Kể chuyện lịch sử qua truyện tranh

NAM VIỆT 18/11/2023 07:00

Kể những câu chuyện lịch sử theo cách ngắn gọn, đơn giản và dễ hiểu, nhà xuất bản truyện tranh nổi tiếng Amar Chitra Katha tại Mumbai góp phần giúp thế hệ trẻ Ấn Độ hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử đất nước.

Trẻ em Ấn Độ yêu thích truyện tranh kể về văn hóa, lịch sử của đất nước. Ảnh: Asia.nikkei
Trẻ em Ấn Độ yêu thích truyện tranh kể về văn hóa, lịch sử của đất nước. Ảnh: Asia.nikkei

Hơn 50 năm trước, trong một chương trình trên truyền hình của Ấn Độ, học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi về thần thoại Hy Lạp và La Mã, nhưng lại bối rối khi được hỏi tên người mẹ của Rama - một vị thần quan trọng của đạo Hindu của nước mình.

Nhà văn Anant Pai (Ấn Độ) quyết định thành lập nhà xuất bản truyện tranh mang tên Amar Chitra Katha (ACK) nhằm tạo ra các tác phẩm truyện tranh về văn hóa, lịch sử phong phú của Ấn Độ.

Đến nay, các tác phẩm của nhà văn Anant Pai (1929 - 2011) cũng như của nhà xuất bản ACK trở thành những cuốn sách gối đầu giường của nhiều trẻ em Ấn Độ.

Bà Reena Puri - Tổng biên tập của ACK, người gắn bó với nhà xuất bản hơn 30 năm nay cho biết ACK hiện đạt cột mốc xuất bản 86 triệu bản với khoảng 440 đầu sách. ACK xuất bản tập truyện tranh đầu tiên vào năm 1970. Đó là tác phẩm của nhà văn Anant Pai và một họa sĩ kể về cậu bé chăn cừu Krishna - hóa thân thứ tám của thần Vishnu.

Vào cuối những năm 1970, ACK bán được 5 triệu bản sách mỗi năm. Nhà văn Anant Pai từng chia sẻ: “Một số câu chuyện từ thời tiền sử được ghi lại bằng hình ảnh, về những cuộc săn lùng và khám phá thú vị. Tôi tin rằng chúng ta có thể truyền cho trẻ em những giá trị tốt đẹp thông qua những câu chuyện như thế”.

Lúc đầu, truyện tranh ACK kể những câu chuyện mang tính chất thần thoại nhưng sau này mở rộng về nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng khác, như Mẹ Teresa - người đoạt giải Nobel Hòa bình vào năm 1979 vì các hoạt động nhân đạo của bà.

Độc giả Shoma Abhyankar (48 tuổi) - người yêu thích truyện tranh khi còn nhỏ, cho biết: “Truyện tranh cung cấp những câu chuyện về lịch sử, thần thoại và bài học cuộc sống một cách dễ hiểu. Chúng là một phần của quá trình trưởng thành của nhiều bạn đọc”.

Bà Preeti Vyas - Giám đốc điều hành của ACK là độc giả thưởng xuyên của ACK khi còn nhỏ. Bây giờ con trai bà cũng vậy. Nhưng Vyas thừa nhận rằng ACK có thể trở thành một “thương hiệu hoài cổ” trước làn sóng công nghệ và thiết bị mới nhiều tiện ích.

“Dịch COVID-19 mở ra con đường mới. Ứng dụng công nghệ, vốn chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu, đột nhiên chiếm vị trí trung tâm của ACK. Trong thời kỳ đại dịch, ACK cung cấp quyền truy cập miễn phí vào thư viện kỹ thuật số trong 21 ngày, thu hút độc giả nhỏ tuổi cũng như các bậc phụ huynh trên khắp thế giới đăng ký thuê bao. Sau đó, doanh số bán hàng vốn trì trệ từ năm 2020 nay phục hồi trở lại. Chúng tôi có nửa triệu khách hàng mới” - bà Preeti Vyas nói.

ACK đang tập trung vào các định dạng hiện đại như ứng dụng thư viện kỹ thuật số, thư viện thực tế ảo và tăng cường, sách nói... ACK cho biết công ty hiện có 2,5 triệu người đăng ký trên toàn thế giới.

Cộng đồng người Ấn Độ hải ngoại là một cơ sở khách hàng quan trọng, vì truyện tranh cung cấp “một con đường trở về cội nguồn”. ACK gần đây trở thành nhà xuất bản truyện tranh Ấn Độ đầu tiên trưng bày tại San Diego Comic-Con - hội nghị truyện tranh lớn nhất Bắc Mỹ.

Truyện tranh của ACK cũng đang tiếp cận các cộng đồng không phải người Ấn Độ khi nhiều tác phẩm được dịch sang 25 ngôn ngữ khác nhau. ACK vừa hợp tác với một công ty sáng tạo nội dung tại Mumbai để sản xuất phim truyền hình, phim điện ảnh, phim tài liệu và phim hoạt hình dựa trên truyện tranh. ACK vì thế vẫn là “người kể chuyện” được yêu thích nhất ở Ấn Độ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kể chuyện lịch sử qua truyện tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO