Vu lan - mùa báo hiếu, mùa nhắc nhở những người con sống tròn đạo hiếu, trọn đạo làm người. Vu lan còn để mỗi người tự soi chiếu lòng mình. Để biết, “ngày còn nghe hơi ấm mẹ cha”, là những ngày hạnh phúc nhất...
“Bông hồng cài áo” là một đoản văn tuyệt đẹp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết vào năm 1962. Từ đoản văn này một nghi thức đặc biệt mang tên “Bông hồng cài áo” trong dịp lễ Vu lan cũng đã được ra đời.
“Ngày Vu lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ, bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát nước thì uống” - trích trong đoản văn “Bông hồng cài áo”.
Lễ Vu lan, còn được gọi là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ quan trọng trong Phật giáo và truyền thống Việt Nam. Mùa Vu lan được xác định là nguyên cả tháng Bảy âm lịch. Đặc biệt trong dịp lễ này có một nghi thức mang tên “Bông hồng cài áo” đúng vào ngày rằm.
Bông hồng trên ngực mang ý nghĩa tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế với con cháu. Nghi thức này là một nét đẹp không chỉ dành riêng cho người theo Phật giáo mà còn lan tỏa trong đời sống tinh thần của người Việt.
Nghi lễ Bông hồng cài áo lần đầu tiên được thực hiện tại chùa Xá Lợi ở Sài Gòn vào năm 1962.
Đoản văn Bông hồng cài áo được Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết trong một căn lều bằng gỗ tại Camp Ockanickon, Medford thuộc tiểu bang New Jersey của Mỹ. Trong đoản văn này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh giới thiệu tục lệ cài một bông hoa trên áo trong ngày Mother’s Day của người Nhật.
Ông viết: “Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục lệ cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu lan”. Thiền sư cho biết bông hoa mà cô sinh viên người Nhật cài cho ông trong ngày Mother’s Day ở Đông Kinh là hoa cẩm chướng, không phải hoa hồng.
Đoản văn Bông hồng cài áo đăng nguyên bài lần đầu tiên trong Tập san Liên Hoa của Giáo hội Tăng già Trung Phần vào năm 1962 dưới tựa đề là Nhìn kỹ mẹ. Nội dung của đoản văn đã tạo nên sức hút mạnh cho người đọc, đặc biệt với giới Phật tử trẻ tuổi ở Sài Gòn thời bấy giờ. Dưới tựa đề Bông hồng cài áo, đoản văn được chép thành hàng ngàn bản lưu hành và phổ biến trong các đoàn Phật tử, học sinh, sinh viên khắp Sài Gòn.
Dịp lễ Vu lan năm 1962, Đoàn sinh viên Phật tử Sài Gòn thực hiện nghi thức Bông hồng cài áo tại chùa Xá Lợi. Trong buổi lễ, ban tổ chức mời tất cả người dự lễ nếu còn mẹ cài một bông hoa hồng màu đỏ lên áo, những người mất mẹ cài một bông hoa hồng màu trắng trên áo. Sự kiện này được ghi nhận là nghi thức Bông hồng cài áo đầu tiên tại Việt Nam.
Năm 1964, Nhà xuất bản Lá Bối (Sài Gòn) đã ra mắt độc giả bằng quyển Bông hồng cài áo, quyển sách được in khổ dài để có thể bỏ vào bì thư gửi tặng bạn bè trong ngày Vu lan. Quyển sách này cũng đã được tái bản nhiều lần. Năm 1965 đoàn cải lương Thanh Nga đã dựng và trình diễn vở Bông hồng cài áo. Vở diễn gây xúc động mạnh trong công chúng miền Nam. Ngoài ra Bông hồng cài áo cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Hoa, Nga, Thái Lan và tiếng Lào.
Vào những năm 1965-1966, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã xin phép Thiền sư Thích Nhất Hạnh để lấy những ý tưởng trong đoản văn Bông hồng cài áo viết thành một ca khúc cùng tên. Bông hồng cài áo một lần nữa được nhiều người biết đến hơn bởi giai điệu và ca từ ngọt ngào tình cảm về tình mẫu tử làm rung động con tim của biết bao nhiêu người.
Bông hồng cài áo cũng được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam chọn để hát trong dịp Vu lan, trong số đó có Thái Thanh, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Miên Đức Thắng, Nguyễn Hưng, Cẩm Vân, Quang Linh, Bằng Kiều, Đan Trường, Mạnh Quỳnh, Long Nhật…
Chúng ta đang sống những ngày của mùa Vu lan báo hiếu. Dù là người theo đạo Phật, hoặc không phải là đạo Phật, nhưng khi đọc đoản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và nghe những giai điệu tuyệt đẹp cùng những ca từ chứa chan tình cảm về tình mẫu tử của cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, chắc chắn sẽ có những cảm xúc rất đặc biệt và vô cùng thiêng liêng khi nghĩ về đấng sinh thành.
Khi rải những cánh hoa cho người thân nằm xuống, là biết yêu thương với người còn sống nhân lên bội phần, vì gói ghém cả phần người đi xa…
TRÔI CÙNG KÝ ỨC
Tháng 10/2021, dịch COVID-19 đang trong giai đoạn căng thẳng. Cha yếu dần, bệnh viện cho về nhà. Hai chị em N.T, một ở Úc, một ở Nhật xoay xở để mua được vé trên “chuyến bay giải cứu”. Quy định lúc đó ngặt nghèo, công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước phải cách ly 15 ngày. Hai chị em vừa đặt chân đến địa điểm cách ly (tại một khách sạn ở Hội An) thì ở quê nhà, cha trút hơi thở cuối cùng, không kịp chờ các con về.
Quýnh quáng khi chỉ còn vài giờ phải tiến hành thủ tục cho cha. Chỉ mong được nhìn mặt cha lần cuối trước khâm liệm nên hai chị em đã tận dụng mọi quan hệ thân sơ, kể cả những người chưa hề quen biết, để có thể mang bảo hộ kín từ đầu tới chân về nhà. Quãng đường từ Hội An về Đại Lộc chưa bao giờ trở nên gập ghềnh và xa xôi đến vậy. Mười phút ngắn ngủi được ở bên cha trong hoàn cảnh không tiếp xúc bất kỳ ai theo cam kết khi ấy còn in hằn tâm khảm. Ân tình của người tạo điều kiện để chị em cô được về bái biệt cha, hẳn cũng là thứ để cô tin rằng, sự tử tế luôn tồn tại trong nhân gian.
Dẫu không thể rải một nắm hoa trên huyệt cha, nhưng an ủi phần nào, nếu không nỗi bứt rứt sẽ theo suốt ngày tháng sau này với câu hỏi không thể trả lời, tại sao mình không về sớm hơn một chút. Chuyện của cha, bây giờ thi thoảng N.T nhắc lại, chỉ để tự biết tự nhắc mình, dồn cả yêu thương về mẹ.
Mẹ nói, với ông bà tổ tiên, mồ mả sẽ như cái neo giữ con cháu với cội nguồn. Thế giới dù phẳng đến đâu, cũng phải có chỗ neo con người ta lại. Phải chăng, đó là di sản của lòng hiếu thảo mà mẹ dạy chúng tôi?
Tôi mất cha sớm, nên hiểu những trống rỗng mà hai chị em N.T trải qua.
Mùa thu này, tròn 30 năm ngày cha tôi rời trần gian. Ngày chị em chúng tôi rải nắm đất cho cha 30 năm trước, như đã mờ mịt nhưng lại cứ rõ dần theo nếp nhăn mỗi mùa mưa qua trên trán mẹ.
Tôi đọc đâu đó, lâu rồi không còn nhớ rõ, đại ý Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng, thương mẹ không phải là nghĩa vụ mà đó là một ân huệ được thụ hưởng và mỗi người con diễm phúc vì có mẹ. Chúng tôi còn mẹ. Diễm phúc nhân vạn lần.
VỀ BÊN MẸ ĐÊM GIAO THỪA
Mẹ chỉ cho chúng tôi chỗ sau này mẹ sẽ nằm. Ngọn núi nhấp nhô. Cả dãy núi xưa cao với bạt ngàn rừng keo trồng, bây giờ thấp xuống, trơ trụi. Án ngữ phía mặt tiền là các khu, cụm công nghiệp. Phía sau được quy hoạch thành nghĩa trang nhân dân.
Hơn 15 năm trước, mẹ chọn mua đất sinh phần phía dãy núi đó. Khi người lớn trong nhà lo mua đất sinh phần gia tộc, thì mẹ cũng chọn mua cho mình và cả phần cho con cháu. Mặc kệ chúng tôi cho rằng, thời của chúng tôi sẽ không địa táng mà hỏa táng cho phù hợp văn minh.
Mẹ nói, với ông bà tổ tiên, mồ mả sẽ như cái neo giữ con cháu với cội nguồn. Thế giới dù phẳng đến đâu, cũng phải có chỗ neo con người ta lại. Phải chăng, đó là di sản của lòng hiếu thảo mà mẹ dạy chúng tôi?
Cha tôi mất khi tôi học lớp 8. Suốt những năm tháng sau đó, mỗi năm tôi mơ thấy cha một lần, vào tháng có giỗ cha. Thường chỉ là nghe ông dặn dò chuyện nọ chuyện kia, không đầu không cuối. Đều đặn tôi được gặp cha như thế, nhìn thấy cha mập ốm vui buồn theo giấc mơ chập chờn. Cho đến khi tôi ra trường, lao vào đời kiếm sống. Từ thuở nọ đến mùa giỗ này, tôi chưa gặp lại cha lần nào.
Nghe tôi kể, bạn nói, vì đó là khi ông yên tâm rồi, ông đi vào cõi siêu thoát rồi.
Ngày còn là sinh viên ở Huế, bạn tu ở chùa làng thường kể chúng tôi nghe chuyện hiếu đạo trong những đêm ngồi xem quỳnh nở. Trong sắc trắng muốt của hoa quỳnh, chúng tôi gõ phách ca bài “Rồi mai đây tôi sẽ chết/Trên đường về nơi cõi niết/ Tôi sẽ không đem theo với tôi những gì đâu!…”. Chúng tôi đã cãi nhau không hồi kết, rằng ông Phạm Duy sai đúng chỗ nào, bởi trên đường về nơi cõi hết đó, có thứ gì chúng ta mang theo được, để vòng luân hồi hiện hữu, để bất kỳ ai trên cõi đất trời đều có mẹ có cha.
Em trai tôi tha phương xứ người, hành trang gói theo có tấm hình của cha. Để thắp cho cha nén nhang, ấm những đêm xa xứ, đủ nghị lực ưỡn ngực mà sống. Dù cực nhọc bao nhiêu cũng tự nhủ, mỗi năm về quê ăn mâm cúng đêm giao thừa với mẹ.
Những đứa con mồ côi cha sớm, hẳn mạnh mẽ hơn nhiều, bởi cảm thêm phần yêu thương và trách nhiệm trụ cột từ mẹ. Đời người, khi lớn lên, già đi, có những cơn mưa trôi sạch trí nhớ nhiều thứ.
Nhưng khi cầm bàn tay mẹ, hít thở sâu, cảm nhận máu huyết chảy trong người cùng dòng máu của mẹ, từ dòng máu của mẹ, sẽ không quên được thứ gì từ mẹ!
Thương ba mẹ cả đời lam lũ, những đứa con sau khi nghỉ hưu đã quang gánh đưa nồi xí mà nóng hổi ra ngồi vỉa hè bán cho khách.
“Làm xí mà bán cho bà con phố cổ ăn mỗi sáng không chỉ là nghề mưu sinh mà đã trở thành ký ức, hoài niệm và hạnh phúc cho tới ngày nhắm mắt lìa trần của ba tôi. Giờ mẹ đang vào những ngày cuối đời, thương mẹ nên chúng tôi thay nhau quang gánh ra vỉa hè mỗi sáng để ba mẹ an lòng” - bà Ngô Thị Thị, con gái của cặp vợ chồng gánh xí mà nổi tiếng Hội An, ngồi bên mẹ rồi nói trong rưng rưng.
GHÉ VAI THAY CHA MẸ
Nằm bên giếng cổ Bá Lễ, nhà của cụ Ngô Thiểu (mất năm 2022, thọ 108 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Hạnh (100 tuổi) là cơ sở trình diễn món ăn cổ xí mà phù. Ngôi nhà cấp 4 nằm sâu sau khoảnh sân dài, phía trước có giàn hoa và một cây bưởi luôn trổ bông với những chùm quả trĩu cành là minh chứng cho thời gian cùng những thế hệ gắn bó với ngôi nhà.
Buổi chiều tháng 8, một nữ khách nước ngoài đi bộ tới hỏi vài câu gì đó rồi vào gian chính tham quan. Vị khách này sau đó bước ra, để lại ngôi nhà trống trải mênh mông với hình ảnh người mẹ già nua ngồi khòm lưng nhìn vô định vào thời gian đang tới.
Cụ bà này chính là cụ Nguyễn Thị Hạnh, vợ của cụ Ngô Thiểu. Lúc chồng còn sống, cụ Hạnh cùng chồng mỗi sáng lại quang gánh ra phố ngồi ở vỉa hè đường sát phố cổ để bán xí mà cho trẻ con, người dân Hội An. Từ khi cụ Thiểu mất, cụ Hạnh cũng yếu hẳn và quanh quẩn dưới mái nhà xưa.
Ông Ngô Bảo - con trai của cụ Hạnh là một thầy giáo được nhiều bà con Hội An biết đến. Ông Bảo giờ đã về hưu, sống cùng người vợ là Huỳnh Thị Em trong ngôi nhà được dựng lên ngay khoảnh đất của ba mẹ. Ông Bảo nói ba mẹ mình có nhiều con, nhưng chiến tranh rồi nhiều mất mát khiến nay còn lại ông cùng hai em gái là Ngô Thị Thị, Ngô Thị Mỹ.
Nhờ gánh xí mà phù nhọc nhằn nửa đời người của ba mẹ, ông Bảo và hai đứa em gái trưởng thành, đi làm viên chức nhà nước. Nhưng điều rất thú vị đó là thay vì gánh xí mà phù sẽ hết người nối nghiệp thì những đứa con của cụ Thiểu, cụ Hạnh lại quay về ghé vai thay ba mẹ đưa nồi xí mà ra phố.
TRUYỀN NHÂN CỦA GÁNH XÍ MÀ
Buổi chiều ghé vào gian nhà của cụ Hạnh chúng tôi thấy có 4 người gồm các cháu, cô con gái Ngô Thị Thị đang phân chia nhau dọn nhà, chuẩn bị nồi xí mà phù phục vụ khách tham quan. Ở chiếc giường nhỏ, cụ Hạnh ngồi móm mém nhai trầu, thỉnh thoảng lại ngoái cổ rướn ra ngoài khi thấy có tiếng bước chân lạ.
Ông Bảo kể rằng ba mẹ mình lớn lên ở Hội An, nuôi đàn con khôn lớn bằng gánh xí mà phù. Từ nhỏ mấy anh em đủ trí nhớ đã thấy ông bà dậy sớm lục đục dọn hàng, xay bột, trộn đường thổi lửa nấu nồi xí mà phù nóng hổi rồi ghé lưng gánh qua giếng cổ Bá Lễ. Hình dáng gầy guộc, mỏng manh của ba mẹ ông cứ thế đi vào tâm trí, tình thương yêu trong mỗi đứa con.
Cả mấy anh em lớn lên rồi được vào đại học. Ông Bảo và bà Thị trở thành giáo viên, bà Ngô Thị Mỹ thì làm kế toán cho công ty yến sào. Ai cũng có công ăn việc làm và tự thấy biết ơn công lao nhọc nhằn của ba mẹ nên chưa một ai muốn rời xa mái ấm thân quen gắn bó từ nhỏ với mình.
Khi ông Ngô Thiểu yếu dần và không thể cùng vợ tiếp tục gánh xí mà ra phố phục vụ cho bà con Hội An, nhiều người âu lo rằng gánh hàng đi vào tiềm thức bao thế hệ người Hội An này sẽ nằm lại góc nhà. Nhưng rất bất ngờ, các người con của ông bà, dù là giáo viên, viên chức nhà nước nhưng sẵn sàng nghỉ hưu sớm để về thay ba mẹ gánh hàng ra phố.
Bà Ngô Thị Thị nói rằng năm 2011 khi thấy ba mẹ quá già yếu, nhưng vẫn không chịu nghỉ ngơi thì bà bàn với các anh em trong nhà nghỉ hưu “non” nghề dạy học, lúc đó bà mới 50 tuổi để về thay ba mẹ gánh xí mà.
Gánh xí mà này không chỉ đẹp ở câu chuyện của cô con gái kế nghiệp, mà còn đẹp như đóa sen thơm của mùa Vu lan khi được tiếp tục trao qua vai người con dâu của cụ Hạnh, cũng là vợ của ông Bảo - bà Huỳnh Thị Em (64 tuổi).
Bà Em cũng là giáo viên về hưu, khi thấy em chồng mình nhiều năm giữ nghề thay ba mẹ chồng, cách đây ít năm bà Em cũng tự nguyện ghé vai thay em gánh xí mà ra ngồi vỉa hè đường bán.
Mỗi gánh xí mà cả một sáng chẳng bõ bèn tiền công, tiền nguyên liệu nhưng bà Em cũng như chồng, con cháu lẫn các thành viên không mấy bận tâm. Cái quan trọng nhất là họ muốn duy trì nghề, muốn ba mẹ thấy gánh xí mà của mình vẫn còn được con cái nâng niu giữ gìn.
“Mẹ lại video call, phiền ghê, nhắc bao nhiêu lần rồi mà mẹ cứ vậy” - tôi tắt ngang cuộc gọi của mẹ, quay qua phân trần với mấy người bạn đang ngồi kế bên. Nhưng ngay lúc đó, tôi biết mình đã sai. Tôi là ai? Tôi đang làm gì? Tôi đã đối xử với mẹ như thế nào?
“MẸ PHIỀN QUÁ!”
Mỗi lần mẹ ứng xử kiểu nhà quê, tôi lại bảo “mẹ phiền ghê”.
Tôi tự cho rằng mình được học hành, có hiểu biết, văn minh hơn mẹ. Mẹ cũng chấp nhận rằng, mẹ nhà quê, ứng xử, hành động không hiện đại nên mặc định là sẽ im lặng mỗi lần con trai phản ứng.
Con trai hoạt động mạnh trên Facebook, rất đông người theo dõi. Lắm khi, vì “say like”, con đu trend, mạnh mẽ lên tiếng đối với các vấn đề nóng. Cũng đôi khi, sa đà tấn công, phê phán một cá nhân nào đó đang được công chúng quan tâm. Lời lẽ con viết có khi quá quắt, cay nghiệt. Mẹ cũng có kết bạn con trên Facebook nên đọc thấy, lo lắng.
Mẹ gọi, bảo “con à, sự việc chưa rõ, người ta sai thật đó nhưng thật ra không biết đàng sau là gì, người ta cũng không đụng đến con, sao con phải viết nặng như vậy? Hay là con xóa bài đi?”. Ngày hôm sau, mẹ lại gọi: “Nhiều người bình luận xúc phạm người ta quá con ạ, hay là con xóa bài đi kẻo mang tội, được không con?”. Con trai bực: “Con đang bận và căng thẳng bao việc mà mẹ cứ vậy. Mẹ phiền quá”.
Cuộc trò chuyện đi vào ngõ cụt bằng câu “mẹ phiền quá”. Lần nào cũng vậy.
Đôi khi, tôi thấy mình thật tệ. Tôi đã từng nửa đùa nửa thật với bạn bè rằng, chơi Facebook, sai lầm lớn nhất là kết bạn với mẹ. Tụi bạn của tôi còn cười nắc nẻ tán thành.
Mẹ tôi đẻ 8 đứa con. Bố tôi mất sớm. Một mình bà nuôi các con ăn học nên người. Rồi cả 8 đi Sài Gòn lập nghiệp, một mình bà lủi thủi ở quê.
Mỗi buổi tối, bà sẽ nấu một bữa cơm đơn sơ, dọn lên bàn, bới chén cơm và bắt đầu việc bà thích nhất trong ngày: trịnh trọng gắn điện thoại lên giá đỡ, video call một vòng cho các con.
Bà sẽ gọi ngẫu nhiên, nhớ đứa nào gọi trước đứa đó. Có đứa bắt máy và bảo “con đang ngoài đường, vậy nha mẹ”; có đứa nói nhanh “con đang tiếp khách chút, con gọi mẹ sau nha”; có đứa tắt ngang.
Bà đảo qua một vòng, trong 8 đứa, thể nào cũng gọi được vài đứa. Khi ấy, bà sẽ ngồi tư thế mà bà thích nhất: gác một chân lên ghế, tay xúc đồ ăn, miệng vừa trệu trạo cơm vừa tám qua video call.
Bà sẽ kể đầu gối đau thế nào, đi khám bác sĩ bảo ra sao. Bà sẽ than ăn một mình chán lắm, nấu nồi cơm ăn từ sáng đến tối chưa hết. Bà kể có con gà mới bị rù (dịch) vừa ngoẻo cổ. Bà kể hàng xóm có con gái mới cưới, chúng nó cưới gấp như vậy vì bụng lù lù rồi. Bà kể trong dòng họ có ai đó mới đi xuất khẩu lao động.
Khi thật rảnh và trong không gian riêng tư, tôi mới bốc máy. Tôi tranh thủ hỏi sức khỏe của mẹ và dặn mẹ uống thuốc. Nhưng thường thì tôi sẽ không bốc máy những cuộc video call.
Tôi có tương lên Facebook một bài đả phá hành động video call mà không báo trước. Với tôi, nếu không nhắn hỏi trước mà video call là mất lịch sự. Nên có lần, tôi cáu với mẹ: “Mẹ này, con dặn mẹ nha, mẹ đừng có đường đột gọi video cho mọi người. Vì mẹ đâu biết lúc đó họ có sẵn sàng hiện hình cho mẹ xem đâu. Kể cả con cũng vậy, nếu cần thì mẹ gọi âm thanh được rồi. Khi nào thật cần thiết mới gọi video”. Mẹ tiu nghỉu.
Từ đó, mẹ ít gọi cho tôi vì sợ tôi góp ý. Và mẹ tiếp tục video call với 7 đứa còn lại.
TIẾC GÌ CHO MẸ MỘT LIKE!
Một thời gian dài, tôi không thấy mẹ gọi. Có việc gì cần, mẹ nhắn cho các em để chúng nhắn lại cho tôi. Tôi đâm nghĩ ngợi.
Ở ngoài xã hội, tôi luôn thể hiện tốt vai “hoa hậu thân thiện”. Tôi luôn nhã nhặn, vị tha, vui vẻ, hài hước, mang niềm vui đến cho mọi người và có kha khá người hâm mộ. Nhưng sao tôi lại khắt khe với mẹ mình như vậy?
Khi một người dưng comment hay inbox phản biện vấn đề gì đó với tôi, tôi chuẩn bị tâm thế nhã nhặn, tôn trọng để trao đổi trở lại. Trao đổi sao để người đó vui vẻ chấp nhận quan điểm của tôi. Từ nghịch quan điểm, sau đó trở thành bạn của nhau.
Còn mẹ của mình thì sao? Mẹ vừa góp ý tôi đã kết luận “mẹ phiền quá!”.
Với người ở quê, việc vô thức gọi video là bình thường. Gọi video thì được nhìn thấy nhau ngay, thay vì đến gặp - bấm máy là nhìn thấy nhau, chẳng phải quá tiện hay sao?
Còn việc lịch sự, tôn trọng riêng tư, có cần nghiêm trọng hóa vấn đề hay không? Vả chăng, một bà mẹ mang nặng đẻ đau, ẵm bồng, vỗ về chăm sóc qua bao ngày tháng, nay con ở xa, nhớ tụi nó, bấm video call để thấy hình hài tụi nó, coi nó béo gầy thế nào, coi nó có ốm đau gì không, nhìn ánh mắt nụ cười của nó, có gì mà quá đáng?
Video call mà không tiện bốc máy, con có thể tắt màn hình và dùng âm thanh với mẹ cơ mà! Kết bạn Facebook với mẹ, để mẹ xem tâm trạng của con mỗi ngày, để mẹ đọc được suy nghĩ của con, để mẹ xem và đồng hành cuộc sống của con, sao con lại block mẹ?
Tôi và một số người trẻ khác thường phạm sai lầm là mặc định “người già gây phiền”. Đối với mẹ mình mà nghĩ như vậy, rõ là bất hiếu.
Gần đây, tôi chủ động “mời kết bạn” trở lại với mẹ. Cũng hơi “quê” nhưng tôi quyết định làm như vậy. Tất nhiên, mẹ đồng ý.
Mẹ và nhóm bạn già rủ nhau đi du lịch. Mẹ đến đâu cũng bấm “livestreams”. Màn hình chiếu cây cỏ dập dềnh theo bước chân của mẹ, ống kính tua ngang giật dọc ngoài bãi biển mẹ tắm, nội dung tùm lum tùm la nhưng hình như mẹ đang rất vui.
Mẹ muốn live để chia sẻ niềm vui đó. Phiên live của mẹ có 2 người xem. Tôi ngồi xem hết phiên live của mẹ và comment: “Vui quá mẹ ạ. Con ước được đi chơi cùng mẹ”. Tôi comment xong, tự nhiên nước mắt cứ chảy ra.
Mùa Vu lan báo hiếu. Nếu không chạy về nấu cho mẹ bữa cơm, nếu không về ôm mẹ thì tiếc gì cho mẹ một like. Mẹ có thể chưa thật văn minh, mẹ có thể vụng về trên mạng. Nhưng hẳn rằng, người con hiếu thảo là người con không block mẹ.
Nội dung: TIỂU VŨ - PHAN HOÀNG - CẨM PHÔ - TRẦN TRIỀU
Trình bày: MINH TẠO