(QNO) - Ban chỉ đạo cấp tỉnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã ban hành Kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch được thực hiện từ cấp độ 2 trở lên. Cụ thể, cấp độ 2: dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong tỉnh; cấp độ 3: dịch bệnh lây lan trên 20 trường hợp mắc trong tỉnh; cấp độ 4: dịch bệnh lây lan trong cộng đồng từ trên 1.000 trường hợp mắc trong tỉnh.
Nguyên tắc triển khai hoạt động là thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ với phương châm “4 tại chỗ”: dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ.
Cấp độ 2: Ban chỉ đạo sẽ chỉ đạo toàn diện việc tăng cường hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh; giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch và cách ly, điều trị triệt để các ca bệnh Covid-19.
Dừng tất cả hoạt động tập trung đông người, các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ thiết yếu, hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí. Bắt buộc người làm công tác giao dịch công, người dân đi ra nơi công cộng phải đeo khẩu trang. Triển khai các tổ y tế thường trực phòng chống dịch 24/24 giờ tại tất cả các tuyến.
Triển khai khẩn cấp các hoạt động khoanh vùng, dập dịch tại các địa phương đang có dịch xảy ra; thực hiện nghiêm túc các biện pháp cách ly y tế, sàng lọc, điều trị, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo.
Trưng dụng Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân V (xã Bình Phục, Thăng Bình), Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ), Trường Đại học Quảng Nam, Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam làm nơi cách ly tập trung cấp tỉnh; đồng thời, tất cả các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly đối với du học sinh, công nhân lao động về nước…
Cấp độ 3: Họp Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo hằng ngày để cập nhật, chỉ đạo triển khai, điều chỉnh kế hoạch hoạt động phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tế, huy động nguồn lực thực hiện các biện pháp chống dịch.
Tăng cường giám sát dựa vào sự kiện, triển khai các biện pháp giám sát, điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý sớm các ổ dịch mới trong cộng đồng; giám sát trường hợp bệnh, chùm ca bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đánh giá nguy cơ thường xuyên để triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp và hiệu quả. Thường trực phòng chống dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế từ tỉnh đến xã; huy động tối đa lực lượng nhân viên y tế tham gia chống dịch.
Thực hiện quyết liệt việc phân tuyến, tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý ca bệnh và theo dõi cách ly triệt để tại cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương; chuyển người bệnh tới bệnh viện tuyến trên khi có diễn biến nặng vượt quá khả năng kỹ thuật của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định…
Cấp độ 4: Ban chỉ đạo phòng chống dịch xem xét đánh giá tình hình dịch bệnh hằng ngày để chỉ đạo triển khai hoạt động tại các đơn vị ở tất cả các tuyến; thông báo mức cảnh báo cộng đồng cao nhất.
UBND các cấp chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của cấp trên, các biện pháp chống dịch và đảm bảo duy trì liên tục các dịch vụ thiết yếu cho xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn. Tiếp tục rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng của các địa phương để chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch và mở rộng việc thu dung điều trị; trường hợp vượt quá khả năng cần báo cáo cấp trên để có hỗ trợ kịp thời; huy động, vận động toàn thể lực lượng xã hội tham gia các hoạt động đáp ứng với dịch bệnh.
Tăng cường giám sát thường xuyên tình hình dịch bệnh. Thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ Covid-19 tại ổ dịch mới để xét nghiệm xác định ổ dịch. Triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch mới. Thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, điều tra và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc.
Thiết lập bệnh viện dã chiến với quy mô 300 - 400 giường bệnh. Khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và bệnh viện các tuyến trên địa bàn đã quá tải không có khả năng thu dung điều trị, sẽ chuyển bệnh nhân đến bệnh viện dã chiến để điều trị. Triển khai mở rộng thêm các cơ sở theo dõi cách ly tại các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, các trường học.
Duy trì hoạt động liên tục của các tuyến để đảm bảo tiếp tục các dịch vụ thiết yếu, bao gồm dịch vụ có các nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng như trẻ em, phụ nữ có thai, người già và người có bệnh mãn tính. Đề nghị các bệnh viện tuyến trên (Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng Trung ương…) điều động nhân lực hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tỉnh - nơi có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp…