Chậm rãi. Chắc chắn. Từng ngày một, Võ Nguyên Tùng xác quyết cho người ta thấy câu chuyện về làng và vun lên giấc mơ khởi nghiệp từ chính nguồn tài nguyên của làng đang là một hướng đi đúng...
Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) những ngày này được gọi tên như một trong những điểm đến của nhiều người... mê đi. Riêng thôn 6 này - nơi làng nghề truyền thống Cửa Khe tồn tại, mỗi con đường dọc ngang hình như đều dẫn về phía biển. Những con sóng bạc đầu vỗ mạn thuyền, như muốn kể cho người nghe về mảnh đất lạ lùng.
Giữa tiếng sóng, tiếng gió biển, trong những chòi tre dựng trên bãi cát trắng mịn, Võ Nguyên Tùng nói những sản phẩm này gần như là lời mở đầu để Cửa Khe định danh với nhiều người. Trên nền tảng giá trị của làng, những cơ hội mới sẽ mở ra. Đó không chỉ là mong ước của chàng trai xứ biển mà hình như, của rất nhiều người biết yêu quý quê hương.
Một Cửa Khe hơn trăm năm với giá trị của nước mắm cá cơm than nức tiếng vùng miền xứ Quảng. Từng chai mắm nhà rong ruổi khắp nơi, theo bước chân của người đàn bà miền biển.
Tùng nói, anh từng nhìn thấy cha mẹ mình ròng rã như vậy, chờ đợi đủ ngày ủ chượp để con cá hột muối hóa thân, rồi lại chính họ mang nó đi đến các chợ từ vùng xuôi đến miền ngược. Và nếu cứ mải miết như vậy, thì làng này cũng sẽ chỉ dừng lại ở một ngôi làng biển có nghề truyền thống.
Năm 2018, có một chàng trai sinh năm 1992, đang công tác sau đại học ở Trường Đại học Duy Tân (TP.Đà Nẵng) trở về làng. Anh trình bày cụ thể, mạch lạc từng bước đi sau này của làng nghề mình với những người lớn tuổi của làng.
Giai đoạn này, Cửa Khe gần như chỉ còn là một tên gọi với số hộ làm mắm từ mấy trăm hộ của thời nghề thịnh, còn khoảng vài chục hộ. Những chai mắm nhà dù vị thơm ngon, nguyên chất, vẫn chỉ dừng lại ở sản phẩm nhà làm, sơ sài, không thương hiệu.
Dù Cửa Khe đã là làng nghề truyền thống được cấp tỉnh công nhận. Cũng chính lúc này, những cuộc đất vùng đông Thăng Bình sốt hầm hập. Mọi xáo trộn đều bắt đầu từ cơn sốt đất. Hình như cũng chẳng mấy người quan tâm đến sống còn của làng nghề.
Dựng lại mùi hương
Và Tùng trở về. Tôi hình dung anh lúc ấy cứ như quáng quíu để cố giữ lại những nếp tàn dư của một ngôi làng trong cơn biến trở. Cố xoa dịu và khỏa lấp đi những mất mát trong từng ngõ ngách.
Từng bước đi được vạch ra. Đầu tiên, xốc lại thương hiệu nước mắm Cửa Khe bằng việc cải tiến mẫu mã bao bì, bằng cách phải để Cửa Khe là xác quyết cho chất lượng chung của gần 60 hộ làm mắm. Dù ở cơ sở sản xuất nào, miễn là mắm Cửa Khe, thì phải mùi vị đó, độ đạm đó, nguyên liệu tươi ngon và được kiểm định đầu ra đầu vào.
Chai nước mắm Cửa Khe bây giờ đã không chỉ thuần là sản phẩm ở chợ truyền thống nữa. Tùng và cộng sự - cũng là những người trẻ ở ngay làng này, lặn lội đủ mọi phương, để sản phẩm lên kệ hàng ở siêu thị, các gian trưng bày trong những đợt hội chợ, triển lãm.
Làng nghề đã thể hiện được sứ mệnh của nó, khi nước mắm Cửa Khe được lựa chọn là sản phẩm đặc trưng xứ Quảng. Ở các phiên chợ được mở ra ngày càng nhiều trên đất Quảng, dù trong những không gian sang trọng hay những nơi dân dã, dù trên các kệ hàng của những siêu thị kiểm định khắt khe chất lượng sản phẩm truyền thống, thì nước mắm Cửa Khe ở đó như một mặc định về sản phẩm của bản quán, xứ sở.
Những chai mắm mang đủ đầy giá trị, thức vị và linh hồn của một vùng xứ Quảng, dung chứa nhiều hơn tầng nghĩa của một sản phẩm truyền thống. Đó là niềm tự hào, là hồn cốt quê xứ...
