Nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng giữa Phan Châu Trinh và Jules Roux đã có mối quan hệ “kết nghĩa đào viên”, “gắn bó thâm tình” vì cả hai đều là “những con người của thế giới tiến bộ”.
Jules Roux - một người Pháp tiến bộ
Khi nói về Jules Roux, nhà nghiên cứu Nguyễn Thiếu Dũng viết: “Roux chính là Huỳnh Thúc Kháng bên cạnh Phan Châu Trinh tại Pháp. Cả hai đều là bạn cố tri của cụ Phan. Muốn tìm hiểu hoạt động của lãnh tụ phong trào Duy tân Việt Nam chúng ta phải gõ cửa sử gia của phong trào: cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cũng thế, muốn tìm hiểu hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp không thể không tìm đến Julex Roux, người bạn thiết nghĩa không đồng quốc gia của cụ” (Tạp chí Bách khoa số 406, tháng 3.1974).
Vậy Jules Roux là ai?
Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có nhiều hiểu biết về nhân vật này. Dựa vào bài “Joules Roux, người bạn chí thiết của Phan Châu Trinh” của Nguyễn Thiếu Dũng đăng trong Tạp chí Bách khoa số 406 năm 1974 và 2 tác phẩm “Những hoạt động của Phan Châu Trinh trên đất Pháp 1911 - 1925” của TS. Thu Trang (Nxb Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh năm 2000) và “Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới” của Phan Thị Minh (Nxb Đà Nẵng, 2003) ta có vài thông tin về ông.
Jules Roux là một sĩ quan người Pháp (cấp bậc cuối là Thiếu tá) từng sống ở Việt Nam nhiều năm, nói và viết thạo tiếng Việt, từng chỉ huy Lữ đoàn pháo binh Thuộc địa; là Ủy viên Tòa án binh thường trực của Bắc Kỳ tại Hà Nội từ tháng 2.1904 đến tháng 12.1909. Sau đó ông về nước và làm Ủy viên Chính phủ tại Tòa án binh khu IX ở thành phố Tour.
Có lẽ Jules Roux sinh tại Tour, một thành phố nhỏ ở phía tây nước Pháp. Không rõ năm sinh năm mất của ông nhưng chắc chắn ông sinh trước năm 1872 (năm sinh của Phan Châu Trinh) vì khi đã trở nên thân tình ông xưng anh và gọi Phan Châu Trinh bằng em. Còn năm mất của Jules Roux hẳn phải sau năm 1926 (năm mất của Phan Châu Trinh) vì sau khi Phan Châu Trinh mất ông có nhiều hoạt động để “vinh danh” người “anh em kết nghĩa” của mình. Phần lớn thời gian Roux sinh sống và làm việc ở Tour nhưng ông xê dịch thường xuyên giữa Tour và Paris. Ở Paris ông cũng thường xuyên thay đổi chỗ ở. Ba địa chỉ chính là: số 7 đường Odessa, số 78 đường Assas và số 21 đường Ferdinand Fabre.
Về gia đình, Roux có một vợ và bốn người con, ba trai, một gái. Vợ con của Roux cũng rất kính trọng, yêu thương và thường xuyên giúp đỡ hai cha con Phan Châu Trinh. Khoảng thập niên 1960, con trưởng của J.Roux là Fernand Roux đã gửi tặng Viện Khảo cổ Việt Nam một bức ký họa Phan Châu Trinh bằng than do cha mình vẽ, phía sau bức ký họa có 4 câu thợ tự vịnh với bút tích của Phan Châu Trinh.
Jules Roux là một người Pháp tiến bộ, ông là người yêu nước, hết sức trung thành và tận tụy phục vụ Tổ quốc. Nhưng tình yêu nước Pháp của Roux khác những ông Tây thực dân, luôn coi mình là người cai trị, chỉ nghĩ đến việc khai thác bóc lột và đàn áp dã man các thuộc địa. “Roux là một người ăn ở ngay thẳng, công bình làm quan lớn biết tôn trọng pháp luật nhà nước, biết đủ phép luật ở đời, biết kẻ phải người không, biết thương người trung thực, ghét kẻ gian tà, coi mọi người bình đẳng, biết giữ danh dự cho mình và giữ danh tiếng văn minh cho nước mình” (Thư Phan Châu Trinh gửi chủ ngục Santé ngày 27.4.1915). Roux yêu nước Pháp theo kiểu khác, muốn cho nước Pháp hùng mạnh và văn minh với tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái của Cách mạng 1789.
J.Roux là Hội viên của Hội Bảo vệ Nhân quyền và đảng viên của Đảng Xã hội Pháp.
Lòng nhiệt thành yêu nước, đường lối đấu tranh và tính cách của Phan Châu Trinh đã “chinh phục” được J.Roux. Ngược lại sự chân thành, thẳng thắn cùng tư tưởng tiến bộ của J.Roux cũng làm Phan Châu Trinh quý trọng Roux, vì thế họ đã trở thành “hai người anh em” cùng tranh đấu cho quyền lợi cơ bản của Con Người xem đó như là “mục tiêu tối thượng và vinh dự Quốc gia”.
Vì việc này Roux đã bị chính quyền Pháp “đì”, không cho thăng cấp, không cho quay lại Đông Dương và cuối cùng bị đưa ra khỏi ngành phải làm thầy giáo dạy tiếng Việt tại một trường Trung học ở Tour để nuôi vợ con.
Một số hoạt động của Jules Roux để giúp Phan Châu Trinh
Khi còn làm việc ở Hà Nội, J.Roux rất kính nể Phan Châu Trinh, nhất là khi đọc bản Đầu Pháp chính phủ thư của Phan Châu Trinh gửi Toàn quyền Paul Beau vạch trần chế độ quân chủ chuyên chế thối nát, và yêu cầu người Pháp phải sửa đổi chính sách cai trị để giúp người Việt từng bước tiến lên văn minh.
Năm 1908, khi Phan Châu Trinh bị kết án tử hình, J.Roux đã cùng một số người Pháp tiến bộ đề nghị ân xá cho cụ. Điều này được Roux tiết lộ trong bức thư gửi cho Victor Bash sau này được Phan Châu Dật dịch ra tiếng Việt. Thư có đoạn: “Từ năm 1908, tôi đã ráng sức mà giúp ông ta” (Nguyễn Thiếu Dũng, sđd).
Năm 1911 khi Phan Châu Trinh đang trên đường đến Pháp thì Roux đã được Bộ Thuộc địa mời đến “báo cáo” về Phan Châu Trinh. Roux đã “giới thiệu” Phan Châu Trinh bằng những lời lẽ hết sức tốt đẹp. Nhờ vậy sau này Phan Châu Trinh được gia hạn thời gian lưu trú ở Pháp từ 4 tháng lên 2 năm.
Sau khi Phan Châu Trinh đến Pháp, Roux được Bộ Thuộc địa giao nhiệm vụ tiếp xúc với Phan Châu Trinh để nắm những yêu cầu, nguyện vọng của ông.
Từ tháng 6.1911, J.Roux đã dịch toàn bộ bản “Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký” của Phan Châu Trinh ra tiếng Pháp để trình cho Bộ Thuộc địa mà chủ yếu là cho Albert Sarraut, người sắp sang làm Toàn quyền Đông Dương (Phan Châu Trinh viết bằng chữ Hán, tự dịch ra Việt ngữ, Roux dịch sang tiếng Pháp).
Từ việc chọn chỗ ở an toàn của hai cha con cụ Phan cho đến việc học hành của Phan Châu Dật đều có sự “sắp xếp” của Roux.
Khi nhận ra sự gian trá của những người lãnh đạo ở Bộ Thuộc địa, Roux rất bất bình và tiếp tục gắn bó với Phan Châu Trinh. Ông đã viết thư cho cụ Lương Văn Can và cho mượn địa chỉ của mình để Phan Châu Trinh liên lạc với cụ Lương cùng các người bạn, cả những đồng chí đang bị giam tại Côn Đảo.
Năm 1912, Hội Đồng bào thân ái do Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường thành lập ra mắt, Joules đã phát biểu ủng hộ. Khi Phan Châu Trinh bị bắt giam ở ngục Santé, Roux đã gõ cửa khắp nơi để yêu cầu bảo vệ, đấu tranh và giúp đỡ Phan Châu Trinh.
Năm 1917, khi Phan Châu Trinh ốm nặng phải nằm viện trong cảnh túng bấn, ngoài việc tự giúp đỡ, Roux còn đấu tranh đòi phục hồi khoản trợ cấp hàng tháng 450F cho Phan Châu Trinh và mở cuộc vận động giúp đỡ cho họ Phan mặc dù Phan từ chối.
Khi Phan Châu Trinh về nước ông vẫn giữ liên lạc thường xuyên. Năm 1926, Phan Châu Trinh mất, Roux đã viết một bức thư chia buồn thống thiết gửi gia đình Phan Châu Trinh. Roux cũng là người chủ trì lễ truy điệu Phan Châu Trinh tại Paris và đưa những nội dung “vinh danh” Phan Châu Trinh lên tập san của Hội Bảo vệ Nhân quyền.