Báo Quảng Nam ra số thứ Tư ngày 15.11 có bài “Khắc khoải Triêm Tây”, trong đó một phần phản ánh tình trạng sạt lở tại làng Triêm Tây, xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn). Trước thực trạng đó, theo TS. Ngô Anh Đào - CEO Công ty Tư vấn quy hoạch và thiết kế cảnh quan LAPAT International, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là triển khai kè mềm để bảo vệ làng.
Nạn sạt lở bờ sông đang đe dọa ảnh hưởng đến đời sống của 151 hộ dân với khoảng 700 nhân khẩu ở làng Triêm Tây. Ảnh: XUÂN THỌ |
Đưa chúng tôi đi dọc bờ đất bị sạt lở, ông Phạm Được - người dân làng Triêm Tây cho rằng, với tình trạng của Triêm Tây hiện tại, nếu không sớm có phương án bảo vệ thì những đợt lũ lớn tiếp theo có thể sẽ xóa sổ ngôi làng. Như vậy, đời sống của 151 hộ dân với khoảng 700 nhân khẩu sẽ đối diện với khó khăn. Đứng tại bờ đất đoạn đối diện với Cẩm Kim (Hội An), ông Được chỉ cây cọc tre khi trồi khi chìm trong nước nói rằng cọc tre đó được cắm sát bờ đất trước lũ, giờ thì bờ đã cách hơn 20m; từ cây cọc tre trở ra khoảng hơn 5m là một móng nhà đã chìm sâu trong nước. Ông Dương Văn Ca - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phương cho rằng tình trạng sạt lở của Triêm Tây là đáng lo ngại và nỗi lo này đang “lây” sang một số thôn như Triêm Nam, Đông Khương I, Đông Khương II. “Cách đây vài năm đã có dự án kè giữ Triêm Tây nhưng chưa thấy vốn để thực hiện. Với tình hình sạt lở như bây giờ, chỉ mong cấp trên nhanh chóng triển khai để giữ làng Triêm Tây” - ông Ca nói.
Ông Lê Đức Thu - Chủ tịch UBND xã Điện Phương cho biết thời gian qua chính quyền cũng có phối hợp với một số cá nhân, doanh nghiệp để thử nghiệm phương pháp kè mềm kết hợp sinh thái tại Triêm Tây và đang dần thấy được hiệu quả. Trong đó, sau một năm được An Nhiên Farm áp dụng (bài viết “Triêm Tây khắc khoải” cũng đã có nêu), đoạn bờ sông được kè mềm không hề bị mất đất vì taluy bờ cỏ vẫn còn rất vững chắc. Chỉ có lớp cây bần chua ngoài cùng còn quá bé nên bị cuốn trôi khoảng 50% (lớp bần này cần 2 - 3 năm để ổn định). Nói về phương pháp này, với nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn cho UNESCO và ILO trong các dự án phát triển tại Hội An, TS. Ngô Anh Đào cho biết: “Kè mềm, ngay từ ngôn từ sử dụng đã mang một tính chất “mềm, mềm mỏng” về mặt vật lý cũng như “mềm mỏng” với thiên nhiên. Hay nói ở ngôn ngữ thời hiện đại bây giờ là “thích ứng với thiên nhiên” chứ không phải “chinh phục thiên nhiên”. Về kỹ thuật, đó là phương pháp sử dụng hoàn toàn những chất liệu thân thiện với môi trường, thích hợp với bản địa, điển hình là chất liệu “xanh” - chính là thảm thực vật bản địa kết hợp với các kỹ thuật ổn định bờ được sử dụng linh hoạt và sáng tạo tùy điều kiện thực tế và không gian thực tế”.
Theo TS. Ngô Anh Đào, ưu điểm của kè mềm là hoàn toàn linh hoạt và thích ứng với các thách thức của tự nhiên, hiểm họa thiên tai - như là một hệ quả tất yếu của chọn lọc tự nhiên cho hệ thực vật bản địa. Về mặt kinh tế, kè mềm chứng tỏ tính ưu việt vì chi phí thấp hơn rất nhiều, thường chỉ bằng 1/10 giá thành so với kè cứng (bê tông, đá). Song đòi hỏi của kè mềm là công sức và sự hiểu biết, nghiên cứu và áp dụng linh hoạt, sáng tạo hệ thực vật bản địa và vật liệu địa phương. Trên thực tế nói chung, con người nên sử dụng phương pháp kè mềm để tạo không gian hài hòa với thiên nhiên, không thấy dấu vết can thiệp thô bạo của con người. “Chỉ ở những địa hình mà tác động lớn của thiên nhiên và có sự xuất hiện các công trình nhân tạo của con người như thủy điện, đường hầm ngầm trong lòng đất… mới nên sử dụng kè cứng. Còn lại, càng đối chọi thiên nhiên, với sức công phá lớn của sóng, sức rút xoáy của sóng ngầm gây sạt lở... thì càng lãnh hậu quả lớn; do đó, nên chọn những giải pháp “đón nhận” thách thức, giảm lực công phá của thiên nhiên bằng chính độ mềm mỏng của bờ đất và cây cỏ” - TS. Ngô Anh Đào nói.
Đánh giá cao hiệu quả của phương pháp kè mềm, ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho rằng phương pháp này còn giữ được, thậm chí là tái tạo sinh thái để phát triển làng du lịch của Triêm Tây. Trong khi đợi nguồn vốn của dự án cũ, Điện Bàn sẽ tiếp tục phối hợp với TS. Ngô Anh Đào và KTS. Bùi Kiến Quốc thực hiện giải pháp kè mềm.
XUÂN THỌ