Trong suốt khoảng 3 giờ đồng hồ ngồi nói chuyện, rất nhiều lần ông Bùi Quý Phong (61 tuổi, Hội An) nhắc đến cụm từ “mặt nạ thời gian”, bởi nó như một khái niệm đã khiến ông đau đáu mấy chục năm qua và chỉ hài lòng khi mỗi một mặt nạ mà ông làm ra, phải đại diện cho linh hồn duy nhất.
1. Bước quá tuổi 60 người, người ta toan tính đến chuyện rong chơi tuổi già, vậy mà ông Phong làm một cú ngược dòng trở lại với những linh hồn - theo cách nói của ông về mặt nạ - là làm hẳn một ngôi nhà chỉ chứa đầy mặt nạ ngay trên đường Bạch Đằng ở phố cổ Hội An. Ông dằn lòng, rằng Hội An đã từng có quãng đời đẹp như thế, quãng đời mà phố ngập tràn trong những sắc màu và linh hồn trong trẻo và tất nhiên, chưa nhuốm màu kim tiền. Là ông đang nhớ về Hội An của khoảng nửa thế kỷ trước, khi ông còn là một cậu nhóc và chăm chú tuyệt kỹ làm đầu lân của các bậc tiền bối. Đó là những đầu lân đẹp từng đường nét, còn sắc màu thì ánh lên vẻ tâm linh, cựa quậy như những linh hồn mà người nghệ nhân đã kỳ công chế tác. “Nhưng họ không làm nhiều, mỗi năm họ chỉ làm 2 - 3 đầu lân mà thôi” - ông Phong nói. Rồi cơ hồ như muốn giải thích, ông tiếp tục: “Vì nếu làm nhiều, thì tính tâm linh sẽ bị loãng đi”.
Từ sự mê mẩn, ông dấn thân vào con đường học làm đầu lân. Càng ngày, ông càng nhận ra nhiều điều thú vị mà nó mang lại, chứ không đơn thuần là những ánh mắt thích thú khi ông còn bé mỗi lúc nhìn người lớn làm đầu lân. Và chính những điều thú vị này, làm toát lên giá trị của một con lân, mà những giá trị đó, bây giờ đã vương vãi rất nhiều. Lân của ngày xưa, chỉ có mỗi trọng trách, là khi đi múa sẽ được người ta đón nhận như thế nào. Chứ không như bây giờ, ngay từ lúc đặt làm đầu lân, đã đặt tiền bạc trên bàn giao kèo, là con lân ấy phải kiếm được bao nhiêu tiền. Rồi để chạy theo doanh thu luôn lờn vờn trong đầu, phố đầy rẫy những đầu lân sặc sỡ màu sắc, còn những bước nhảy thì rối tung theo những tay trống vô hồn. Quyền uy của con lân dần tan biến, chỉ còn lại những lời như than phiền của khổ chủ: “Lân đâu mà lắm, mà đêm nào cũng inh ỏi”.
Căn nhà ở số 66 Bạch Đằng là nơi ông Phong làm nên những “Linh hồn của thời gian”. Ảnh: XUÂN THỌ |
Quyền uy của đầu lân, theo ông Phong, nó được kết tinh từ đường nét, nhất là màu sắc mà người làm đã dụng công tạo nên. Trên đầu lân của ngày xưa, chỉ có 3 màu chủ đạo là màu vàng đậm, màu đỏ đậm và màu xanh lá cây. Chỉ nhìn gam màu chủ đạo trên đầu lân ấy, là họ sẽ biết được ngay đoàn ấy sẽ múa ở đâu. Bởi mỗi màu sẽ là đại diện cho một ý tưởng tinh thần nhất định, chứ không loạn xạ như bây giờ. Cụ thể, màu vàng đậm tôn vinh những điều cao quý, nên lân chỉ múa trong các chùa chiền; màu đỏ đậm tượng trưng cho sự giàu sang, quyền lực, nên lân chỉ múa trong các cung điện, biệt phủ của quan hay những nhà giàu có; còn màu xanh lá cây tượng trưng cho sự sống, nên đầu lân có màu này sẽ múa ở những nơi tràn ngập không khí vui tươi.
Từ cậu bé lọ mọ học, đến khi trở thành người làm đầu lân nức tiếng ở Hội An, chưa bao giờ ông Phong rời khỏi triết lý tâm linh mà các bậc tiền bối đã thổi vào đầu lân. Nhưng ông thì đơn độc, mà vòng xoáy của kim tiền thì ngày càng mãnh liệt, nó cuốn phăng tất cả tinh túy của người trước để lại. Và như để níu kéo chuỗi tháng năm đẹp với nghiệp làm đầu lân của mình, ông quyết định bỏ nghề. Ông thà giữ những điều tốt đẹp ấy trong những nếp gấp ký ức của mình, còn hơn để ký ức ấy bị phủ bụi. Từ độ bỏ nghề, mỗi dịp trung thu, hay hội hè có múa lân, ông lắc đầu ngao ngán, thở dài nhớ cái thuở mà khi trống lân vang lên, hồn người như giục theo từng thanh âm vang vọng, họ đón nhận đoàn lân với tất cả sự tôn kính, và sẽ lấy làm may mắn, nếu đoàn lân ghé nhà mình. “Chứ không như bây giờ, hễ nghe có trống lân là chủ nhà đóng cửa. Buồn lắm cháu ạ!” - ông Phong thở dài.
