(QNO) - Chỉ trong vòng 20 năm qua, bờ biển ăn sâu vào đất liền hàng ki lô mét khiến hàng nghìn người khu vực phía bắc đảo Java (Indonesia) phải rời bỏ nhà cửa.
Ông Rasjoyo (38 tuổi) lặng nhìn chiếc thuyền gỗ nhỏ đi qua Semonet - ngôi làng từng là nơi sinh sống của 54 hộ dân và có hàng trăm héc ta trang trại nuôi cá, ruộng lúa. Toàn bộ ngôi làng hiện chìm trong nước biển.
Giữa những năm 2000, biển bắt đầu xâm lấn vào làng Semonet. Người dân trong làng từng thử mọi cách để ngăn nước biển tràn vào như dựng tường bao cát, công trình chắn sóng bằng đá và bê tông, nâng cao ngôi nhà lên tới 1m, nhưng bất thành.
Giữa những năm 2010, toàn bộ người làng bắt đầu di dời đến nơi an toàn hơn trong đất liền.
Nhưng Semonet không phải là trường hợp ngoại lệ, dọc theo bờ biển phía bắc của đảo Java, nhiều ngôi làng và cộng đồng đô thị đang chìm rất nhanh.
Java là hòn đảo phát triển nhất của Indonesia - nơi sinh sống của 56% trong số 280 triệu dân của đất nước.
Không giống như đất cứng, nhiều đá ở phía nam, bờ biển phía bắc của Java phần lớn nằm trên các trầm tích mềm... Đó là lý do tại sao các thành phố như Jakarta, Pekalongan và Semarang đang chìm với tốc độ từ 1 - 26cm mỗi năm trước tác động của biến đổi khí hậu và việc khai thác quá mức nước ngầm.
Tại thành phố công nghiệp Pekalongan, người dân phải sống trong nỗi sợ hãi liên tục về mực nước biển dâng cao và lũ lụt do thủy triều.
Pekalongan đang chìm với tốc độ lên tới 22cm mỗi năm. Các nhà khoa học dự đoán 90% thành phố sẽ nằm dưới mực nước biển vào năm 2035.
Tại thủ phủ Semarang của Trung Java đang chìm với tốc độ trung bình 10cm mỗi năm trong khi một số khu vực đã nằm dưới mực nước biển 2m. Lũ lụt trở thành chuyện thường niên của Semarang.
Một quan chức tại Trung Java Sumarno cho biết, hàng tỷ USD được phân bổ và chi cho việc xây dựng đê, kè chắn sóng và các cơ sở hạ tầng khác để cứu Pekalongan và Semarang khỏi lũ lụt. Nhưng theo thời gian, một số trong đó cần được gia cố và nâng cao trong khi một số khu vực do nước biển xâm lấn nghiêm trọng đến mức giải pháp khả thi duy nhất là di dời người dân đến khu vực an toàn hơn.
Tại làng Rejosari ở miền Trung Java, vợ chồng bà Pasijah là cư dân duy nhất cố bám trụ khi còn có thể. Họ trồng rừng ngập mặn để chống sạt lở và chấp nhận cuộc sống nhiều khó khăn bởi điện đến làng bị cắt từ lâu, việc mua hàng hóa phải đi thuyền gỗ nhỏ đến cửa hàng gần nhất trong 40 phút khứ hồi.
Tại làng Timbulsloko lân cận, cư dân Suratno đang giằng xé về việc từ bỏ làng. Biển dữ, vốn từng cách đó 1km, giờ ở ngay trước cửa nhà ông. "Chuyển đến nơi ở mới không hề đơn giản. Tôi kiếm sống bằng nghề biển, tôi phải làm gì nếu chuyển vào đất liền?" - ông Suratno nói.
Timbulsloko từng là nơi sinh sống của 400 gia đình, nay chỉ còn 1/4 ở lại. Đôi khi họ phải sơ tán và tìm nơi trú ẩn trong đất liền vì sóng biển có thể cao tới 2m. Nếu ngôi làng chìm sâu hơn nữa, Suratno cho biết không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời đi.
Các nhà khoa học ước tính ít nhất 100 khu vực ven biển dọc theo bờ biển phía bắc của Java đang bên bờ vực biến mất.