Làng K’noonh ở xã A Xan (Tây Giang) nằm cạnh con suối nhỏ, có địa hình bằng phẳng và thoáng rộng. Từ trên cao nhìn xuống, làng nằm giữa hai dãy núi cao, nhà cửa san sát bên nhau ở xung quanh, giữa là gươl làng và sân cỏ, sân bóng chuyền.
Niềm vui từ cây lúa nước
Đến làng K’noonh, tôi thấy gươl làng tạo dựng đúng nguyên bản gươl làng truyền thống của người Cơ Tu, còn nhà cửa của bà con không khác gì nhà cửa của người dưới xuôi, nghĩa là nhà trệt, mái lợp tôn, vách thưng bằng ván gỗ. Đi dạo khắp làng, điều khiến tôi không khỏi ngạc nhiên là nhà nào cũng ngăn nắp gọn gàng, đường bê tông phong quang sạch sẽ. Trẻ con tụ tập xem thanh niên chơi bóng chuyền, các bà các chị bồng con địu cháu đứng tum ba tụm bảy chuyện trò với nhau vui vẻ. Ở phía cuối làng, nơi khoảng sân rộng, có mấy người thợ mộc đang dùng cưa máy, bào máy “vuốt” lại cột kèo khung sườn một ngôi nhà sắp sửa dựng lên cho ai đó. Già làng Alăng Giar bảo với tôi: “Cả làng, nhà nào cũng thu hoạch xong lúa nước rồi nên chừ ai cũng rảnh rỗi”. Tôi hỏi: “Ngoài trồng lúa nước, bà con không làm gì thêm nữa à?”. “Không! Phá rừng đốt rẫy làm nương, Nhà nước cấm từ lâu rồi. Trâu, bò, heo không có nơi chăn thả nên bà con không nuôi. Chỉ có một số nhà nuôi gà vịt nhưng không nhiều” - già làng Alăng Giar cho hay. Tìm hiểu thêm, tôi được biết dân làng K’noonh bận rộn với công việc làm ăn từ tháng Chạp năm trước đến tháng Bảy âm lịch năm sau, thời gian còn lại là lúc nông nhàn.
Anh Hốih Tiến - Trưởng thôn K’noonh, trải mấy tấm chiếu giữa sàn gươl làng rồi rót nước mời khách. Anh bảo: “K’noonh có 169 hộ với 670 nhân khẩu. Năm 2000, Nhà nước đầu tư cho dân làng khai hoang được trên dưới 30ha lúa nước, mỗi năm sản xuất một vụ đông xuân, sản lượng khoảng 8.000 ang lúa”. Rồi anh cho biết thêm, với số thóc lúa ấy, cả làng đủ ăn quanh năm, không thiếu đói. Ở K’noonh có 3 hộ làm nông kết hợp với buôn bán nhỏ, đó là gia đình Alăng Nhar, Alăng Thị Nhiêu và Alăng Nhi. Anh Alăng Nhi đi bộ đội, hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương xây dựng gia đình và chí thú làm ăn nên có cuộc sống khá giả nhất làng. Thời gian nông nhàn chiếm gần nửa năm, bà con nơi đây không có việc gì để làm, ngoài vào rừng bẻ măng, hái rau, kiếm củi, hoặc ở nhà dệt vải may vá… “K’noonh có địa hình núi non trùng điệp nhưng hiểm trở, không thích hợp với việc chăn nuôi trâu bò. Còn heo cũng không thể nuôi vì mùi phân hôi thối, gây ô nhiễm môi trường sống của cả cộng đồng. Bà con chỉ nuôi lẻ tẻ ít gà vịt thôi” - anh Hốih Tiến nói.
…và nỗi lo khó thoát nghèo
Làng K’noonh có già Coor Tíc là nghệ nhân điêu khắc nổi tiếng ở Tây Giang. Ông là tác giả của những tác phẩm chạm khắc trên vách, trên cột nhà nhà gươl làng K’noonh. Làng du lịch ở rừng pơmu cũng do ông và con trai chủ công trong việc xây dựng để đón khách tham quan gần xa đến khám phá rừng pơ mu nguyên sinh có nhiều cây trên nghìn năm tuổi và nghỉ ngơi qua đêm. Tôi cũng đã tới đó và ngắm nhìn những hình chim thú chạm khắc đơn giản nhưng bắt mắt nơi vách ván, cột nhà. Những con vật như heo, gà, chó, voi, hổ, báo… qua đôi bàn tay đục đẽo, qua cách phối màu của nghệ nhân Coor Tíc trở nên sống động vô cùng. Trò chuyện với tôi, ông khoe: “Năm ngoái, TP. Huế cử người lên tận làng K’noonh mời mình và con trai ra ngoài ấy dựng gươl làng Cơ Tu. Mình nhận lời. Hai cha con ở TP.Huế, ngày lại ngày cưa xẻ gỗ, đục đẽo, chạm khắc hình chim thú. Hơn 9 tháng làm việc cật lực mới xong gươl làng. TP.Huế không những trả tiền công hậu hĩnh, mà còn tặng giấy khen nữa, mình thích lắm”. Tôi hỏi, ở làng K’noonh người trẻ có ai theo nghề điêu khắc của ông không? Già Coor Tíc cười cho hay, ít lắm. Bởi cái nghề này đòi hỏi sự khéo tay và óc tưởng tượng về con vật mà mình chạm khắc…
Gươl làng trở nên chật chội khi có đông người kéo tới góp chuyện. Ông Zơrâm Chiêng - Bí thư Chi bộ thôn K’noonh, cho hay, những năm gần đây bà con thực hiện nếp sống mới, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chung tay giữ gìn môi trường sống của cả cộng đồng. Nhờ thế, dịch bệnh không xảy ra. Điều đáng mừng là trẻ em trong độ tuổi đều được cắp sách đến trường học tập, vui chơi. “Làng K’noonh có trên dưới 20 thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học” - ông Zơrâm Chiêng bảo với tôi. “Hiện các anh chị ấy đã có công ăn việc làm ổn định chưa?” - tôi hỏi. Ông Zơrâm Chiêng lắc đầu thay cho câu trả lời. Tôi lái câu chuyện sang hướng khác. Mọi người cho biết, nhờ trồng lúa nước, cả làng không còn đói kém vào mùa giáp hạt như xưa nữa. Có cuộc sống tương đối khá giả chỉ vài ba hộ. Làm gì để thoát nghèo? Câu hỏi không có câu trả lời. Ông Zơrâm Chiêng cười trừ. Anh Hốih Tiến cũng thế. “Cán bộ hỏi khó quá! Xã và huyện cũng không thể trả lời được đâu!” - anh Bling Nap - người dân K’noonh bảo. Bởi theo anh, vùng biên ải này núi non trùng điệp nhưng đất sản xuất không nhiều, vì thế thoát nghèo khó lắm…