(QNO) - Từ ngày 28.3 - 1.4.2015, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) diễn ra tại Hà Nội, với trọng tâm góp phần giải quyết những vấn đề quan tâm chung của toàn cầu.
Nguồn nước sạch - một trong những nội dung quan tâm của Đại hội đồng IPU-132. Ảnh: pbs. |
Đại hội đồng IPU-132 với sự có mặt của khoảng 2.000 đại biểu đến từ các nước thành viên, diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt nhiều mối đe dọa. Nổi cộm là nạn khủng bố, nhất là sự nổi lên đáng lo ngại của Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng; diễn biến khí hậu khắc nghiệt; an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước; an ninh mạng, luật quốc tế…
Năm 2015 cũng là năm đánh dấu kết thúc chương trình Mục tiêu thiên niên kỷ được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc phát động cách đây 15 năm. Bên cạnh đó, vào cuối năm 2015 sẽ diễn ra hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu tại Paris (Pháp). Bởi vậy, Đại hội đồng IPU-132 mang ý nghĩa hết sức đặc biệt trong bối cảnh một giai đoạn phát triển mới của cộng đồng quốc tế mà trong đó, vai trò của nghị viện, sự đóng góp của nghị sĩ ngày càng chiếm vị trí quan trọng.
Với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững - biến lời nói thành hành động”, các đại biểu của Đại hội đồng IPU-132 mong muốn các nước cùng nhau có tiếng nói chung cũng như trách nhiệm giải quyết những vấn đề nóng của toàn cầu. Thời gian qua, nhiều nước trên thế giới chỉ tập trung vào vấn đề kinh tế mà chưa chú trọng yếu tố đe dọa đến sự phát triển bền vững của thế giới.
Trước thềm Đại hội đồng IPU-132, Đại sứ Indonesia Mayerfas nói, quyết định chi tiết hóa chủ đề phát triển bền vững đối với IPU-132 phản ánh mối quan tâm lớn đối với những thách thức mà hành tinh của chúng ta đang phải đối mặt. Đại hội đồng IPU-132 không chỉ dừng lại bên bàn hội nghị, quan trọng hơn phải được biến thành hành động toàn cầu, thành chương trình thật sự.
Một trong những chương trình đặc biệt diễn ra trước giờ khai mạc chính thức của Đại hội đồng IPU-132 là Hội nghị nữ nghị sĩ. Theo thống kê của IPU, hiện số lượng nữ nghị sĩ chỉ chiếm khoảng 22%, trong khi tỷ lệ về dân cư là hơn 50%. Giám đốc truyền thông IPU, bà Jemini Pandya nói rằng các nữ nghị sĩ vẫn chưa có sự hiện diện “xứng tầm” trong Quốc hội. Do đó, Hội nghị nữ nghị sĩ là cơ chế tiêu biểu, thể hiện rõ nhất mục tiêu tăng cường vai trò của nữ giới trong chính trị, mang đến quyền bình đẳng chính trị bằng việc nâng số lượng nữ nghị sĩ hoạt động trong lĩnh vực lập pháp thông qua các điều lệ và yêu cầu dành cho các nghị viện thành viên.
IPU (Inter-Parliamentary Union) được thành lập năm 1889 tại Paris (Pháp), trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ). Đây là một tổ chức quốc tế tập hợp Nghị viện các quốc gia có chủ quyền với 166 thành viên và 10 thành viên liên kết. IPU hoạt động nhằm mục đích vì hoà bình, dân chủ, hợp tác giữa các dân tộc và nghị viện các nước. IPU mỗi năm họp hai kỳ vào đầu năm và cuối năm.
QUỐC HƯNG