Indonesia chống cháy rừng than bùn bằng công nghệ

QUỐC HƯNG 08/02/2023 16:18

(QNO) - Indonesia cho biết sẽ đẩy mạnh sử dụng công nghệ điều chỉnh thời tiết, giúp ngăn chặn cháy rừng than bùn trong mùa khô sắp tới.

Indonesia vật lộn với các đám cháy rừng than bùn hằng năm, đặc biệt vào mùa khô. Ảnh: Antara
Indonesia vật lộn với các đám cháy rừng than bùn hằng năm, đặc biệt vào mùa khô. Ảnh: Antara

Cháy rừng than bùn là một trong những vấn đề nghiêm trọng mà Indonesia phải đối mặt trong nhiều năm qua.

Indonesia hiện là quốc gia có diện tích đất than bùn lớn thứ 4 trên thế giới với 13,9 triệu héc ta - theo Bộ Môi trường và lâm nghiệp Indonesia.

Tuy nhiên, các đám cháy rừng than bùn hằng năm gây thiệt hại nghiêm trọng tại Indonesia từ ô nhiêm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân, kinh tế…, thậm chí gây khói mù mịt cho nhiều nước láng giềng như Malaysia, Singapore, Thái Lan.

Cùng với rừng ngập mặn, rừng than bùn là những bể chứa các bon lớn nhất thế giới. Tại Indonesia, ước tính rừng than bùn lưu trữ khoảng 60 tỷ tấn các bon và rừng ngập mặn giữ khoảng 3 tỷ tấn.

Do đó, Chính phủ Indonesia đẩy mạnh kế hoạch phục hồi hệ sinh thái than bùn nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên đất than bùn, làm chậm biến đổi khí hậu, ngăn chặn thiệt hại từ cháy rừng than bùn.

Để chuẩn bị cho mùa khô sắp tới, các nhà chức trách Indonesia đang tìm cách sử dụng công nghệ điều chỉnh thời tiết, tạo ra mưa nhân tạo giúp ngăn chặn cháy rừng than bùn.

Theo hãng thông tấn Antara (Indonesia), người đứng đầu Cơ quan Phục hồi rừng ngập mặn và than bùn (BRGM) Hartono cho biết, cơ quan này sẽ làm việc với Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) để cải thiện trữ lượng nước bằng cách sử dụng mưa nhân tạo.

Gieo hạt trên đám mây là một kỹ thuật điều chỉnh thời tiết giúp cải thiện khả năng tạo mưa của đám mây, giúp ngăn chặn hay dập lửa các đám cháy đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, được thực hiện bằng cách gieo hạt mây vũ tích bằng natri clorua để gây ngưng tụ và mưa ngay lập tức. 

Một hoạt động như vậy có thể được thực hiện bằng máy bay hoặc tên lửa.

“Tại những địa điểm rất dễ bị tổn thương, chúng tôi đang hợp tác với BNPB để thực hiện công nghệ điều chỉnh thời tiết như một nỗ lực nhằm bổ sung lượng nước dự trữ thông qua mưa nhân tạo” - ông Hartono nói.

Dự án mưa nhân tạo cũng là một biện pháp phòng ngừa hiệu ứng La Nina, đặc biệt là trên các vùng đất than bùn thoát nước quá mức, khiến chúng dễ bị hỏa hoạn.

Sử dụng công nghệ để gây mưa nhân tạo. Ảnh: Dnaindia
Sử dụng công nghệ để gây mưa nhân tạo. Ảnh: Dnaindia

Theo ông Hartono, các hoạt động điều chỉnh thời tiết đã được tiến hành hằng năm như một hình thức giảm nhẹ thiên tai.

Ví như năm 2021, công nghệ làm mưa nhân tạo được thực hiện ở 4 tỉnh tại Indonesia gồm Riau, Nam Sumatra, Tây Kalimantan và Jambi, với lượng mưa tăng đến 69% so với lượng mưa tự nhiên.

BMKG dự đoán sự gia tăng các vụ cháy rừng trong năm nay, tương tự như năm 2019 khi 1,64 triệu héc ta đất bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn khi Indonesia bước vào mùa khô, thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 5 hằng năm. 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Indonesia chống cháy rừng than bùn bằng công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO