JICA với Quảng Nam

QUỐC TUẤN 16/08/2018 02:48

Là một trong những địa phương sở hữu nhiều dự án hỗ trợ phát triển của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Quảng Nam đã tích cực phối hợp chặt chẽ với đối tác để triển khai hiệu quả các dự án đem lại lợi ích lớn cho cộng đồng.

Dự án cải thiện chất lượng nước khu vực Chùa Cầu do JICA tài trợ không hoàn lại. Ảnh: Q.TUẤN
Dự án cải thiện chất lượng nước khu vực Chùa Cầu do JICA tài trợ không hoàn lại. Ảnh: Q.TUẤN

Vì Hội An

Có mối quan hệ lâu đời với con người và vùng đất xa xôi Nhật Bản, Hội An đã và đang nhận được sự quan tâm đồng hành của JICA với các dự án viện trợ không hoàn lại lẫn chương trình đối tác phát triển. Trong đó, công trình Chùa Cầu gắn liền với quá khứ giao thương Hội An - Nhật Bản đến bây giờ đã thuộc diện dễ bị tổn thương, nguồn nước khu vực này bị ô nhiễm. Ngay từ năm 2013 phía JICA đã tiến hành những khảo sát để hỗ trợ cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu. Dự án viện trợ không hoàn lại của JICA đã triển khai xây dựng trạm xử lý nước thải có công suất 2.000m3/ngày đêm (công nghệ bể lọc nhỏ giọt) và văn phòng điều hành, nâng cấp kênh thoát nước dài 1,6km nhằm xử lý nước thải, cải thiện môi trường sống và vệ sinh công cộng của thành phố. Ông Nguyễn Đình Hùng - Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Hội An cho biết, dự kiến trong tháng 9 tới đây hệ thống kênh thoát nước và trạm xử lý nước thải sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm trước khi hoạt động chính thức vào đầu năm 2019.

Hỗ trợ cư dân xã đảo

Với mong muốn các dự án của mình có thể giúp đỡ cộng đồng hưởng lợi một cách tối đa, JICA đã đưa dự án “Đa dạng hóa sinh kế thông qua du lịch di sản tại các bản làng nông ngư nghiệp vùng sâu, vùng xa” đến với xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, TP.Hội An). Dự án được thực hiện từ đầu năm 2016 và kéo dài trong 3 năm với sự phối hợp giữa Trường Đại học nữ Chiêu Hòa và Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An với nhiều nội dung như: khảo sát tài nguyên du lịch trên toàn bộ Cù Lao Chàm; nâng cấp cơ sở phục vụ du lịch; đào tạo về dịch vụ ẩm thực… Cùng với đó, dự án đã hỗ trợ công cụ sản xuất, hướng dẫn cách sản xuất, đóng gói sản phẩm và cách làm thương hiệu cho 36 hộ dân làm nghề khai thác kinh doanh trà lá rừng ở Tân Hiệp. Việc đóng gói bằng túi giấy giúp giảm thiểu rác thải khó phân hủy, phù hợp với chương trình “Nói không với túi ny lon” ở xã đảo này. Mới đây, sản phẩm trà lá rừng Cù Lao Chàm (dạng túi lọc) đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học - công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho Hội Nông dân xã Tân Hiệp.

Một dự án đối tác phát triển đáng kể khác của JICA đồng hành với Hội An là hỗ trợ xây dựng “thành phố sinh thái” với mục tiêu khoảng 90.000 cư dân sẽ là đối tượng hưởng lợi cuối cùng. Dự án này tận dụng kinh nghiệm và hiểu biết từ thành phố Naha (tỉnh Okinawa, Nhật Bản) - vốn được mệnh danh là “thành phố cộng sinh môi trường” - từ đó củng cố kế hoạch thực hiện “thành phố sinh thái” mà Hội An đang hướng đến. Qua thời gian thực hiện từ tháng 2.2016, Hội An đã cử 2 đoàn công tác (có đại diện một số doanh nghiệp) đi tập huấn tại Nhật Bản về quản lý rác thải trong doanh nghiệp. Ngoài ra, thành phố đã và đang tiến hành biên soạn tài liệu hướng dẫn phân loại rác thải cho doanh nghiệp, xây dựng sách trắng về rác thải…

Lan tỏa

Ngoài việc hỗ trợ TP.Hội An, JICA cũng đã nghiên cứu đầu tư, xúc tiến nhiều dự án khác cả ở các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp…, góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Với kinh nghiệm trong quản lý bùn cát, khoáng sản và chống sạt lở bờ biển, các đối tác của JICA đã tích cực hỗ trợ Quảng Nam trong việc khảo sát, thu thập dữ liệu về công tác quản lý cát trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Tham gia hội thảo tổng kết vấn đề này hồi đầu năm 2018 tại TP.Đà Nẵng, ông Kobayashi Ryutaro - Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho rằng, sự hợp tác đồng bộ của cơ quan chức năng địa phương là điều kiện thuận lợi để JICA triển khai các dự án đồng thời cam kết với kinh nghiệm của mình các chuyên gia Nhật Bản sẽ hỗ trợ, đề xuất giải pháp phù hợp và khả thi nhất để bảo vệ bờ biển Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung.

Tháng 8.2017, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam đã tổ chức lễ thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác tạm đoạn tuyến cao tốc có điểm đầu tại nút giao Túy Loan (Đà Nẵng) và điểm cuối tại nút giao Tam Kỳ (Quảng Nam) do JICA tài trợ. Còn trên toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dư án được chia làm 13 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1,64 tỷ USD, trong đó vốn vay của JICA 798,5 triệu USD. Việc hình thành tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giúp rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, hiện nay dự án “Mở rộng sản xuất rau an toàn và phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống” của Hợp tác xã rau sạch Mỹ Hưng (xã Bình Triều, Thăng Bình) cũng đang tiến triển tốt khi JICA hỗ trợ đầu tư, xây dựng hệ thống giàn lưới, nhà sơ chế, cửa hàng tiêu thụ tại TP.Đà Nẵng, giúp nông dân làng rau Hưng Mỹ cải thiện được đời sống và tiếp cận với quy trình sản xuất nông nghiệp sạch.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
JICA với Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO