Kể chuyện về nhà trưng bày Mỹ Sơn

THƯỢNG HỶ - THANH TÙNG 17/09/2023 07:26

Nhà trưng bày Mỹ Sơn được xếp hạng công trình kiến trúc tiêu biểu trong năm 2007 của tạp chí Kiến trúc Nhật Bản.

Bải và ảnh giới thiệu nhà trưng bày Mỹ Sơn trên tạp chí Nhật Bản.
Bải và ảnh giới thiệu nhà trưng bày Mỹ Sơn trên tạp chí Nhật Bản.

Đã gần 16 năm kể từ khi công trình Nhà trưng bày Mỹ Sơn, một công trình do JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) tài trợ được khánh thành đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ và phát huy giá trị của một di sản văn hóa mang tầm quốc tế.

Bản thiết kế đặc biệt

Chúng tôi còn nhớ như in những ngày đầu tiên được cử tham gia Dự án xây dựng Nhà trưng bày Mỹ Sơn cùng với các chuyên gia Nhật Bản, với bao khó khăn về điều kiện vật chất, công tác giải phóng mặt bằng và những rào cản thủ tục hành chính.

Yêu cầu của phía các chuyên gia là phải xây dựng công trình ngay tại cổng ngõ chính lối vào Mỹ Sơn, bởi đây một công trình dạng bảo tàng tại chỗ (Site Museum) với mục đích cung cấp thông tin ban đầu cho du khách trước khi vào tham quan di tích.

Trong khi đó, chỗ làm việc duy nhất của Ban quản lý (BQL) Di tích Mỹ Sơn (nay là BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn) nằm bên bờ suối Khe Thẻ với diện tích khá chật hẹp lại là địa điểm thích hợp mà các chuyên gia một mực muốn lựa chọn để xây dựng công trình.

Lãnh đạo tỉnh và huyện đã có nhiều cuộc họp để đưa ra quyết định táo bạo, là tạm thời dời Văn phòng BQL Di tích Mỹ Sơn vào bên trong Trạm dừng nghỉ để làm việc, nhường lại mặt bằng triển khai dự án.

Với thời gian chỉ 8 tháng thực hiện và hoàn thành dự án, trên diện tích 5.400m2, diện tích xây dựng 1.466,25m2, diện tích sàn 1.299,75m2, một công trình xây dựng với công năng là bảo tàng tại chỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế được hoàn thành.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Takeuchi Akihiko, tác giả của công trình kiến trúc này, đã thành công trong việc truyền đạt ý đồ kiến trúc của mình qua các bản vẽ thiết kế. Trong đó, tôn chỉ của ông là: công trình phải gây được ấn tượng đối với du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên khi họ đến đây và họ có cảm giác phải vào xem bên trong có gì.

Tuy nhiên, ông không muốn xây dựng theo kiểu mô phỏng kiến trúc của những ngôi tháp bên trong thung lũng Mỹ Sơn. Thay vào đó, nhà trưng bày được thiết kế khá hiện đại, không quá cao lớn mà phải rộng rãi, thoáng mát và gần gũi, hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên nơi đây.

Đáng chú ý là ý tưởng tận dụng ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm năng lượng, sử dụng các lá sách thông gió và tận dụng ánh sáng trên các đỉnh tường để đưa ánh sáng thiên nhiên vào bên trong, khắc phục tình trạng bưng bít không khí gây ẩm mốc bên trong công trình.

Phần trần mái che được đổ bê tông không trát để tạo cảm giác êm dịu và tạo được một lượng bóng râm tương đối lớn che phần ban công và hành lang phía trước cũng như sau công trình. Phần móng của công trình được thi công đặc biệt kiên cố do ở bên bờ suối Khe Thẻ.

Các chuyên gia kiến trúc có đưa ra giả thuyết rằng nếu có sự cố về sạt lở nền móng, thì cả công trình sẽ xô lệch hoặc trôi đi như một con tàu biển mà không hề ảnh hưởng tới các chi tiết kiến trúc bên trên.

Nhìn tổng thể, cả công trình có hai phần đối xứng nhau, bên ngoài là khu phục chế, lưu trữ và nghiên cứu các hiện vật khai quật, nửa bên trong là gian trưng bày, tâm điểm của công trình. Khu vệ sinh được thiết kế theo đường vòng cung màu trắng rất trang nhã trước khi du khách bước đến nơi soát vé để qua cầu Khe Thẻ vào tham quan di tích.

Công trình của tình hữu nghị

Chúng tôi rất khâm phục tinh thần làm việc khẩn trương và khoa học của các chuyên gia tư vấn thiết kế cũng như nhà thầu thi công dự án. Qua quá trình thi công, có rất nhiều sự thay đổi trong bản vẽ thiết kế ban đầu do yêu cầu thực tế của dự án, tuy nhiên, tất cả được thực hiện một cách trôi chảy và tạo sự đồng thuận rất cao từ phía địa phương, đơn vị thi công đến Cơ quan Hợp tác quốc tế và Bộ ngoại giao Nhật Bản.

Đơn cử như đề cương trưng bày là một yếu tố quan trọng của công trình đã được đưa ra lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, thực hiện và điều chỉnh rất nhiều lần liên tục trong 3 tháng đồng thời với thời gian thi công. Mục đích đảm bảo khi công trình hoàn thành là đưa vào sử dụng ngay.

Khởi đầu của đề cương trưng bày là con số không tròn trịa bởi các hiện vật tại Mỹ Sơn đều đã có chỗ đứng của nó không thể di chuyển được, kể cả các hiện vật trong lòng tháp D1 và các hiện vật lớn nhỏ khác ngổn ngang tại khu B, C, D cũng như các hiện vật mới khai quật tại khu vực bờ kè Khe Thẻ.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của địa phương và các chuyên gia, một bộ linga tại nhóm tháp E đã được lựa chọn làm tiêu điểm đầu tiên cho gian trưng bày, tiếp theo là một khối văn bia Chăm và một số hiện vật khác.

Điều đáng quý là các chuyên gia đã lặn lội vào tận Quy Nhơn để thực hiện một phiên bản mái che linga bằng gỗ để trưng bày tại đây, tăng thêm tính phong phú và độc đáo cho nội dung trưng bày, bởi loại kiến trúc gỗ này đã biến mất hoàn toàn tại Mỹ Sơn sau thế kỷ 4.

Ngoài ra, phần lớn thông tin về Mỹ Sơn được đưa đến với du khách thông qua các pa nô, bản vẽ, bản đồ, mô hình, đồ bàn… Tất cả được sắp xếp khoa học để du khách có thể lướt qua một lượt trong vòng 5 phút là có thể nắm bắt được lượng thông tin tương đối đầy đủ trước khi vào di tích.

Được làm việc với các bạn Nhật Bản, cảm nhận những đổi thay đến với Mỹ Sơn sau khi công trình được đưa vào hoạt động, đặc biệt là sau những đợt quảng bá du lịch của tỉnh qua lễ hội “Hành trình Di sản Quảng Nam”, chúng tôi rất vui mừng khi Mỹ Sơn có những thời điểm đón khoảng 1.000 lượt khách/ngày. Đây là một con số mà trước đây Mỹ Sơn chưa bao giờ đạt được khi chưa có công trình Nhà trưng bày Mỹ Sơn.

Mục tiêu cải thiện cảnh quan và nâng cao đời sống cho cư dân quanh di tích theo tiêu chí của một dự án hợp tác phát triển của Chính phủ Nhật Bản đã đạt được đầy thuyết phục.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kể chuyện về nhà trưng bày Mỹ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO