JICA đồng hành

XUÂN THỌ 07/11/2016 09:00

Trong chuyến làm việc mới đây tại Quảng Nam, đoàn công tác của tổ chức JICA (Nhật Bản) đã cùng Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh đến thăm những đơn vị thực hiện các dự án do JICA tài trợ. Đây cũng là dịp để các bên ngồi lại, xem những gì đã làm được từ năm 2011, những vướng mắc nào cần tháo gỡ, cũng như hoạch định kế hoạch cụ thể cho thời gian tới.

  • Quả ngọt từ JICA
  • Hai dự án do JICA tài trợ có nhiều khả quan
Đoàn công tác của tổ chức JICA khảo sát hiệu quả hoạt động tại “Cửa hàng nông dân” ở Trạm dừng nghỉ Bình An. Ảnh: XUÂN THỌ
Đoàn công tác của tổ chức JICA khảo sát hiệu quả hoạt động tại “Cửa hàng nông dân” ở Trạm dừng nghỉ Bình An. Ảnh: XUÂN THỌ

Tiếp tục hoàn thiện

Kể từ sau chuyến làm việc dài ngày hồi cuối tháng 10.2015, JICA tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện các hợp phần thuộc những dự án ở giai đoạn trước, đồng thời thiết lập nền móng ban đầu cho các dự án sẽ triển khai trong giai đoạn mới. Cụ thể, các hợp phần liên quan đến Hợp tác xã (HTX) rau sạch Mỹ Hưng (xã Bình Triều), Trạm dừng nghỉ Bình An (xã Bình An, cùng huyện Thăng Bình) và làng nghề trầm hương Tiên Phước đã nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ JICA, bao gồm: kinh phí triển khai, tổ chức tập huấn, hội thảo, tọa đàm, tham quan, chuyển giao kỹ thuật… Tổng số tiền do JICA tài trợ khoảng 7,5 tỷ đồng, trong đó riêng kinh phí cho việc xây dựng và hoàn thiện trang thiết bị của các dự án gần 2,2 tỷ đồng.

Tại HTX rau sạch Mỹ Hưng, JICA đã tiếp tục hoàn thiện cơ bản hợp phần “Xây dựng, quản lý, vận hành nhà sơ chế rau an toàn và sản xuất - tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP”. Bao gồm hoàn thiện và trang bị thêm thiết bị cho nhà sơ chế tại thôn Mỹ Hưng (xã Bình Triều); mở thêm cửa hàng cung ứng rau sạch tại TP.Đà Nẵng, bên cạnh cửa hàng rau sạch ở số 8 Nguyễn Dục, TP.Tam Kỳ được mở từ tháng 5.2014. Trong khi đó, hợp phần “Thiết lập quầy giới thiệu, quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch Quảng Nam” thông qua “Cửa hàng nông dân” trong Trạm dừng nghỉ Bình An cũng thu được nhiều tín hiệu lạc quan. Ông Hồ Văn Hội - Trưởng trạm dừng nghỉ Bình An nói: “Do thói quen của người Việt mình, nên việc bán sản phẩm truyền thống ở trạm dừng nghỉ chưa được như ý muốn, nhưng bước đầu đã dần thay đổi nhận thức của khách hàng. Và quan trọng hơn hết là trạm đã quảng bá được nhiều sản phẩm truyền thống, thủ công mỹ nghệ của tỉnh, ít nhiều giúp các làng nghề giảm tải áp lực quảng bá”. Ông Hoàng Châu Sinh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội hữu nghị tỉnh cho biết, hợp phần do JICA tài trợ cho làng nghề trầm hương Tiên Phước, mà cụ thể là Hội thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước, đang hoàn thiện các hạng mục còn lại để sớm đưa các thiết bị vào vận hành, khai thác giá trị từ trầm hương.

Máy nghiền bột dó bầu do JICA tài trợ cho Hội thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước.
Máy nghiền bột dó bầu do JICA tài trợ cho Hội thủ công mỹ nghệ trầm hương Tiên Phước.

Cũng theo ông Hoàng Châu Sinh, ngoài những thành tựu về mặt cơ sở vật chất, thiết bị máy móc do JICA tài trợ, điều đáng mừng nhất chính là nhận thức của người được hưởng lợi từ dự án, kể cả cán bộ quản lý và người dân được nâng lên rõ rệt. “Họ đã biết gạt bỏ cái lợi manh mún trước mắt để hướng đến cái lợi lâu dài; không vì lợi nhuận ban đầu mà làm mất đi thương hiệu đã rất khó khăn để gầy dựng” - ông Sinh chia sẻ. Điều này cũng được ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nhất trí, khi dẫn chứng ra việc có những thời điểm gặp khó nhưng người dân ở làng Mỹ Hưng đã quyết tâm tháo gỡ, bám trụ với rau sạch…

Giúp khai thác thế mạnh

Ông Fumio Kato - Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho rằng, ngoài vui mừng trước những kết quả khả quan của các giai đoạn đã qua, các bên cần phải tiếp tục dốc sức để hoàn thiện những công việc còn lại. Bởi, tuy thuộc những giai đoạn và dự án khác nhau, nhưng tất cả sau khi hoàn thiện sẽ bổ trợ cho nhau rất nhiều trong việc phát triển toàn diện về sản xuất - tiêu thụ. Theo ông Kato, ở Quảng Nam có khá nhiều làng nghề đã xây dựng được thương hiệu trong nước, thậm chí là trên thế giới như trầm hương ở huyện Tiên Phước, đúc đồng Phước Kiều (thị xã Điện Bàn), mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, gốm Thanh Hà (TP.Hội An)… Các làng nghề này, nhất là những làng nghề ở Hội An, đã ít nhiều thu hút du khách tìm đến, tuy nhiên phần lớn là chỉ dừng lại ở việc tham quan do “tò mò” lúc ban đầu, chứ không nhiều du khách chịu móc hầu bao để mua sản phẩm lưu niệm. Lý giải điều này, ông Kato cho rằng các làng nghề đã không thiết lập được cửa hàng đủ sức “quyến rũ”, do đó đã bỏ lỡ cơ hội biến du khách thành khách hàng. Để có cái nhìn rõ hơn, JICA cũng đã tài trợ kinh phí tổ chức đoàn 20 người của Quảng Nam đi khảo sát, tập huấn tại Thái Lan để trao đổi, học tập kinh nghiệm về mô hình “mỗi làng một sản phẩm” - mô hình rất thành công được nhân rộng ở nhiều nước, mà nổi bật là Nhật Bản và Thái Lan. Ở các nước này, người ta dựng nên chuỗi các cửa hàng chuyên bán sản phẩm đặc trưng của làng nghề, đồng thời có sự kết nối với nhau.

Trong buổi làm việc với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh vào tuần trước, các chuyên gia của JICA cũng dành nhiều thời gian để nói về tầm quan trọng của việc xây dựng bản đồ điện tử du lịch Quảng Nam. Theo đó, thay vì mua bản đồ du lịch, du khách chỉ việc truy cập vào trang web du lịch của địa phương và tìm kiếm những gì thuộc về vùng đất nơi họ sắp đến. Nghĩa là với bản đồ này, du khách không phải rườm rà như với bản đồ bằng giấy, và quan trọng hơn hết, là họ dễ dàng tìm kiếm điều mình đang cần chỉ với chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Đặc biệt, bản đồ này phải kiêm thêm nhiệm vụ giới thiệu, kết nối chuỗi các cửa hàng bán sản phẩm làng nghề.

XUÂN THỌ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
JICA đồng hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO