Tình cờ tôi gặp lại ông Rích Si Man – nguyên Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Huyện ủy Nam Trà My. Vẫn với cái cách nói chuyện vui vẻ, hoạt bát ông kể chúng tôi nghe kỷ niệm về những năm tháng học tập, lao động trên đất Bắc.
1. Ông Rích Si Man sinh năm 1950, tại làng Tăkpo, xã Trà Mai, nay thuộc huyện Nam Trà My. Ông là người con trai thứ tư trong một gia đình dân tộc Ca Dong gồm 7 anh chị em. Khi chưa đầy 9 tuổi, Rích Si Man được tổ chức cho ra miền Bắc để học. Trong những ngày đầu đến đất Bắc ông được đưa vào học tại trường Dân tộc nội trú Trung ương ở Mễ Trì (thành phố Hà Nội). Năm 1964, bị máy bay Mỹ liên tục ném bom, trường phải sơ tán lên Chi Nê (Hòa Bình), sau đó về Chi Lăng (Lạng Sơn). Do chiến sự ác liệt nên tháng 5.1965 cả trường phải đi sơ tán qua tỉnh Quế Lâm (Trung Quốc). Năm 1968, ông về lại Thái Nguyên, tiếp tục học hết phổ thông trung học (hệ 10/10). Từ năm 1971-1974, ông học lớp công nhân kỹ thuật tại trường kỹ thuật Hà Bắc, ra trường làm công nhân tại nhà máy cơ khí nông nghiệp Hà Tây với bậc thợ 3/7.
Ông Rích Si Man (thứ ba hàng trước, từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm cùng những người một thời công tác tại Xí nghiệp liên hiệp lâm nông công nghiệp Trà My.Ảnh: N.Đ.N |
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được điều chuyển về công tác tại nhà máy cơ khí Đà Nẵng với bậc thợ 6/7. Trong những năm công tác tại đây ông đã được học hàm thụ kỹ thuật công nghiệp tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Tháng 9.1983 ông được tổ chức cho về công tác tại nơi chôn nhau cắt rốn. Trong những năm công tác tại quê hương, ông Man được cử đi học Cao cấp lý luận chính trị tại Học viện chính trị khu vực III, thuộc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Trong những năm học tập, lao động trên đất Bắc ông Man vinh dự được 5 lần gặp Bác Hồ, trong đó có 3 lần Bác trực tiếp đến những nơi sơ tán ân cần thăm hỏi, động viên, 1 lần Bác đến thăm cán bộ, giáo viên và học sinh trường THPT đặt tại tỉnh Thái Nguyên và một lần Rích Si Man cùng đoàn học sinh miền Nam đến Phủ Chủ tịch để thăm Bác. Đặc biệt, trong thời gian công tác tại Nhà máy cơ khí nông nghiệp Hà Tây, ông vinh dự được phân công tham gia chế tác dòng chữ “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Gần 50 năm học tập và công tác, đã kinh qua nhiều cương vị khác nhau như phó Quản đốc phân xưởng nhà máy cơ khí Đà Nẵng, Trưởng phòng Công nghiệp huyện Trà My, phó giám đốc Xí nghiệp liên hiệp lâm nông công nghiệp huyện Trà My, phó chủ tịch UBND huyện Trà My kiêm Giám đốc quản lý đường Trà My – Tăkpo, Giám đốc nhà máy thủy điện Nước Oa, phó trưởng ban dân vận Huyện ủy Nam Trà My, Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Huyện ủy Nam Trà My. Dù ở bất cứ cương vị công tác và hoàn cảnh nào ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông nghỉ hưu vào tháng 6.2010.
2. Trong niềm vui ngày gặp lại, ông Rích Si Man không ngớt kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm đẹp mà ông đã ghi nhận được trong suốt quá trình học tập và lao động sản xuất. Để có được những kỷ niệm khó quên đó, là nhờ Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho ra miền Bắc để học cái chữ của Bác Hồ. Vậy mà cơ duyên đi Bắc của ông lại vô cùng đơn giản.
Ông kể, vào buổi trưa của một ngày tháng 12.1959, khi đang vui đùa cùng các bạn trong làng, ông gặp ông Bảy Nùng, cán bộ tổ chức Khu ủy khu 5 đóng chân ở Nước Là. Ông Bảy Nùng hỏi: “Chú mày có ưng đi miền Bắc không?”. Ông Man trả lời: “Miền Bắc có chi mà đi?”. Ông Bảy Nùng nói: “Miền Bắc có Bác Hồ”. Nghe ông Bảy Nùng nói vậy, ông Man nhanh nhảu: “Rứa thì cháu xin đi”. Chiều hôm đó, những người có tên đi học tập ở miền Bắc đợt này đã tập trung đông đủ về Ban tổ chức Khu ủy khu 5 nhằm chuẩn bị các điều kiện để sáng mai lên đường sớm. Riêng chú bé Rích Si Man vẫn hồn nhiên vui đùa, không hề mảy may chuyện gì xảy ra, kể cả không chuẩn bị hành lý - mà thật ra chẳng có thứ gì để chuẩn bị! Chơi xong, tối về ăn qua quít vài miếng rồi lăn ra ngủ, khoảng 3 giờ sáng ngày hôm sau nghe tiếng gọi ở đầu làng chú bé Rích Si Man choàng thức dậy, vội chạy xuống chuồng ở phía sau nhà bắt con gà trống to nhất đàn vừa mới cất tiếng gáy canh ba, ôm chặt vào lòng chạy ra nhập vào đoàn người. Đầu trần, chân đất, lon ton chạy theo các cô, các chú, các anh, chị. Ngày đi, đêm nghỉ. Dọc đường mòn Hồ Chí Minh lô nhô sỏi đá, dây leo, bụi rậm khiến không ít lần Rích Si Man vấp ngã, trầy trụa khắp người. Tuy đau buốt nhưng Man cố chịu đựng để chạy theo cho kịp đoàn người.
Đi bộ ròng rã gần 1 năm mới đến được Vĩnh Linh (địa phương ở địa đầu giới tuyến của tỉnh Quảng Trị) được tổ chức tiếp nhận, khám bệnh, cho tắm rửa và được mặc đồ mới trước khi bước lên ô tô để đi ra miền Bắc. Sau một ngày đêm nghỉ chân, sáng hôm sau mọi người lên xe, ai nấy đều vui vì đã gần đến Hà Nội, sẽ được đi học. Riêng chú bé Rích Si Man thì buồn rười rượi do phải thực hiện mệnh lệnh của cấp trên là… không được mang con gà lên xe!
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC