Cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế, chú trọng nông nghiệp bền vững nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và tạo nguồn lực cho phát triển... là những mục tiêu mà huyện Phú Ninh hướng đến trong năm 2023.
Tín hiệu khả quan
Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Huỳnh Xuân Chính, năm 2022, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 8.151 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021. Riêng tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 1.215 tỷ đồng, giá trị trên đơn vị diện tích canh tác đạt 77,3 triệu đồng/ha.
“Điều đáng mừng là chương trình sản xuất lúa giống hàng hóa, cánh đồng thu nhập cao, mô hình sản xuất tập trung được thực hiện có hiệu quả, đã mở rộng lên 817ha lúa giống hàng hóa, 3.050ha lúa chất lượng cao và xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao hơn 100 triệu đồng/ha/năm với 1.305ha” - ông Chính cho biết.
Năm 2022, hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp của huyện phát triển khá, với 1.690 hộ tham gia, tăng 52 hộ so với năm 2021, giá trị sản xuất khoảng 749 tỷ đồng, chiếm 26,8% tỷ trọng ngành.
Phú Ninh cũng đầu tư kiên cố hóa hệ thống đường huyện năm 2022; cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa đối với các trường hợp có nhu cầu…
Tuy nhiên, Phú Ninh vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết dứt điểm như cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư; tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu; chậm lập thủ tục chuẩn bị đầu tư công trình trong kế hoạch đầu tư công, triển khai xây dựng các công trình chuyển tiếp kéo dài đến nay chưa hoàn thành...
“UBND huyện xác định do công tác chỉ đạo, điều hành một số nhiệm vụ còn chậm, chưa quyết liệt, giải pháp đề ra chưa cụ thể và hiệu quả. Đồng thời sự phối hợp giữa các phòng, ban, ngành thuộc huyện và các địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời và đồng bộ.
Còn tình trạng không phối hợp tham gia, góp ý công việc chung, đùn đẩy công việc lẫn nhau, nhất là đối với những vấn đề khó, vụ việc tồn đọng kéo dài. Một số trường hợp có biểu hiện sợ trách nhiệm, ngại khó nên dẫn đến thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ” - ông Huỳnh Xuân Chính nhìn nhận.
Tạo đột phá
Năm 2022 Phú Ninh đã tiếp nhận, thông qua đề xuất 15 dự án nghiên cứu đầu tư vào cụm công nghiệp, 7 dự án phát triển nhà ở. Để tạo sức hút cho Phú Ninh, UBND huyện sẽ trình tỉnh tổ chức lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Tam Lộc, Cụm công nghiệp Tam Dân. Đồng thời tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Đồi 30, phấn đấu lấp đầy trong năm 2023...
“Không chỉ thu hút đầu tư, chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động sản xuất, thực hiện quy định về xây dựng tại các cụm công nghiệp.
Qua đó tiếp tục có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, đồng thời kiến nghị tỉnh xử lý đối với những dự án thực hiện không đúng chủ trương đầu tư” - ông Chính nói.
Huyện Phú Ninh chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững trên cơ sở quy hoạch sản xuất nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp, tăng quy mô và giá trị hàng hóa.
Theo đó sẽ duy trì và phát triển các mô hình sản xuất tập trung, có hiệu quả kinh tế cao hiện có tại Tam An, Tam Đàn, Tam Thành và nhân rộng ra các xã Tam Phước, Tam Thái, Tam Dân... Trong năm 2023 phấn đấu thêm 3 sản phẩm OCOP, 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng 33 trang trại đạt chuẩn.
Ông Huỳnh Xuân Chính nhấn mạnh: “Chúng tôi quyết xử lý triệt để các trường hợp chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo điều kiện chăn nuôi. Xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo hướng cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn nhà, tường rào, cổng ngõ theo tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Đây là định hướng để Phú Ninh có thể đạt tổng giá trị sản xuất nông nghiệp 1.288 tỷ đồng và nâng giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích canh tác lên 82,5 triệu đồng/ha trong năm tới”.