Để các sản phẩm từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến du lịch tạo được dấu ấn mạnh mẽ, ngoài chất lượng, mẫu mã, mỗi sản phẩm phải “kể” được trong đó hành trình, thậm chí là giá trị văn hóa mình có...
Ông Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý, huyện Thăng Bình (ngoài cùng bên trái) cùng xã viên luôn tìm cách gia tăng chất lượng sản phẩm... Ảnh: XUÂN HIỀN |
Yêu cầu trên cũng chính là điều mà Tomoda Yoshinori, điều phối viên dự án về đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản ở các làng nông - ngư nghiệp, đang thực hiện tại xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, TP.Hội An). Với Tomoda Yoshinori, mỗi sản phẩm đưa ra thị trường đều hàm chứa trong đó câu chuyện của quá trình sản xuất, lược sử văn hóa..., và đó là những điều người tiêu dùng đang bắt đầu quan tâm, có nhu cầu tìm hiểu.
Dấu ấn địa phương
Điều Tomoda Yoshinori tâm huyết khi thực hiện các dự án tại những ngôi làng di sản cũng chính là nội dung mà chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP buộc phải làm trong tương lai. Chuyển tải thông tin về quy trình sản xuất, nguyên liệu, lịch sử về không gian hình thành trên mỗi sản phẩm đặc trưng được chọn của địa phương sẽ tạo niềm tin với khách hàng. Các sản phẩm nằm trong dự án do JICA cũng như Đại học Nữ Chiêu Hòa thực hiện tại Cù Lao Chàm năm 2018 này cũng nằm trong dự liệu tham gia quy trình OCOP cho các giai đoạn sau ở Quảng Nam. Theo Tomoda, du lịch cộng đồng tại các địa phương của Quảng Nam hiện nay mới chỉ tận dụng lợi thế địa lý cũng như cảnh sắc, đặc sản mà chưa kết nối thông tin từ quá khứ cũng như liên kết giữa các sản phẩm du lịch với nhau. “Dự án đa dạng hóa sinh kế thông qua du lịch di sản tại các bản làng nông - ngư nghiệp vùng sâu vùng xa” do JICA tài trợ chọn Cù Lao Chàm để thực hiện nhằm thông qua nguồn tài nguyên và nhân lực của địa phương giúp cải thiện đời sống người dân. Triển khai từ tháng 1.2016, đến nay dự án đã thực hiện tham vấn cộng đồng cũng như hỗ trợ hình thành các homestay và bảo lưu nghề ngư nghiệp truyền thống trong một số cộng đồng dân cư…
Cũng như vậy, OCOP là một quy trình phát triển mang đến cơ hội cho các vùng nông thôn từ chính sản vật địa phương của mình. “Đó có thể là sản vật chỉ ở vùng đất đó mới có, hoặc cách thức làm ra sản phẩm theo bí quyết gia đình mà cha ông truyền qua từ nhiều đời. Một chương trình phát triển sản phẩm dựa vào đặc trưng, có quy chuẩn và gắn theo chuỗi giá trị như OCOP là rất cần thiết ở mỗi địa phương” - PGS-TS. Trần Văn Ơn, tham vấn cho chương trình OCOP Quảng Nam chia sẻ. Điều đặc biệt của OCOP, theo TS. Trần Văn Ơn, là đều xuất phát từ chính vùng đất hình thành nên sản phẩm, từ nguyên liệu đến người sản xuất. Mỗi sản phẩm mang một dấu ấn địa phương và sẽ “kể” cho người mua. Ông Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý (huyện Thăng Bình) cho biết: “Hiện tại các sản phẩm do xã viên HTX làm đều ghi lại tư liệu hành trình sản xuất nhằm tạo độ tin cậy cho khách hàng. Trong tương lai, bao bì các sản phẩm đều phải giới thiệu ngắn ngọn về quy trình, nguyên liệu sử dụng làm nên sản phẩm”.
Kỳ vọng vào OCOP
Một đặc sản địa phương cộng thêm câu chuyện hay từ quá trình sản xuất để dễ dàng đi tiếp thị, hoàn toàn có thể thành công với cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Thế nhưng không phải sản phẩm nào cũng gặp may mắn và thuận lợi như vậy. Nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Lan - HTX Dệt thổ cẩm Za Ra (xã Ta Bhing, huyện Nam Giang) tham gia chu trình OCOP bởi muốn tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Các sản phẩm của Za Ra đều được làm từ đôi tay của người phụ nữ Cơ Tu, với quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công; chưa kể đây là một trong những nghề lâu đời, gắn bó với đời sống của người Cơ Tu. Tuy có xuất phát điểm thuận lợi như vậy, nhưng sản phẩm truyền thống thổ cẩm Za Ra hầu như bị “bí” đầu ra. Bà Nguyễn Thị Kim Lan cho biết, dù đã tham gia rất nhiều hội chợ, triển lãm cũng như các sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài tỉnh, nhưng với giá thành khá cao, thổ cẩm Za Ra không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng dòng. Bởi thế, sau một thời gian đầu nhận được sự hỗ trợ từ FIDR cũng như ILO để phục hồi, nghề dệt thổ cẩm Za Ra hiện nay vẫn đứng trước cảnh chật vật. Bà Lan hy vọng rằng, khi thổ cẩm Za Ra tham gia OCOP và kể được câu chuyện về mình, lối ra cho nghề truyền thống này sẽ được mở rộng.
Ở một góc độ khác, khi quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày càng mạnh mẽ, việc đào tạo nghề để nông dân chuyển đổi nghề nghiệp đang được các địa phương trông mong nhằm tránh tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một trong những điểm mạnh để người dân quan tâm đến việc tham gia OCOP. Ông Nguyễn Văn Thừa - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Điện Bàn chia sẻ: “Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp vì nhường chỗ cho các dự án du lịch, thương mại dịch vụ, công nghiệp thì Nhà nước phải đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề cho nông dân. Khi nông dân có nghề mới đẩy mạnh các chương trình, hoạt động của tổ hợp tác, dịch vụ - thương mại, kể cả trang trại, trên địa bàn”. Cũng như vậy, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý nói thêm, việc kỳ vọng vào OCOP cũng chính là mong một sự kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân, ngõ hầu tìm kiếm thị trường ổn định.
Hơn 30 sản phẩm tham gia OCOP năm nay sẽ là cú hích giúp hồi sinh giá trị của nông sản xứ Quảng, cũng như mở thêm chiều kích về việc phát triển chuỗi nông sản đã hình thành.
XUÂN HIỀN