2. Có lẽ cụ Nguyễn Du đã thấu suốt thế gian khi viết câu “Đã mang lấy nghiệp vào thân”. Cái câu ấy có lẽ không chừa một ai, còn với ông Phong, nó vận vào như một sự day dứt. Một vài năm đầu bỏ nghề, ông còn nhẹ nhõm ít nhiều. Nhưng rồi thêm một vài năm nữa trôi đi, ông canh cánh với chính sự dằn vặt của mình. Rằng có phải mình là một kẻ yếu đuối? Một kẻ đang trốn chạy sự thật? Và trên hết, là một kẻ bội bạc với chính tiền nhân và hậu bối? Rồi ông lo sợ, ông lo sợ một mai những đứa trẻ lớn lên sẽ không còn được thấy, không còn được biết phố đã từng có những linh hồn nhuốm màu tâm linh như thế. Ông muốn trở lại, với đầu lân? Không! Ông cho rằng điều đấy chẳng vớt vát được gì trong bối cảnh những đầu lân kệch cỡm lên ngôi. Ông chọn mặt nạ. Nhưng không chỉ là mặt nạ tuồng như Hội An đang có, mà là mặt nạ dân gian, để đông đảo tầng lớp người dễ thấy mình trong đó và dễ đón nhận hơn.
Chọn mặt nạ để trở lại sau 15 năm “ở ẩn”. Với ông, chuyện phối màu và vẽ trên mặt nạ không là vấn đề gì, bởi óc sáng tạo của ông vẫn còn nhạy bén, đôi tay vẫn còn khéo léo và đôi mắt thì vẫn còn đủ tinh để nhìn xem cái mặt nạ mà mình vừa làm xong, có linh hồn gì không. Ông đặt ra cho mình một thử thách, đó là phải làm mặt nạ hoàn toàn bằng giấy, cho nó thân thiện với môi trường, chứ không như bằng nhựa mà nhiều nơi khác đang làm. Thử thách tưởng chừng như “nho nhỏ” ấy, đã ngốn của ông hết 2 năm 4 tháng cùng không ít tiền bạc. Để rồi chỉ vừa thử nghiệm xong, ông bắt tay mở ngay cửa hàng The Timing Masks Hoi An (mặt nạ thời gian) ở số 66 trên đường Bạch Đằng vào năm 2016. Hôm đó tôi cầm xem một mặt nạ thô, chỉ có giấy và viền bằng dây mây để tăng thêm sự dẻo dai của mặt nạ. Nhưng trên hết, ấn tượng vẫn là những chiếc mặt nạ với những góc cạnh và màu sắc tôn lên thần thái.
Trong khắp căn phòng, tôi chỉ thấy một vài mặt nạ được khoét ở con mắt, còn lại giữ nguyên. Ông Phong bảo rằng những mặt nạ khoét mắt đó, là những mặt nạ tuồng và ông chỉ dùng để trưng bày, còn những mặt nạ không khoét mắt, là vì ông muốn những mặt nạ của mình không phải là thứ đồ chơi rẻ tiền, mà nó phải là món đồ để trang trí trong nhà, trong phòng. Nghĩa là nó cần được tôn kính như đã từng, bởi nó là đại diện của mỗi linh hồn - mỗi linh hồn ẩn giấu sau những mặt nạ. Bởi xuyên suốt dòng chảy văn hóa của người Việt, mặt nạ đã từng có trọng trách là điểm tựa của tâm linh. Ví như vùng sông nước, người ta hay đeo mặt nạ rồng để chống lại nỗi sợ thủy quái, cõi âm.
Vậy thì, ông muốn mặt nạ của mình bây giờ có những “trọng trách” gì? Ông không trả lời ngay, mà đưa cái nhìn ra phía đầu cửa: “Tôi muốn nó là linh hồn của mỗi người”. Và để thực hiện “nó là linh hồn của mỗi người”, ông cần mẫn lắng nghe khách nói về tính cách của họ, rồi hướng dẫn họ vẽ với những đường nét và sắc màu đã được quy ước. Về vấn đề này, có người đã từng trách ông, rằng chỉ nên làm mặt nạ tuồng thôi, chứ làm các mặt nạ khác làm gì? Ông chỉ cười, rằng mặt nạ tuồng chỉ xuất hiện trên sân khấu và tất nhiên, nó sẽ đại diện cho tính cách nhân vật. Còn trên thực tế, không chỉ có sân khấu là nơi người ta ẩn giấu bộ mặt hay tính cách, linh hồn. Nên ông làm thêm mặt nạ dân gian. Cơ chừng chưa đủ, ông còn làm mặt nạ cho trẻ con. “Vì lâu nay chúng ta dường như bỏ rơi con trẻ rất nhiều. Chúng cũng cần được đối xử như người lớn, và chúng cũng cần có cái để thể hiện linh hồn của mình” - ông Phong tâm sự.
Trước khi tôi ra về, ông với theo, rằng linh hồn mà ông nói, đó còn là linh hồn của thời gian, thời gian khắc họa trong tâm trí của mỗi con người. Về phần mình, trong suốt quãng đường trở về, tôi không thôi tự hỏi điều gì đã khiến người đàn ông ấy ám ảnh mãi với những linh hồn?
XUÂN THỌ