Dự án hợp tác kỹ thuật quy hoạch phát triển về phục hồi sau lũ lụt và xây dựng quy hoạch tổng thể phòng chống thiên tai ở Miền Trung Việt Nam đang được Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện tại tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng.
Đây là dự án quan trọng hướng tới các giải pháp an toàn, hiệu quả để bảo vệ người dân và hạ tầng của Nhà nước lưu vực Vu Gia - Thu Bồn.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản
Đại diện phía JICA cho hay, dự án nhằm tăng cường đầu tư phòng chống thiên tai từ Chính phủ Việt Nam và đóng góp vào việc giảm thiệt hại do lũ lụt một cách căn cơ qua việc tiến hành phân tích, đánh giá nguy cơ rủi ro lũ lụt, xây dựng Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp (IFMP) và Xây dựng cơ chế thực hiện các giải pháp kiểm soát lũ lụt dựa trên IFMP tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ở miền Trung Việt Nam.
Đại diện JICA cho hay, lưu vực Vu Gia - Thu Bồn thường xuyên hứng chịu bão và thiệt hại do lũ hầu như xảy ra hàng năm. Trong những năm gần đây, thiệt hại kinh tế ngày càng gia tăng do việc gia tăng đô thị hoá ở vùng đồng bằng ngập lũ.
Trên lưu vực này, giải pháp phòng chống lũ là vấn đề cực kỳ quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng con người trước thiệt hại do lũ lụt gây ra, ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nunomura Akihiko - Trưởng nhóm nghiên cứu của JICA thông tin, thời gian thực hiện dự án dự kiến từ tháng 3/2024 đến tháng 2/2027 (36 tháng).
“Trong giai đoạn 1, JICA sẽ thực hiện điều tra cơ bản và cung cấp, lắp đặt các thiết bị cần thiết (thiết bị quan trắc thủy văn, thiết bị giám sát thiên tai) tại lưu vực sông mục tiêu.
Giai đoạn 2 bao gồm các hoạt động đánh giá nguy cơ rủi ro lũ lụt và xây dựng IFMP trong lưu vực. Cuối cùng là thiết lập cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan để thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống lũ lụt.
Dự án cũng dự kiến sẽ có các chuyến tham quan thực địa, tập huấn các điển hình về giải pháp kiểm soát lũ tại các lưu vực sông ở Nhật Bản có cùng vấn đề.
Các cán bộ tham gia tập huấn sẽ hiểu sâu hơn về các kế hoạch và dự án phòng chống lũ, đồng thời góp phần vào việc xây dựng quy hoạch phòng chống lũ tại các lưu vực mục tiêu” - ông Numomura cho hay.
Kỳ vọng ở dự án
Với hàng loạt phần việc trong dự án, JICA bày tỏ mong muốn sẽ giúp Quảng Nam và Đà Nẵng xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý lũ tổng hợp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai tại khu vực nghiên cứu.
Đơn vị này cam kết sẽ lựa chọn, kết hợp các giải pháp phòng chống lũ hiệu quả, có tính khả thi cao dựa trên cơ chế lũ đặc thù là lũ gây ngập trên diện rộng ở vùng trũng và ngập trong thời gian dài ở hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn.
Qua đó, tiến hành đánh giá hiệu quả đầu tư, không chỉ giảm thiệt hại, tăng hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, cò giúp giảm chi phí phục hồi, tái thiết sau thiên tai.
Các nghiên cứu cũng sẽ giúp xem xét chiến lược đảm bảo đầu tư trước cho phòng chống lũ lụt. Các giải pháp sẽ đảm bảo sự thấu hiểu và đồng thuận của các bên liên quan.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng, kỳ vọng cao đối với dự án mà JICA sắp triển khai trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và khẳng định chính quyền sẽ hỗ trợ hết mình cho đoàn nghiên cứu trong suốt quá trình triển khai dự án.
Giới thiệu khu vực sông Quảng Huế là trung tâm kỹ thuật, phục vụ tìm hiểu, giáo dục, cung cấp thông tin về phòng chống thiên tai đang được Quảng Nam và Đà Nẵng cùng triển khai, ông Bửu đề nghị đơn vị có thể kết nối để phát huy các kết quả nghiên cứu áp dụng vào dự án.
Ngoài ra, hiện nay, Quảng Nam đang là địa phương giữ rừng khá tốt. Hiệu ứng từ việc giữ rừng mang lại là giảm được lũ lụt, giúp thiếu nước mùa khô hạn.
Quảng Nam mong muốn nhóm nghiên cứu mở rộng hơn các giải pháp bao hàm việc giữ rừng, tạo sinh kế cho người dân lưu vực thủy điện. Đồng thời tăng cường giải pháp truyền thông cho người dân bằng nhiều cách, nhiều phương thức, nội dung.
“Nếu công tác truyền thông, nâng cao nhận thức được triển khai hiệu quả đối với hơn 1,5 triệu dân ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, kết quả nghiên cứu sẽ đạt được thành công lớn hơn” - ông Hồ Quang Bửu nói.
Đại diện JICA tiếp thu những ý kiến từ Quảng Nam và khẳng định việc quản lý rủi ro thiên tại trong cộng đồng phải kết hợp nhiều giải pháp để tạo ra sự căn cơ.
Hiện tại, nhóm đã tiến hành khảo sát thực địa các công trình phòng chống thiên tai và khu vực ngập lụt tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Cuộc họp các bên liên quan lần thứ nhất dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 này.