(QNO) - Hôm qua 3.9, Indonesia thông báo điều chỉnh giá xăng dầu trợ cấp tăng 30%. Các chuyên gia nhận định, giá nhiên liệu thay đổi sẽ có tác động lớn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ tại nước này.
Như vậy, sau khi điều chỉnh, giá xăng dầu tại Indonesia tăng từ 7.650 rupiah lên 10.000 rupiah/lít (gần 16 nghìn đồng), giá dầu diesel tăng từ 5.150 rupiah lên 6.800 rupiah/lít.
Bất chấp giá nhiên liệu tăng vọt tác động đến người tiêu dùng và có thể gây rủi ro cho bất kỳ sự phục hồi kinh tế nào từ đại dịch Covid-19, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết động thái trên là sự lựa chọn cuối cùng.
Tổng thống Joko Widodo phát biểu: "Tôi thực sự muốn giá nhiên liệu trong nước duy trì ở mức phải chăng bằng cách cung cấp trợ cấp. Nhưng ngân sách dành cho trợ cấp đã tăng gấp 3 lần và tiếp tục tăng. Việc tăng giá nhiên liệu là lựa chọn cuối cùng của Chính phủ".
Theo thống kê, ngân sách trợ cấp giá nhiên liệu tại Indonesia tăng hơn 3 lần so với ngân sách ban đầu, lên 502,4 nghìn tỷ rupiah, do giá nhiên liệu toàn cầu tăng vọt và đồng nội tệ rupiah mất giá.
Lần tăng giá nhiên liệu tại Indonesia mới nhất là năm 2014, khi đó cũng tăng 30%.
Ông Said Iqbal - Chủ tịch Đảng Lao động Indonesia nói, việc tăng giá sẽ ảnh hưởng nặng nề đến người lao động, đặc biệt là công nhân nhà máy vốn không được tăng lương trong 3 năm qua và có thể xảy ra tình trạng sa thải hàng loạt do các công ty cố gắng tăng lợi nhuận sau khi giá nhiên liệu tăng.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia - bà Sri Mulyani Indrawati thông báo, Chính phủ đang phân bổ một phần trợ cấp nhiên liệu trị giá 12,4 nghìn tỷ rupiah dưới dạng trợ cấp tiền mặt trực tiếp cho khoảng 20,65 triệu gia đình đang gặp khó khăn.
Ông Surabaya Tri Rismaharini - Bộ trưởng Các vấn đề xã hội của Indonesia cho biết, khoản viện trợ tiền mặt trực tiếp sẽ được phân phối thành 2 đợt, vào tháng 9 và tháng 12 tới. Chính phủ Indonesia cũng chỉ định thời hạn đăng ký cho người cần hỗ trợ tài chính.
Ngoài ra, bà Sri Mulyani Indrawati công bố 9.600 tỷ rupiah trợ cấp tiền lương cho 16 triệu công nhân có mức lương hằng tháng dưới 3,5 triệu rupiah.
Tổng thống Joko Widodo cũng yêu cầu chính quyền địa phương sử dụng 2% quỹ chuyển giao chung cho giao thông công cộng, hỗ trợ ngư dân...
Nhà kinh tế Bhima Yudhistira của Đại học Gajah Mada (Indonesia) cho biết, giá nhiên liệu tăng chắc chắn có tác động lên nền kinh tế, dẫn đến việc tăng giá của tất cả mặt hàng, bao gồm cả lương thực trong khi lạm phát lương thực tại Indonesia đang ở mức cao, khoảng 8,55% so với cùng kỳ năm ngoái và có thể vượt 10% vào tháng 9.
Cạnh đó, sức mua của người dân sẽ giảm và tăng trưởng kinh tế sẽ giảm trở lại vì tiêu dùng là thành phần lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế của Indonesia.
Ông Mamit Setiawan - Giám đốc điều hành của Energy Watch thừa nhận, tăng trưởng sẽ chậm lại, nhưng việc cắt giảm trợ cấp nhiên liệu là không thể tránh khỏi dù tăng giá không phải là giải pháp mà người dân mong muốn.