Kể chuyện quanh giếng làng

MINH ĐỨC 13/06/2022 06:30

(VHQN) - Giếng làng Hà Quang (thôn Phước Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) là nơi lưu giữ ký ức của làng chài; từng là địa điểm để ngư dân tập trung kể chuyện sóng gió sau mỗi chuyến biển.

Giếng làng Hà Quang được người dân huy động tu bổ lại. Ảnh: M.ĐỨC
Giếng làng Hà Quang được người dân huy động tu bổ lại. Ảnh: M.ĐỨC

Neo giữ ký ức

Theo lịch sử địa phương, giếng làng Hà Quang do dân làng khơi từ thời Tây Sơn (năm Nhâm Dần - 1782), đến thời Tự Đức (năm Đinh Mùi - 1847), dân làng làm ăn khấm khá, chung góp công của tu bổ. Giếng xây bằng đá ong, có 4 trụ xây bằng vữa vôi, khung mái bằng gỗ lợp ngói âm dương. Nền giếng lát đá xanh nguyên khối lấy từ núi Bàn Than. Nơi này, ngày 7.2.1938, Phủ ủy Tam Kỳ quyết định thành lập Chi bộ Đảng xã Tam Tiến đầu tiên.

Ông Huỳnh Long, một cao niên ở làng Hà Quang vẫn chưa nguôi về cảnh hoang vắng của giếng làng. Công trình này dù nằm sát đường Thanh niên, được tu bổ lại khang trang, nhưng theo ông, giếng đang buồn như một di tích bỏ quên và mạch nước không còn trong trẻo vì đã quá lâu không ai sử dụng.

Nhà ông Long cách giếng làng chỉ mấy bước chân, vì thế ký ức về những ngày xôm tụ quanh miệng giếng, rất gần với ông, dù mấy chục năm lùi xa nhịp sống ngư phủ.

Ông Long kể, trước đây làng chài Hà Quang ngót nghét trăm hộ, đều sử dụng nước giếng này. Thời đó chưa có điện, đường cát nhỏ bỏng rát khi trời nắng nóng, nên từ tờ mờ sáng đã đông đúc người đi gánh nước.

Khi mặt trời từ biển dọi qua rừng thông trên nổng cát, cũng là lúc cánh ngư phủ tập trung về giếng tắm táp, chuyện trò. Sau đó là tới đám trẻ con í ới tập trung, đến trưa xế vẫn còn nghe tiếng hò reo, tiếng dội nước ào ạt, liên tiếp, như muốn gấp gáp gội rửa vị mặn chát từ nước sông, nước biển đang bám trên da thịt. 

Giếng làng Hà Quang nằm dưới chân những đồi cát ven biển nên có mạch nước rất khỏe. Dòng nước trong vắt phun ra từ kẽ những viên đá ong đã hao mòn, lại mát lành, xoa dịu cơ thể ngư phủ sau một đêm dài bươn bả với sóng gió. Bởi vậy họ đến đây rất đông vào mỗi sáng, vui vẻ đứng ngồi chờ nhau và kể chuyện biển.

Kể chuyện sóng gió

Nghề biển ở vùng bãi ngang Tam Tiến trước đây có quy mô nhỏ, phương tiện còn thô sơ, chủ yếu đánh bắt vùng gần bờ. Nghề chính là mành đèn, các loại nghề phụ khai thác bằng phương tiện nhỏ như thả lưới, câu, đặt bóng, nghề chà, kéo rùng… Nghề mành đèn dùng ánh sáng để dụ cá.

Nghề mành đèn ở làng chài Hà Quang trước đây khai thác bằng phương tiện thô sơ, những ngày biển động phải khiêng ghe lên bãi. Ảnh: M.ĐỨC
Nghề mành đèn ở làng chài Hà Quang trước đây khai thác bằng phương tiện thô sơ, những ngày biển động phải khiêng ghe lên bãi. Ảnh: M.ĐỨC

Trước đây khi chưa có máy nổ và bình phát điện, mỗi người khi đi biển mang một chiếc đèn măng sông, được ăn chia theo phần của (gồm đèn măng sông và một dây mành chung vào) cùng với phần công (là sức lao động của mỗi bạn biển).

Ông Huỳnh Long cho biết, câu chuyện bên giếng làng chủ yếu xoay quanh tọa độ và ngư trường khai thác, mỗi chuyến biển của ngư dân là hành trình khó lặp lại, nên chuyện họ chia sẻ bao giờ cũng mới mẻ.

Ngày xưa không có máy định vị nên việc xác định tọa độ chủ yếu bằng kinh nghiệm. Nếu ra khơi hoặc vào bờ ban đêm thì ngư dân buộc phải ngắm sao trời để định hướng.

Còn ban ngày, để xác định vị trí của phương tiện, người ta dựa vào hai điểm cố định nhìn thấy được từ bờ. Ngư dân làng chài Hà Quang thường dựa vào đỉnh núi Bà Ty (thuộc dãy Trường Sơn) và cây thông có chiều cao vượt trội trên đồi cát ven biển để xác định hướng của phương tiện.

Ví dụ nhìn từ vị trí phương tiện, cây “thông tốt” xấp với đỉnh núi Bà Ty là hướng chánh tây (có thể chạy thuyền một đường thẳng là tới bờ), nếu hai điểm này lệch nhau thì tùy theo độ rộng hẹp mà xác định thuyền đang ở hướng đông nam hay đông bắc so với “bãi làng” trong đất liền.

Còn muốn xác định thuyền đang ở cách bờ bao xa thì dựa vào mực nước (ngư dân thả ống câu chạm đất và đo bao nhiêu sải tay). Việc xác định tọa độ rất quan trọng, bởi sẽ giúp di chuyển phương tiện chính xác và cũng là cách ngư dân chia sẻ ngư trường với bạn biển.

Ông Huỳnh Long trải qua nhiều nghề ở làng chài Hà Quang như mành đèn, nghề chà, lưới dày… Ông nói, chuyện phong ba bão táp với dân biển có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mỗi chuyển ra khơi ngư dân mang tâm lý phải đối mặt với điều đó, nên kể chuyện nghề là cách để giải tỏa áp lực.

“Nghề biển rất mắc, phải tích lũy nhiều kinh nghiệm thì mới cầm trịch phương tiện đi khai thác, thứ nhứt là mang lại hiệu quả cho bạn biển, thứ hai là có thể phòng tránh mối hiểm nguy biển giã. Ví dụ như chuyện coi nước đánh mành, chỉ có chủ thuyền mới quyết định” - ông Long nói. “Coi nước” là cách dò đoán độ sâu, hướng chảy của các tầng nước biển mà thực hiện việc thả vàn mành bắt cá hiệu quả.

Khi tập trung về giếng làng, câu đầu tiên như lời chào là ngư dân hỏi nhau “hồi tối đỏ ở đâu”, có nghĩa là đánh bắt ở tọa độ nào, sau đó mới kể tiếp về chuyện nước nôi, cá mắm, ghe thuyền... Ông Long nói: “Bây giờ thì khác rồi, nhà nào cũng có máy bơm nước, ghe nào cũng có máy định vị, bộ đàm... nên không ai tập trung ở giếng nữa”!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kể chuyện quanh giếng làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO