IMF lạc quan về kinh tế Việt Nam

QUỐC HƯNG 08/09/2022 15:00

(QNO) - Ngày 6.9 vừa qua, trên trang web của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) có bài viết đánh giá triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Ngành dệt may được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại trong năm tới (Ảnh: TTXVN)
Ngành dệt may được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm tới. Ảnh: TTXVN

IMF viết, nửa đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng khi các hạn chế về đại dịch được nới lỏng. Việt Nam áp dụng chiến lược sống chung với Covid-19, triển khai đợt tiêm chủng quy mô lớn.

Các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam đi kèm với sản xuất mạnh mẽ, phục hồi trong hoạt động bán lẻ và du lịch.

Mới đây, IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 7% trong năm nay, cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức dự báo của 3 tháng trước đó và là lần điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 6,7% cho năm 2023.

Tuy nhiên, đây sẽ là tốc độ nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á khi dự báo tăng trưởng cho khu vực giảm xuống 4,2% và 4,6% cho năm 2022 và 2023.

Áp lực lạm phát của Việt Nam chủ yếu được giới hạn ở một số hàng hóa như nhiên liệu và các dịch vụ liên quan như vận tải.

Dù vậy, người tiêu dùng Việt Nam phần lớn không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng giá thực phẩm trên toàn cầu vì nguồn cung trong nước dồi dào, giá thịt heo giảm so với mức đỉnh của năm ngoái và gạo vẫn rẻ hơn so với các loại ngũ cốc khác như lúa mì. Hơn nữa, mức tăng giá đối với các dịch vụ, chẳng hạn như y tế và giáo dục, cũng rất nhẹ.

Giá tiêu dùng trong 7 tháng đầu năm 2022 tăng, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 4% của ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, IMF cho rằng, lạm phát tại Việt Nam có thể tăng lên khi hoạt động kinh tế trở lại với tốc độ tối đa.

Chi phí vận chuyển cao hơn và các mặt hàng như phân bón và thức ăn chăn nuôi cũng có thể làm tăng giá đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ hơn, gây thêm áp lực lạm phát.

Cảng Chu Lai, Quảng Nam. Ảnh: Thacogroup
Cảng Chu Lai, Quảng Nam. Ảnh: Thacogroup

IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,2% trong năm nay và 2,9% vào năm sau do tác động khủng hoảng Nga - Ukraine, sự suy thoái ở Trung Quốc và các nền kinh tế tiên tiến.

Sự chậm lại như vậy có nghĩa là nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm, đặc biệt là từ các đối tác thương mại chính như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

Theo IMF, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục xử lý các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và giám sát chặt chẽ các rủi ro tiềm ẩn trên thị trường bất động sản để đảm bảo ổn định tài chính...

Bài viết cũng nhấn mạnh một khi giải quyết những thách thức còn tồn tại liên quan đến thị trường lao động, hiệu quả của mạng lưới an ninh xã hội, những rủi ro về biến đổi khí hậu..., Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao và tiếp tục thúc đẩy chính sách phát triển bền vững hướng tới vị thế thu nhập cao hơn.

Việc thực hiện mang tính quyết định sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững, bao trùm và toàn diện. 

Trong khi IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm nay thì dự báo cho Indonesia được điều chỉnh giảm xuống còn 5,3%, Thái Lan: 2,8%, Malaysia: 5,1% và Philippines lên 6,7%. IMF nhận định, chính sách tài khóa của Việt Nam cần đi đầu trong việc hỗ trợ phục hồi, nhưng được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với các điều kiện kinh tế đang phát triển.
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
IMF lạc quan về kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO