Ít rủi ro từ mô hình nuôi heo rừng lai

TRẦN TRÍ - NGUYỄN QUỲNH 10/04/2022 17:35

(QNO) - Với mong muốn tìm kiếm một hướng đi mới, anh Trần Văn Công (SN 1983, thôn Bình Kiều, xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình chăn nuôi heo rừng lai, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi kiểu truyền thống. 

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thịt heo rừng lai trên thị trường ngày càng cao nên anh Trần Văn Công đã tìm hiểu và xây dựng mô hình loại heo này trên chính đất vườn nhà. Anh Công cho biết, khoảng năm 2013, anh vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hiệp Đức số tiền gần 50 triệu đồng. Cùng số vốn mà gia đình đã dành dụm, anh vào Phú Ninh mua 9 con heo rừng lai giống (gồm 7 con cái và 2 đực) với số tiền hơn 40 triệu đồng. Khoảng vốn còn lại anh tập trung xây dựng chuồng trại kiên cố và đầu tư thức ăn.

Mô hình nuôi heo rừng lai của gia đình anh Công đã đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Ảnh: Q.T
Mô hình nuôi heo rừng lai của gia đình anh Công đã đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Ảnh: Q.T

Lúc đầu, do đàn heo giống chưa thích nghi được với điều kiện khí hậu địa phương và anh Công chưa nắm kỹ thuật chăm nuôi bài bản nên một số con heo bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ các yếu tố gây hại con vật nuôi và sử dụng thuốc đặc trị hiệu quả nên đàn heo giống đã khỏi bệnh và phát triển nhanh. 

Mỗi năm, heo mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ từ 6 - 10 con. Ngoài xuất bán heo thịt thì anh Công còn chọn lọc những con tốt để làm giống, cứ thế xoay vòng. Hiện tại, mô hình nuôi heo của anh có diện tích rộng gần 1500m² với hơn 50 con lớn nhỏ, trong đó có 6 con nái sinh sản cho ra những lứa heo con chất lượng. “Là giống heo tương đối dễ nuôi, sinh sản mạnh, nguồn thức ăn chủ yếu là rau, cám gạo, hèm rượu... nên rất dễ kiếm” - anh Công chia sẻ.

Nói về chất lượng thịt heo của trang trại nhà mình, anh Công cho biết, với nguồn giống chuẩn được nuôi với cách chăn thả tự nhiên; đặc biệt trong quá trình nuôi không sử dụng thuốc tăng trưởng nên chất lượng thịt heo rừng lai rất tốt, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Thị trường tiêu thụ thịt heo rừng lai của gia đình anh Công chủ yếu phục vụ địa bàn tỉnh. Heo con nuôi từ 8 – 10 tháng thì sẽ đạt trọng lượng từ 28 – 35kg là có thể xuất bán. Mỗi năm cơ sở nuôi heo của anh xuất bán từ 30 – 40 con, với giá heo khoảng 150 nghìn đồng/kg hơi. Anh Công tính toán, sau khi trừ các chi phí liên quan, mỗi năm anh lãi gần 100 triệu đồng từ mô hình nuôi heo rừng lai.

Đàn heo rừng lai được thả nuôi theo kiểu bán hang dã, nhanh lớn, thịt thơm ngon. Ảnh: Q.T
Đàn heo rừng lai được thả nuôi theo kiểu bán hoang dã, nhanh lớn, thịt thơm ngon. Ảnh: Q.T

Nói về "bí quyết" chăn nuôi heo nhanh lớn, không để dịch bệnh tấn công và đảm bảo chất lượng thịt thương phẩm, theo anh Công là thường xuyên dọn vệ sinh môi trường sạch sẽ, chuồng trại đủ sự thông thoáng vào mùa khô và đủ ấm mùa lạnh. 

Ông Lương Phước Nghĩa – Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Hòa cho biết, hiện tại địa phương có 2 mô hình nuôi heo rừng lai, trong đó có mô hình của gia đình anh Công đang đầu tư có hiệu quả. Những năm qua, chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện để nông hộ tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển những mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới. 

Còn ông Lê Văn Bảy – Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hiệp Đức cho biết, địa phương có 4 mô hình nuôi heo rừng lai đang mang lại hiệu quả kinh tế. "Trong những năm gần đây, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nên bà con muốn xây dựng theo mô hình nuôi heo rừng lai, bởi loại heo này có sức đề kháng mạnh, nông hộ chủ động phòng tránh dịch bệnh; mặt khác dần dà loại bỏ tình trạng chăn thả gia súc rông và đầu tư chuồng trại kiên cố đảm bảo vệ sinh môi trường" - ông Bảy nói,

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ít rủi ro từ mô hình nuôi heo rừng lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO