Biên giới - Hải đảo

Kể chuyện cùng cột mốc biên cương

ALĂNG NGƯỚC 03/03/2024 13:52

(QNO) - Sau lễ chào cờ thiêng liêng, bên cột mốc chủ quyền, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và người dân các xã biên giới phía tây Quảng Nam cùng ngồi nghe câu chuyện về tinh thần quân - dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong niềm cảm xúc dâng trào.

aad100e21f4cb212eb5d.jpg
Lễ chào cờ được thực hiện bên cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trong niềm xúc cảm dâng trào. Ảnh: Đ.N

Lễ chào cờ xúc động

Cơn rét núi, chừng như không cản lại niềm háo hức và tinh thần quyết tâm của đồng bào Cơ Tu ở các xã biên giới A Xan, Tr'Hy (Tây Giang) khi tham gia lễ chào cờ đặc biệt bên cột mốc chủ quyền, vào sáng 2/3.

Thiếu tá Nguyễn Văn Lợi - Chính trị viên Đồn Biên phòng A Xan cho biết, đây là chương trình thường niên được đơn vị phối hợp tổ chức, khuyến khích đông đảo người dân, đoàn viên thanh niên và thành viên các tổ tự quản trên địa bàn xã A Xan, Tr'Hy tham gia.

b47532a3210d8c53d51c.jpg
Đồng bào Cơ Tu các xã biên giới A Xan và Tr'Hy tham gia phát dọn tuyến đường biên giới. Ảnh: Đ.N

"Năm nay, chúng tôi thực hiện chương trình tại mốc quốc giới 690, đường biên tiếp giáp giữa huyện Tây Giang và Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào), với điểm nhấn là nghi thức lễ chào cờ cột mốc biên cương.

Thông qua lễ chào cờ nhằm tuyên truyền, giáo dục đồng bào địa phương hiểu biết sâu sắc hơn mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào và chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Từ đó, thấy được vai trò, trách nhiệm, cùng với Bộ đội Biên phòng tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới" - Thiếu tá Nguyễn Văn Lợi chia sẻ.

b08612b50d1ba045f90a.jpg
Chiến sĩ biên phòng lau chùi mốc quốc giới trước khi làm lễ chào cờ. Ảnh: Đ.N

Trước khi diễn ra lễ chào cờ, tất cả thành viên tham gia chương trình tiến hành kiểm tra, phát dọn, lau chùi cột mốc chủ quyền và khu vực vành đai biên giới. Nhiều thanh niên lần đầu tiên góp mặt, bày tỏ niềm tự hào khi được chạm tay vào mốc quốc giới giữa rừng sâu xanh thẳm.

Chị Hôih Thị Đếp - Bí thư Đoàn xã Tr'Hy cho biết, gần như trong các chuyến ngược núi tuần tra, phát tuyến đường biên, cột mốc đều có sự tham gia của lực lượng đoàn viên thanh niên. Bởi đây là hoạt động ý nghĩa, nên đơn vị thường xuyên luân phiên người tham gia giúp công tác tuyên truyền được sâu rộng và hiệu quả.

"Đặc biệt, là giây phút chứng kiến lễ chào cờ cột mốc chủ quyền, chúng tôi ai cũng cảm thấy tự hào và rưng rưng cảm xúc" - chị Hôih Thị Đếp tâm sự.

5f80f2b3ed1d4043190c.jpg
Chỉ huy Đồn Biên phòng A Xan trao cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho các tổ tự quản đường biên 2 xã A Xan, Tr'Hy ngay tại cột mốc chủ quyền. Ảnh: Đ.N

Kể chuyện biên cương

Ngay sau lễ chào mốc quốc giới, Chỉ huy Đồn Biên phòng A Xan giới thiệu lịch sử hình thành mốc 690 và công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới đoạn biên giới Quảng Nam - Sê Kông cho tất cả thành viên tham gia chương trình.

Nằm ở đường biên tiếp giáp giữa hai huyện Tây Giang - Kà Lừm, với địa hình hiểm trở, mốc quốc giới 690 được hình thành bởi công sức, tinh thần đoàn kết của quân - dân biên giới. Quá trình xây dựng mốc 690 nói riêng và các mốc quốc giới khác nói chung gặp rất nhiều khó khăn do đường sá cách trở, vật liệu xây dựng phải vận chuyển bằng cách thô sơ, gùi cõng.

fd0654354b9be6c5bf8a(4).jpg
Thanh niên biên giới lắng nghe câu chuyện về quá trình hình thành cột mốc chủ quyền. Ảnh: Đ.N

Ngoài cán bộ chiến sĩ biên phòng, đồng bào biên giới được huy động góp công sức vận chuyển lương thực thực phẩm, gạch đá, xi măng, nước uống,… tham gia xây dựng cột mốc.

Lắng nghe chuyện kể, ông Pơloong Mớ - người có uy tín thôn Abaanh 2 (xã Tr'Hy) nói, ông và rất nhiều người Cơ Tu ở Tây Giang đều bày tỏ niềm tự hào mỗi khi nhắc đến cột mốc biên giới. Bởi đó là nơi khẳng định chủ quyền, tạo đường biên vững chắc, an toàn để đồng bào an tâm sinh sống, làm ăn, phát triển kinh tế.

4e17cf35db9b76c52f8a.jpg
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan bên cột mốc chủ quyền. Ảnh: Đ.N

Ông Mớ nói, sau chuyến đi này, ông sẽ về tuyên truyền nhiều hơn trong cộng đồng về vai trò, nhiệm vụ tham gia bảo vệ đường biên cột mốc, giúp đường biên giới Việt Nam - Lào càng ngày an toàn và bền vững hơn.

Thiếu tá Nguyễn Văn Lợi - Chính trị viên Đồn Biên phòng A Xan nói, bên trong mỗi chiếc ba lô theo hành trình tuần tra của cán bộ chiến sĩ biên phòng đều luôn có những lá cờ Tổ quốc.

e25e726387cd2a9373dc.jpg
Chiến sĩ biên phòng giúp dân thay lá cờ mới trên hành trình tuần tra. Ảnh: Đ.N

Đi ngang qua nhà duông (chòi rẫy) của người dân, khi thấy lá cờ đã bạc màu hoặc không đúng quy định, cán bộ chiến sĩ đơn vị tiến hành thay mới, góp phần tuyên truyền tình yêu Tổ quốc, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giáo dục cộng đồng cách sử dụng cờ Tổ quốc đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kể chuyện cùng cột mốc biên cương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO