Indonesia trước bài toán thiếu hụt lao động nông nghiệp

QUỐC HƯNG 09/04/2021 11:04

(QNO) - Những năm gần đây, lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp tại Indonesia sụt giảm đáng lo ngại. Sự bùng nổ của công nghệ đang góp phần định hình lại nền nông nghiệp của Indonesia.

Nông nghiệp thông minh được kỳ vọng sẽ thu hút giới trẻ tham gia sản xuất. Ảnh: agroberichtenbuitenland
Nông nghiệp thông minh được kỳ vọng sẽ thu hút giới trẻ tham gia sản xuất. Ảnh: agroberichtenbuitenland

Nông nghiệp là ngành đóng góp to lớn cho nền kinh tế Indonesia. Khoảng 29% lực lượng lao động nước này làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và chăn nuôi, đóng góp gần 13% vào GDP của đất nước.

Tuy nhiên, theo thống kê, từ năm 2013 đến năm 2019, đất nông nghiệp của Indonesia giảm từ 7,75 triệu héc ta xuống còn 7,46 triệu héc ta. Các vấn đề như chi phí sản xuất tăng, giá cả nông sản bấp bênh, thu nhập thấp, biến đổi khí hậu, sâu bệnh đã thúc đẩy nhiều nông dân chuyển đổi ngành nghề, hay chuyển đổi đất sang mục đích sử dụng khác trong khi nhiều người trong giới trẻ ngày nay không còn mặn mà với ruộng đồng, bỏ làng ra ra phố mưu sinh.

Trong báo cáo giai đoạn 2019-2045, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khẳng định, tăng cường đầu tư vào nông nghiệp để hiện đại hóa hệ thống thực phẩm và thị trường, cải thiện chất lượng, năng suất nông sản và thu nhập là chìa khóa để phát triển vững mạnh nền sản xuất nông nghiệp.

Vào tháng 9.2018, Indonesia phát động sáng kiến “Nông nghiệp thông minh 4.0” với phương thức canh tác thông minh dựa trên công nghệ như máy bay không người lái tham gia phun thuốc trừ sâu và bón phân, lập bản đồ đất, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm... mang lại hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường.

Nhiều ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh ra đời, như TaniHub và Sayurbox cho phép người tiêu dùng, thị trường đầu ra trực tiếp mua sản phẩm tươi sống từ nông dân trong khi nhà nông không còn chịu sức ép của giá cả khi phải qua tay thương lái trung gian như trước.

Rô bốt tham gia giám sát cây trồng. Ảnh: id.techinasia
Rô bốt tham gia giám sát cây trồng. Ảnh: id.techinasia

Cahyono Kurnia, một nông dân 36 tuổi ở Tây Java nay tự tin việc canh tác cà chua, cải thiện năng suất nhờ vào ứng dụng vay vốn và hệ thống trợ giảng của TaniHub cho phép các chuyên gia đồng ruộng theo dõi tiến độ của nông dân. Ông chia sẻ: “Hiện tại giá cả ổn định và thu nhập của tôi được cải thiện rất nhiều từ sản xuất nông nghiệp”.

Giám đốc điều hành công nghệ nông nghiệp Habibi Garden, Irsan Rajamin, cho biết việc sử dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) có thể là một thỏi nam châm thu hút giới trẻ vào ngành nông nghiệp.

Habibi Garden sử dụng nền tảng kỹ thuật số và IoT để giúp đỡ nông dân, bằng cách kết nối các cảm biến và hệ thống tưới tiêu trong trang trại với internet và cung cấp dữ liệu dựa trên máy học, để giám sát và chăm sóc cây trồng từ xa.

Trong khi đó, dự án hợp tác công - tư (được gọi là IJHOP4) sử dụng công nghệ blockchain để kết nối nông dân với các khoản vay và bảo hiểm, nhằm cải thiện khả năng tiếp cận tài chính và kỹ thuật canh tác của nông dân, tối ưu hóa chuỗi cung ứng địa phương và tạo điều kiện liên kết với các thị trường hiện đại.

Genics, một công ty đang đưa công nghệ vào lĩnh vực này bằng cách cung cấp cho người nuôi tôm ở Indonesia một hệ thống phát hiện sớm bệnh hoặc mầm bệnh để kịp thời xử lý...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Indonesia trước bài toán thiếu hụt lao động nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO