Kể chuyện nguồn lợi

C.B.L 04/07/2018 09:07

Thông tin Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tiếp tục đưa thành công 250 trứng rùa từ Vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về chôn ấp tại Bãi Bấc (Cù Lao Chàm) thu hút sự quan tâm của nhiều người. Hoạt động này được kỳ vọng sẽ góp phần dần thay đổi cái nhìn của ngư dân về nguồn lợi thủy hải sản ven bờ đang nhanh chóng cạn kiệt.

Tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản ven bờ lâu nay được các ngư dân cụ thể hóa bằng những câu chuyện sinh động trong vẻ tiếc nuối. Ví dụ loài rùa biển, có nơi gọi là con vích hoặc con thầy tu, nhiều người kể cách đây khoảng 20 năm loài này thường xuyên vào bờ biển bãi ngang sinh sản. Những buổi chiều trời có dông, ngư dân đi dạo biển có thể “thu nhặt” được vài con vích là chuyện thường, thậm chí có hôm vích vào cả đàn, ngư dân phải lật ngửa từng con để đó, chạy về kêu thêm người ra khiêng. Thịt vích được cho là rất ngon, bổ dưỡng nhưng thời đó ít hợp khẩu vị của nhiều người vì có mùi tanh. Người ta ăn vích bằng những cọng thông bẻ làm đũa, ăn xong là vứt đi để khỏi phải rửa. Bây giờ vích là loại hàng hiếm, thỉnh thoảng có mắc lưới ngư dân, nhưng phần lớn được tiêu thụ từ... ngoài biển.

Nguồn lợi ven bờ Quảng Nam qua lời kể của ngư dân còn có sự mất mát, hao hụt của nhiều loài cá, mực... Một ngư dân trẻ cũng có thể chứng kiến sự biến mất của loài cá lòng thong (thân giống với cá chuồn), đã từng nằm ăm ắp trong các khoang thuyền sau mỗi chuyến đánh bắt. Rồi mực nang, mực lá, cá bò, cá đục..., ngày trước chỉ cần một chiếc thúng chai với ngư cụ đánh bắt thô sơ cũng có thể thu được hàng tạ. Chuyện đến mức khó tin rằng, mực lá ngày trước nhiều quá, người ta đặt lồng, đi mành vào do đường sá khó khăn nên tiêu thụ không hết, phải muối mắm hoặc phơi khô rồi bán như cho. Thậm chí có nhiều loại hải sản ngư dân không thèm ăn như ốc giấy, ốc điệp, tôm tít, mực bạch tuộc..., nay đều trở thành những món đặc sản. Độ giàu có về nguồn lợi đó, sau một thời gian đã cạn kiệt vì các hình thức đánh bắt “thông minh”, tận diệt.

Bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản ven bờ đang được chú trọng, nhưng nhìn chung hiện vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Các biện pháp “cứng” như không cấp phép cho những nghề có nguy cơ gây tận diệt nguồn lợi ven bờ; thông báo lịch thời vụ khai thác đối với một số loài hải sản; lực lượng chức năng tăng cường tuần tra... vẫn chưa đem lại kết quả cao do giữa biển mênh mông, khó ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác tận diệt. Bảo vệ nguồn lợi từ xa như triển khai các cơ chế cho vay vốn ưu đãi để dịch chuyển ra ngư trường khơi; tuyên truyền để ngư dân thay đổi hành vi khai thác... lại gặp khó khăn do tập quán đánh bắt và nguồn lực của ngư dân hạn chế. Vì vậy, những hoạt động bảo tồn tương tự như chuyện di dời trứng rùa từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm, hay thả rùa về với biển gần đây của nhiều ngư dân, một phần nào đó cũng chuyển tải thông điệp để chính ngư dân hành động bảo vệ nguồn lợi thay vì nuối tiếc kể lại những gì đã từng có trong sóng biển.

C.B.L  

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kể chuyện nguồn lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO