(QNO) - Indonesia đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế số lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.
Theo Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia - ông Airlangga Hartarto, nền kinh tế số mang đến những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự thịnh vượng cho Indonesia.
Indonesia - nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á chứng kiến giá trị của nền kinh tế số tăng đáng kể, từ 41 tỷ USD năm 2019 lên 77 tỷ USD vào năm 2022, tương đương 40% của khu vực.
Con số này dự kiến sẽ tăng lên 130 tỷ USD vào năm 2025, lên 330 tỷ USD vào năm 2030 trong khi Đông Nam Á nói chung sẽ trở thành nền kinh tế số trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030, chủ yếu trong lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ tài chính.
Bộ trưởng Airlangga Hartarto cho biết: "Với quá trình số hóa, ngày càng có nhiều chủ thể kinh doanh ở Indonesia áp dụng công nghệ số để đổi mới và phát triển các công ty khởi nghiệp trên khắp đất nước. Một số kỳ lân đã được niêm yết trên các sàn giao dịch quốc gia và toàn cầu".
Do đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng vật lý, kỹ thuật số bao gồm trung tâm dữ liệu, mạng cáp quang, mạng 5G và vệ tinh thông lượng cao vẫn là ưu tiên hàng đầu để đẩy mạnh kinh số Indonesia.
Bên cạnh đón đầu chuyển đổi kinh tế số, Chính phủ Indonesia cũng chuẩn bị một số công cụ pháp lý liên quan đến thương mại điện tử.
Báo New Straits Times nhận định, Chính phủ Indonesia đảm bảo tiếp tục hỗ trợ chuẩn bị nhân tài cho nền kinh tế số khi nhu cầu tăng lên.
Theo dự báo, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thiếu hụt 47 triệu tài năng số trong khi Indonesia cần khoảng 600 nghìn tài năng này mỗi năm. Để đạt được điều đó, Chính phủ Indonesia khởi xướng nhiều chính sách khác nhau để sở hữu nguồn nhân lực cho kinh tế số.
Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia khẳng định, công nghệ số có tiềm năng tạo ra 20 triệu đến 45 triệu việc làm mới cho lao động ở nước này.
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu 30 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tham gia thị trường kỹ thuật số vào năm 2024, bao gồm 19,5 triệu MSME vào năm 2022.
Dựa trên khảo sát về internet tại Indonesia giai đoạn 2021 - 2022, số người sử dụng internet của quốc gia này đạt 220 triệu người trên tổng số dân 280,4 triệu người.
Internet được kỳ vọng sẽ được phân phối đồng đều hơn trên khắp Indonesia trong bối cảnh công nghệ số sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp số, nền kinh tế số và các lĩnh vực khác.
Indonesia hiện là nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa là 1.190 tỷ USD vào năm 2021. Đây là nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á và được coi là một trong những nền kinh tế thị trường mới nổi trên toàn cầu.