(VHQN) - Già làng Bnướch Bao đóng khố, vác cây giáo dài, trên vai đeo tà-léc lẳng lặng đi vào rừng. Đến bờ suối, ông dừng lại, mài con rựa. Nhìn xuống lòng suối, ông khoác tay, nói vài câu bằng tiếng bản địa. Lũ làng dừng lại, tỏa đi xung quanh, nhặt đá để đắp một con đập. Nhiều người tiến lại gốc cây pa’chác gần đó, rọc một đường lấy vỏ, đập giập. Vỏ cây sẽ được ngâm xuống suối, một thứ “thuốc” cá đặc biệt của người Cơ Tu.
Trekking cùng người bản địa
Đó là buổi sáng tháng 6 của đúng mười năm về trước. Chúng tôi khi đó đi cùng đoàn trekking đầu tiên về làng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang) theo tour trải nghiệm cùng dân làng. Sinh hoạt, đời sống lẫn sản xuất của người dân được tái hiện gần như nguyên bản, nhằm mang lại một trải nghiệm cho du khách bằng chính những giá trị bản địa.
Già Bao đóng khố, đi cùng những người Cơ Tu trong trang phục truyền thống, băng rừng trên chính con đường mòn người dân vẫn hay đi, làm những việc mà họ vẫn thường làm trong đời sống: bắt cá suối, bứt mây, săn dúi...
Du khách khá hào hứng khi lần đầu tiên được chứng kiến phương thức đánh bắt cá độc đáo của người Cơ Tu. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, chưa thực sự là một tour trekking đúng nghĩa, nhưng vẻ đẹp ban sơ của núi rừng cùng giá trị văn hóa bản địa thực sự hấp dẫn và lý thú cho những người lần đầu tiên đặt chân đến xứ núi xa xôi.
Chuyến đi đầu tiên đó mang lại nhiều cảm xúc. Thế nhưng, vì nhiều lý do, không có doanh nghiệp lữ hành nào đứng ra khai thác như một sản phẩm du lịch đặc trưng của Bhơ Hồồng.
Vẻ đẹp của rừng nhiệt đới, những cách thức sản xuất, sinh hoạt truyền thống của đồng bào có một sức hút riêng đối với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài ưa trải nghiệm.
Về sau này, tại Tây Giang, cũng đã có những tour trekking “tự phát” do các bạn trẻ Cơ Tu yêu mến văn hóa bản địa dân tộc mình tổ chức. Du khách có thể khám phá những con suối, ngọn thác đẹp giữa rừng, đi bè nứa, đánh bắt cá suối, cắm trại giữa rừng.
Kèm theo đó là ẩm thực, là những ngôi làng còn giữ được vẻ đẹp truyền thống. Sắc màu văn hóa cộng hưởng cùng không gian sinh thái mang lại nhiều giá trị độc đáo, riêng có.
Tham gia những tour trekking cùng người bản địa, du khách có thể trải nghiệm đầy đủ kỹ năng sinh tồn của đồng bào bản địa với rừng, khám phá văn hóa, ẩm thực và tận hưởng vẻ đẹp ban sơ chỉ có ở vùng cao.
Không cần chờ đợi một tour tuyến bài bản như ở đồng bằng, được tổ chức bởi những công ty lữ hành chuyên nghiệp, những chuyến trekking do các bạn trẻ vùng cao tổ chức vẫn là dịp lý thú để du khách được nghe, được thấy và được tham gia với đời sống bản địa.
Quảng bá văn hóa
Từ lời giới thiệu của Pơloong Plênh, một bạn trẻ người Cơ Tu yêu mến văn hóa truyền thống, chúng tôi gặp được già Clâu Blao (thôn Voòng, xã Tr’Hy, Tây Giang). Biết được ý định của chúng tôi, già Blao trở vào trong nhà, khoác tà lét và chiếc áo thổ cẩm, dẫn chúng tôi vào rẫy đi tìm loài cây dây leo để làm chiếc áo vỏ cây, một thứ “áo tàng hình” của người Cơ Tu.
Già Blao giảng giải, áo vỏ cây có thể được làm từ nhiều loại như đhin, đhul, đhi zi lang, đzi abâm, hay các loại dây leo như zi lang, cơ lơm. Thông dụng nhất là dây đhi zi lang. Đó là một vị thuốc để trị bệnh, cũng có thể hứng lấy nước uống khi đi rừng.
Vỏ cây này khá dai, được bóc ra thành từng mảnh nhỏ, rồi ghép nhiều tấm lại với nhau mới thành áo. Còn cây thân gỗ thì có ta coỏng, a mớt, đha my, ta đuh, chơr za giang.
Thân gỗ thì lớp vỏ to hơn, nhưng thao tác cũng kỳ công hơn. Phải “nướng” cây, rồi dùng cái vồ đập quanh, để vỏ cây bong thành sợi nhưng không rách, mới tách được khỏi thân. Ngâm dưới suối, rửa qua mấy bận, rồi phơi khô, thành thứ áo vỏ cây độc đáo của đồng bào.
Có nhiều người, cả chuyên gia, nhà nghiên cứu lẫn du khách tìm gặp già Blao để tìm hiểu chiếc áo vỏ cây. Ông cũng đã “bán” một chiếc áo vỏ cây được kỳ công phục dựng bằng kỹ thuật truyền thống cho chính quyền phục vụ việc trưng bày, quảng bá văn hóa dân tộc.
Nhưng hấp dẫn và giá trị hơn là hành trình tìm, chế tác chiếc áo vỏ cây, những câu chuyện xoay quanh loại trang phục “tàng hình” giúp đồng bào sinh tồn trong những cuộc săn. Hành trình đó mang trong mình di sản quý giá về tri thức bản địa.
Già Blao đã sắp chạm đến “tuổi trời”, những tinh túy về văn hóa biết đâu đấy sẽ mất đi khi thế hệ kế cận chưa kịp nắm bắt, kế thừa, như kiến thức, kỹ năng chế tác chiếc áo vỏ cây từ vị già làng, làm vốn liếng cho công cuộc bảo tồn và quảng bá giá trị văn hóa của dân tộc mình trong nhiều năm sau nữa...
Phía thăm thẳm đại ngàn, có biết bao câu chuyện ẩn mình dưới tán rừng, trong trí nhớ đã ít nhiều phai nhạt của những già làng. Già Bnướch Bao từ vài năm nay đã không còn đủ sức để đi vào rừng, cũng như già Clâu Blao, sức khỏe không còn dẻo dai để ngồi điêu khắc tượng gỗ Cơ Tu hay tìm làm áo vỏ cây nữa.
Ý thức trao truyền, tiếp nối giá trị văn hóa bản địa cần được tiếp sức bằng sự quan tâm chính sách, bằng việc hiện thực hóa những tour, tuyến trải nghiệm về rừng, và bằng cả tâm huyết, niềm tự hào của những bạn trẻ Cơ Tu, trước những giao thoa dữ dội và sự xâm lấn lặng thầm của nền “văn minh” hiện đại...