Khi vầng trăng chênh chếch, những câu chuyện kể về Bác Hồ giữa rừng cây cổ thụ càng gây xúc động với nhiều người dân phường An Phú (TP. Tam Kỳ).
Đêm hội
Kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ (19.5) năm nay, cán bộ, nhân dân vùng đông Tam Kỳ tập trung về “Rừng cây Bác Hồ” thuộc khối phố Ngọc Nam, phường An Phú, để thưởng thức âm nhạc, cổ vũ hội thi kể chuyện về Bác. Mới 7 giờ tối, khoảnh đất trống giữa “Rừng cây Bác Hồ” đã đông nghịt người. Ai cũng vui vẻ nhường nhau từng chỗ ngồi, lối đi. Người dự thi kể chuyện về Bác bước lên sân khấu cũng từ hàng ghế khán giả. Tất cả đều diễn ra chân phương, quê kiểng, đúng nghĩa văn nghệ quần chúng.
Người dự thi gồm các chị, cô giáo, các em học sinh trong tà áo dài đến cậu học trò tiểu học. Mỗi người đều tự tin bước lên sâu khấu. Không hóa trang cầu kỳ. Cuộc thi ngập tràn tiếng hò reo, tiếng vỗ tay tán thưởng. Ngoài niềm vui cổ vũ nồng nhiệt vẫn có những thời khắc im lặng, nhiều người đã rơi nước mắt vì xúc động khi nghe kể về Bác. Không ít lần đi xem cuộc thi kể chuyện về Bác, về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở những sân khấu hoành tráng, nhưng ở không gian này, tôi nhận thấy mọi người đều chăm chú lắng nghe, cảm xúc đi theo từng câu chuyện kể.
Với người dân phường An Phú và xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ), đêm 19.5 vui như hội. Lâu lắm rồi, họ mới được hòa vào không khí sinh hoạt văn nghệ quần chúng. Chị Trần Thị Thủy, khối phố Ngọc Nam, phường An Phú hóm hỉnh nói: “Đêm nay chúng tôi tổ chức sinh nhật lần thứ 123 cho Bác”.
Lay động lòng người
Nguyễn Trần Anh Thư, học sinh lớp 4, đại diện cho phần thi của khối phố Phú Sơn (phường An Phú) kể câu chuyện “Bác Hồ về thăm trại thiếu niên nhi đồng”. Vóc dáng nhỏ thó nhưng trông Thư khá già dặn với điệu bộ, cử chỉ, giọng kể về Bác. Câu chuyện được Thư chuyển tải với mạch cảm xúc dâng trào, kéo dài hơn 10 phút, nhưng không vấp, không hụt hơi, được khán giả nhiều lần vỗ tay khen ngợi. Đại diện khối phố Ngọc Nam, Trần Thị Duyên Xuân kể về “Cái tết ấn tượng của Bác” đã chiếm được cảm tình đặc biệt của ban giám khảo và khán giả bởi giọng kể truyền cảm, có sức lay động lòng người. Chuyện rằng, trong Tết Kỷ Sửu (năm 1949) ở Tuyên Quang, giữa núi rừng không có pháo đốt phục vụ tết cho anh em chiến sĩ, Bác nghĩ ra loại pháo thiên nhiên là đốt nứa nổ giữa rừng để làm vui cho mọi người. Rồi khi cơ quan tổ chức thi đấu bóng chuyền, Bác đứng ra làm trọng tài và thưởng đội thắng, kể cả cổ động viên. Những việc làm của Bác tuy nhỏ, nhưng vô cùng thiết thực và mang lợi ích tinh thần, động viên đồng đội chiến sĩ vượt qua gian khó, hoàn thành nhiệm vụ. Tiết mục này sau đó cũng đoạt giải nhất hội thi.
Đông đảo nhân dân phường An Phú đến xem, cổ vũ hội thi kể chuyện về Bác Hồ.Ảnh: HỮU PHÚC |
Đại diện Chi bộ khối phố An Hà Trung tham gia hội thi với mẩu chuyện “Tình yêu của Bác dành cho những khúc hát dân ca”. Qua lời người kể, tình yêu của Bác với cội nguồn xứ sở được tái hiện. Tình yêu ấy được nuôi dưỡng từ những ngày còn nằm nôi nghe mẹ hát ru. Trong những giây phút cuối đời, Bác vẫn luôn nghĩ cho đồng bào, cho đất nước mà “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Khi các đồng chí trong Bộ Chính trị đến thăm, Bác vẫn muốn nghe lại câu hò Huế, làn điệu ví dặm Nghệ Tĩnh, dân ca quan họ Bắc Ninh. Câu chuyện kể dù gẫy gọn nhưng đã thể hiện ý nghĩa sâu sắc rằng, dân ca là linh hồn, là tinh hoa, là bản sắc văn hóa dân tộc, là nguồn sữa nuôi dưỡng tâm hồn. Trước lúc đi xa, Bác muốn gửi gắm thế hệ sau phải biết trân trọng và giữ gìn những khúc hát dân ca - di sản tinh thần của dân tộc.
Kết quả hội thi: Giải nhất thuộc về Chi bộ khối phố Ngọc Nam, giải nhì trường THCS Nguyễn Khuyến, Chi bộ khối phố Phú Sơn giải ba, Chi bộ khối phố An Hà Trung giải khuyến khích. |
Tám chi bộ khối phố, 1 chi bộ cơ quan thuộc Đảng bộ phường An Phú và 3 trường học đóng chân trên địa bàn tham gia biểu diễn văn nghệ, lồng ghép hội thi kể chuyện về Bác. Đây là lần đầu tiên địa phương đứng ra tổ chức chương trình văn hóa - văn nghệ gắn nội dung đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở “Rừng cây Bác Hồ”. Hội thi tạo ấn tượng đẹp trong lòng người dân phường An Phú với những mẩu chuyện về Bác thật gần gũi, bình dị giữa đời thường. Bí thư Đảng ủy phường An Phú - ông Nguyễn Ngọc Chuyển nói: “Ngoài ý nghĩa tổ chức sân chơi, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ cho bà con, chúng tôi muốn chuyển tải thông điệp rằng, mọi người dân không phân biệt giới tính, già trẻ, thành phần xã hội, cần ra sức rèn luyện đạo đức, nhân cách để hoàn thiện mình. Học Bác là học những điều đơn giản, thiết thực với cuộc sống”.
Hơn 10 giờ đêm, cuộc thi khép lại, nhưng nhiều người vẫn nấn ná ngồi lại giao lưu, chuyện trò. Đêm ở “Rừng cây Bác Hồ” thật khó quên.
HỮU PHÚC