Không có nguồn vốn lớn để đầu tư các công trình bê tông kiên cố, hạn chế tình trạng xói lở bờ biển, việc sử dụng biện pháp kè mềm và trồng cây xanh được xem là phương pháp chống sóng biển tạm thời hiệu quả nhất hiện nay.
Kè mềm, trồng cây
Thị sát thực trạng xâm thực bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An) ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển dịch vụ, kinh tế - xã hội tại địa phương vào sáng 10.12, các thành viên của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội cùng chuyên gia Bộ Tài nguyên và môi trường đã đánh giá mức độ sạt lở vô cùng nghiêm trọng. Tính ưu việt của công trình kè biển Cửa Đại bằng bê tông cốt thép là bảo vệ được bờ biển lâu dài, ngăn được sóng biển dâng cao nhưng hạn chế ở chỗ vị trí nào được kè đồng nghĩa với việc không còn bãi tắm do nước sâu. Chính quyền TP.Hội An đang tiến hành dự án kè chống xâm thực bờ biển với chiều dài 7,6km, tổng kinh phí phê duyệt gần 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì thiếu vốn nên nhiều năm nay thi công chắp vá và rất chậm. Hầu như vốn bố trí kè biển Cửa Đại đều phụ thuộc từ trung ương; trong khi đó, theo ông Võ Tuấn Nhân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội, việc kè biển tốn nguồn vốn khổng lồ nên trung ương không thể đưa vốn về ngay được mà tạm thời huy động xã hội hóa cho công tác này. Trước tiên chỉ hỗ trợ một ít ngân sách cho địa phương, biện pháp trồng cây xanh chắn sóng là hiệu quả và ít tốn tiền nhất. “Biển lấn sâu vào đất liền ở Hội An là cực kỳ nghiêm trọng đòi hỏi phải kè cấp bách. Về vấn đề này, địa phương cần nghiên cứu tổng hợp có tính liên vùng, liên ngành chứ không nhất thiết xói lở ở đâu là đắp ở đó” - ông Nhân nói. Sau khi thị sát phương pháp dùng cọc gỗ, bao cát chất thành lớp nhằm giảm tác động của sóng biển ở Cửa Đại, các chuyên gia khoa học thuộc Bộ Tài nguyên - môi trường cho rằng, đây là giải pháp tình thế nhưng vẫn có tác dụng hạn chế nước biển xâm thực. Về lâu dài, bờ biển này cần trồng cây xanh chịu đựng với thời tiết khắc nghiệt.
Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội khảo sát tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại. Ảnh: TRẦN HỮU |
Với mức độ xâm thực như hiện nay và dự báo sẽ gia tăng cường độ về sau, theo UBND TP.Hội An, ước tính đến năm 2020 sẽ có 24,8 nghìn người (chiếm gần 30% dân số của thành phố) bị mất đất canh tác, mất nhà do nước biển dâng cao, tập trung chủ yếu ở các xã ven biển như Cẩm Thanh, Cẩm Kim, phường Cửa Đại, Cẩm An và khu vực phố cổ. Bất cập lớn là đến nay địa phương vẫn chưa có quy hoạch, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo bài bản.
Quản lý tổng hợp bờ
“Những điểm lở nặng phải “cấp cứu” kịp thời. Vùng biển thuộc TP.Hội An cần quản lý tổng hợp vùng bờ theo hướng phát triển kinh tế vùng bờ bền vững, bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên và môi trường, hạn chế và giảm thiểu tác hại của thiên tai, cải thiện và nâng cao đời sống cộng đồng dân cư bằng các kế hoạch hành động”. (Ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội). |
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, vùng bờ biển trên địa bàn tỉnh tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội lẫn an ninh - quốc phòng, do vậy chiến lược quản lý tổng hợp luôn được xem trọng. Thời gian qua, về phần mình, ngành tài nguyên và môi trường đã đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tính ổn định của đường bờ biển; trồng phục hồi các khu rừng ngập mặn ven biển; nạo vét khai thông tăng cường khả năng thoát lũ sông Cổ Cò; nạo vét cảng Kỳ Hà, sông Trường Giang. Ngoài ra, phối hợp thực hiện dự án sắp xếp dân cư phòng tránh thiên tai ven biển; đánh giá hiện trạng xả thải vùng đất ngập nước ven biển vùng An Hòa (Núi Thành). Tại TP.Hội An, từ nguồn vốn ODA, các chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu cũng đã được chính quyền địa phương thực thi, hằng năm thực hiện quan trắc môi trường nước biển ven bờ và đánh giá diễn biến môi trường tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP) tại Việt Nam ngoài tài trợ phục hồi rừng dừa Cẩm Thanh còn thử nghiệm các loại cây trồng dọc bờ biển Cửa Đại. Chi cục Biển và hải đảo Quảng Nam cho biết, nhiệm vụ của đơn vị là tham mưu đề xuất phương án bảo vệ và phục hồi cảnh quan tự nhiên và giá trị sinh thái của hệ thống đường bờ biển bao gồm bãi biển, các cồn cát, đê biển và rừng phòng hộ ven biển…; phân tích mức độ tổn thương vùng ven biển và phương án thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Trước thực trạng nước biển dâng cao gây xói lở bờ, UBND tỉnh vừa kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu tình hình biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm thực tại khu vực ven biển, hướng dẫn các địa phương quản lý và đầu tư xây dựng các công trình nhà ở cũng như khu du lịch phù hợp với thực trạng hiện nay. Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường nhìn nhận: “Vướng nhất là khâu lập, phê duyệt các quy hoạch có liên quan đến kinh tế biển còn chậm, quản lý tổng hợp đới bờ thiếu hiệu quả. Thông tin và dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển thiếu cập nhật”.
TRẦN HỮU