(QNO) - Italia vừa tạm thời cấm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) ChatGPT với lý do lo ngại về dữ liệu và quyền riêng tư.
Điều tra hoạt động thu thập dữ liệu
Ngày 31/3 vừa qua, Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italia (Garante) thông báo chặn và sẽ tiến hành điều tra hoạt động thu thập dữ liệu của OpenAI có hợp pháp hay không.
Ngoài ra, Italia cáo buộc nhà sản xuất ChatGPT không xác định được độ tuổi của người dùng chatbot phải từ 13 tuổi trở lên theo điều khoản dịch vụ. Thông tin do ChatGPT cung cấp không phải lúc nào cũng khớp với hoàn cảnh thực tế...
Các nhà điều tra của Italia vào cuộc sau khi ChatGPT gặp sự cố vi phạm dữ liệu vào ngày 20/3/2023, điều này gây nguy hiểm cho dữ liệu cá nhân của một số người dùng, như lịch sử trò chuyện và thông tin thanh toán dù OpenAI thông báo lỗi gây rò rỉ đã được "vá".
Garante thông báo, OpenAI có 20 ngày để trả lời các mối quan ngại của Garante, nếu không có thể bị phạt 21 triệu USD hay 4% doanh thu hằng năm hoặc cao hơn, theo quy định bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu.
Theo yêu cầu của Chính phủ Italia, OpenAI vô hiệu hóa ChatGPT tại nước này.
ChatGPT gây nhiều tranh cãi
Dù ChatGPT được xem như một trong những mô hình ngôn ngữ tiên tiến nhất hiện nay với khả năng tự động học và làm việc với các loại dữ liệu lớn, nhiều quốc gia cũng như các chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới lên tiếng về rủi ro liên quan đến dữ liệu cá nhân của người dùng.
Cuối tháng trước, Trung Quốc chính thức cấm ChatGPT hoặc những dịch vụ chatbot AI trên mọi nền tảng. Các công ty tại Trung Quốc muốn ra mắt chatbot hoặc dịch vụ AI phải báo cáo và xin phép cơ quan quản lý nước này.
Ngày 28/3 vừa qua, hơn 1.000 chuyên gia về AI, nhà nghiên cứu và nhân vật chủ chốt khác trong lĩnh vực công nghệ bao gồm CEO Tesla Elon Musk, Yoshua Bengio - một trong những "cha đẻ" của AI kêu gọi tạm dừng phát triển AI trong ít nhất 6 tháng để có thể giảm thiểu rủi ro có thể gây ra cho cộng đồng.
Vương quốc Anh phát hành "Sách trắng" đề xuất có thể trao quyền cho các cơ quan quản lý giám sát Anh sự phát triển của AI, tập trung vào các vấn đề như an toàn, minh bạch và công bằng của công cụ.
Các chuyên gia lo ngại cuộc đua phát triển các hệ thống AI như vậy là tạo ra những bộ óc kỹ thuật số mạnh mẽ hơn bao giờ hết mà không ai - kể cả người tạo ra chúng - có thể hiểu, dự đoán hoặc kiểm soát một cách đáng tin cậy.
Trung tâm AI và chính sách kỹ thuật số đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ: "Chúng tôi nhận ra nhiều cơ hội và lợi ích mà AI có thể mang lại. Nhưng trừ khi chúng tôi có thể duy trì quyền kiểm soát các hệ thống này, chúng tôi sẽ không thể quản lý rủi ro sẽ xảy ra hoặc kết quả thảm khốc có thể xảy ra".
Nhiều trường học tại Mỹ và Pháp... cấm sử dụng ChatGPT vì lo ngại gian lận và học sinh lười phát triển tư duy.
[VIDEO] - Italy tạm thời cấm ChatGPT (Nguồn: YouTube):
ChatGPT của Công ty OpenAI có trụ sở tại Mỹ ra mắt vào tháng 11 năm ngoái và thu hút được hàng triệu người dùng trên toàn thế giới. ChatGPT là một chương trình kết hợp AI để tương tác với con người, cho phép máy tính trò chuyện và đáp ứng những câu hỏi từ phía người dùng trong thời gian thực nhưng cũng đặc ra nhiều vấn đề về giáo dục và pháp lý liên quan.