Ngày 10.7 vừa qua, lần thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm 2012, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt lần này, bên cạnh những rủi ro kinh tế vẫn còn tồn tại, IMF “điểm mặt” nhân tố rủi ro mới.
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới lần này, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống còn 3.1% từ mức 3.3% được dự báo trong tháng 4 trước đó. Thậm chí, IMF cũng cắt giảm triển vọng tăng trưởng năm tới từ 4% xuống còn 3.8%. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng qua, những rủi ro kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục xuất hiện. Theo IMF, ngoài sự tồn tại từ các cuộc khủng hoảng nợ công đang diễn ra trong khu vực đồng euro, sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Mỹ, kinh tế toàn cầu đang chịu tác động từ tốc độ phát triển chậm lại của các nền kinh tế đang trỗi dậy tập trung trong khối BRICS (Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi) và rủi ro này đang gia tăng. Theo các chuyên gia IMF, khối BRICS đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi lãi suất tại các nền kinh tế phát triển tăng và giá tài sản biến động trong thời gian gần đây. Cùng với đó, sự suy giảm các hoạt động kinh tế tại các thị trường của khối này đã dẫn tới sự rời đi của các dòng vốn, giá cổ phiếu giảm, lãi suất trái phiếu tăng và sự mất giá của các đồng tiền tại các nền kinh tế của khối.
Lãi suất tại các nền kinh tế phát triển tăng lên tác động tiêu cực lên các nền kinh tế. |
Hiện các nền kinh tế khối BRICS đang dần lộ rõ sự “mệt mỏi” khi phải đứng ra gánh vác phần quan trọng cho đà tăng trưởng toàn cầu trong những năm gần đây. Ví như, được mệnh danh là người khổng lồ về kinh tế, đứng thứ hai ở tây bán cầu, top 10 nền kinh tế lớn của thế giới năm 2013, song giờ đây, IMF hạ dự báo tăng trưởng của Brazil xuống còn 2,5% trong năm nay và 3.2 % trong năm 2014, giảm 0,5 và 0,8 điểm so với dự báo hồi tháng 4 vừa qua. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng cho năm nay tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng bị giảm bớt, dù không nhiều: trừ 0,3 điểm, còn lại 7,8% cho năm 2013 và chỉ là 7,7% cho năm 2014.
Ông Olivier Blanchard - Trưởng nhóm kinh tế gia của IMF phân tích rằng, sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, nhóm BRICS bắt đầu gặp phải những yếu tố trì kéo. Hoạt động kinh tế yếu hơn ngay tại các nước đó đã khiến vốn đầu tư rút khỏi khu vực này, giá cổ phiếu rớt mạnh, lãi suất tăng cao và đồng tiền mất giá. Thêm vào đó là hiện tượng bão hòa của cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng của tình trạng giá nguyên liệu sụt giảm trên mức xuất khẩu của các nền kinh tế nhóm này.
Cũng trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới lần này, IMF dự báo tăng trưởng của Mỹ giảm từ 2% (được dự báo trước đó) xuống còn 1,7% vào năm 2013 và sẽ là 2,7% cho năm 2014 (thấp hơn dự báo là 2,9%) trong khi GDP của khu vực eurozone dự báo sẽ suy giảm 0,6% trong năm 2013 và là 0,9% trong năm 2014. Như vậy, theo IMF, để có đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn trên toàn cầu, thế giới cần phải thực hiện nhiều chính sách hơn nữa. Đặc biệt, các nền kinh tế lớn nên duy trì chính sách hỗ trợ kinh tế vĩ mô cùng với kế hoạch vươn tới sự bền vững về nợ. Các nước này cũng phải thực hiện nhiều cải cách nhằm khôi phục lại sự cân bằng tài chính và các kênh tín dụng. Rất nhiều thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển phải đánh đổi giữa chính sách kích thích kinh tế và hạn chế dòng vốn bị rút ra. Các cải cách mang tính cấu trúc có thể giúp sự đánh đổi này trở nên nhẹ nhàng hơn.
QUỐC HƯNG (tổng hợp)