hợp tác để đối phó thách thức này. Hãy thúc đẩy hợp tác quốc tế, đẩy lùi các thế lực chia cắt các nền kinh tế. ASEAN là một ví dụ cho thấy lợi ích của thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực, ASEAN có thể trông cậy vào IMF là đối tác trong việc thúc đẩy những nỗ lực này" - bà Kristalina Georgieva phát biểu.