Khi câu chuyện về sản phẩm đặc trưng của làng bắt đầu có chỗ đứng, thì Tùng - lúc này đã là Trưởng ban Làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe, cũng đồng thời là Giám đốc Hợp tác xã truyền thống Cửa Khe, tiếp tục cho một câu chuyện khác của làng. Một “điểm đến xanh” trong hành trình du lịch tại Quảng Nam mang tên Cửa Khe, sẽ xuất hiện trên bản đồ du lịch xứ Quảng.
Về làng làm du lịch
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, tiềm năng để làm du lịch của các làng nghề truyền thống rất lớn khi hiện nay, xu hướng của du khách là tìm kiếm những giá trị xưa cũ, bản địa và mong muốn trải nghiệm du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng, sinh thái.
Và sản phẩm từ sự liên kết, chia sẻ lợi ích cộng đồng với điểm nhấn là bản sắc của cư dân địa phương sẽ làm nên sức hút. Và đây, cũng chính là con đường về làng làm du lịch mà Võ Nguyên Tùng mong muốn gầy dựng tại làng nghề Cửa Khe.
Khởi nghiệp làm du lịch chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Trong chiến lược trở về của mình, Tùng nói, anh mong mỗi người dân của làng sẽ nhận thức được giá trị bản địa mà cộng đồng làng nắm giữ.
Từ niềm tự hào này mới đánh thức những dựng xây trong từng phần việc nhỏ nhất, để tạo nên cảnh quan của một ngôi làng du lịch. Một thế “kiềng 3 chân” vững chãi cho những hoạt động dài lâu, từ sự định hướng của chính quyền địa phương với người dân về câu chuyện làm du lịch, từ cộng đồng dân cư với những hiểu biết về du lịch ở làng và cuối cùng là hợp tác xã, doanh nghiệp tại địa phương với những cam kết lâu dài đối với chính địa phương họ sinh ra, tạo được động lực để phát triển du lịch. Đây là những yếu tố tiên quyết để một ngôi làng du lịch ra đời và bền vững trên nền tảng giá trị bản địa.
“Chúng tôi muốn du khách đến làng nghề Cửa Khe sẽ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân địa phương. Du khách sẽ hòa vào những trải nghiệm thực tế với người dân địa phương, từ đây, thời gian lưu trú của họ cũng sẽ tăng lên, kéo theo các dịch vụ khác. Đặc sản của làng nghề được biết tới mạnh mẽ hơn thì thương hiệu của làng nghề cũng được lan rộng hơn” - Võ Nguyên Tùng nói.
Trăn trở và ước vọng
Những giá trị của làng nghề xứ Quảng đã được nhận chân. Nhưng để làm du lịch làng nghề, riêng đối với Quảng Nam vẫn là câu chuyện còn khá nhiều khoảng trống.
“Trong những năm qua, việc phát triển du lịch gắn với làng nghề chưa có được sự kết nối tốt, chưa có sự chuẩn hóa từ các cơ quan quản lý, sự hỗ trợ của nhà nước còn thiếu tập trung.
Đặc biệt, khởi nghiệp trong lĩnh vực làng nghề còn chưa rõ nét, chưa xuất hiện tổ chức cá nhân mạnh dạn vượt khó, vượt khỏi vòng an toàn để đột phá khởi nghiệp trong lĩnh vực làng nghề truyền thống gắn với du lịch” - ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mozart Việt Nam nhận định.
Có lẽ vậy nên mô hình khởi nghiệp sáng tạo từ làng nghề truyền thống gắn với du lịch cần được thúc đẩy. Võ Nguyên Tùng hẳn là người trẻ tiên phong của làng nghề làm du lịch. Anh đã đi khắp nơi để học cách quảng bá những đặc sắc của địa phương...
Giữa tiếng sóng vỗ và hò reo của cư dân làng biển trong Ngày hội văn hóa dân gian ở Cửa Khe, tổ chức ngay dịp Giỗ tổ truyền thống của làng nghề mới đây, lần nữa, như Tùng nói, là cơ hội để những nỗ lực, ấp ủ trong 2 năm qua của Tùng cùng cộng sự thành hiện thực. Trong suốt quãng thời gian đã qua, Cửa Khe đã đón nhiều đoàn khách. Nhưng để kể được câu chuyện trăm năm làng nghề biển với người khắp nơi, sẽ cần nhiều hơn những trợ lực.
Võ Nguyên Tùng hình như cũng đang xoay xở với những giấc mơ từ phía biển của mình. Và cùng với anh, là người của làng đang chung lưng để tên gọi Cửa Khe lấp lánh mỗi ngày...