Kế sách giữ Quảng Nam của Nguyễn Nghiễm

CHÂU YẾN LOAN 04/11/2017 09:35

Đến Hội An đề thơ ở miếu Quan Công, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm đã bộc lộ khát vọng xóa bỏ các lực lượng phân tranh, thống nhất giang sơn về một mối.

Bút tích của Xuân Quận công và 2 tùy tướng đặt tại bái đường Miếu Quan công ở phố cổ Hội An.
Bút tích của Xuân Quận công và 2 tùy tướng đặt tại bái đường Miếu Quan công ở phố cổ Hội An.

Nguyễn Nghiễm là con thứ hai của Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, là thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du; tự Hy Di, tôn húy Thiều, hiệu Nghi Hiên, biệt hiệu Hồng Ngư cư sĩ, sinh ngày 14 tháng 3 năm Mậu Tý, tức ngày 14 tháng 4 năm 1708 tại làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông tài kiêm văn võ, năm 16 tuổi (1724 đời Lê Dụ Tông) đỗ thi Hương, năm 23 tuổi (1731) đỗ Hoàng Giáp (tiến sĩ) được vào triều làm quan, lần lượt giữ những chức vụ quan trọng về quan võ cũng như quan văn. Cuối năm 1771, ông xin về hưu ở làng Tiên Điền, được thăng làm Đại tư đồ. Nhưng tháng 3 năm sau (1772), Trịnh Sâm lại mời ông ra làm Tham tụng, rồi Thượng thư Bộ Hộ.

Khi Tây Sơn nổi dậy, vùng đất thuộc Quảng Nam Dinh luôn bất ổn, thế lực Tây Sơn càng ngày càng mạnh, quân lực Đàng Trong phải tập trung cho mặt trận phía nam; phía bắc không đủ lực lượng phòng giữ quân Trịnh, binh tướng toàn là những người già yếu không quen chinh chiến cho nên các  đạo quân của chúa Nguyễn lần lượt bị quân Trịnh đánh bại. Tháng 5 năm Giáp Ngọ (1774), Tĩnh đô vương Trịnh Sâm nhân tình hình rối ren ở Quảng Nam liền sai lão tướng Hoàng Ngũ Phúc làm Thống suất Bình Nam Đại tướng quân, Bùi Thế Đạt làm Phó tướng và Nguyễn Nghiễm giữ chức Tả tướng, đem 3 vạn quân đi đánh Nam hà.

Tháng 12 năm Giáp Ngọ (1774), Hoàng Ngũ Phúc xua quân vượt sông Gianh tiến chiếm Phú Xuân. Chúa Nguyễn bỏ kinh thành chạy vào Quảng Nam, lập Hoàng tôn Dương làm Đông Cung cho Trấn phủ Quảng Nam. Tháng 4 năm Ất Mùi (1775), Đông Cung bị bộ tướng của Tây Sơn là Tập Đình và Lý Tài bắt được dẫn độ về Hội An. Quân Trịnh vượt Hải Vân, tiến vào Quảng Nam, quân Tây Sơn chặn đánh quân Trịnh tại Cẩm Sa, cửa ngõ vào Dinh trấn Thanh Chiêm (Dinh Chiêm) và phố cảng Hội An. Tây Sơn đại bại, Nguyễn Nhạc thế cùng phải dâng voi ngựa, vàng ngọc và dâng đất ba phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên cho Hoàng Ngũ Phúc xin hàng, Hoàng Ngũ Phúc phong cho Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn trưởng hiệu Tráng tiết tướng quân. Sau chiến thắng Cẩm Sa, quân Trịnh tiếp tục tiến đến Châu Ổ, phía Bắc Quảng Ngãi thì dừng lại vì bấy giờ có đại dịch, quân Trịnh không quen thủy thổ bị bệnh rất nhiều, chết như rạ. Nguyễn Nghiễm và Hoàng Ngũ Phúc cùng nhiều đại thần cũng lâm trọng bệnh, Hoàng Ngũ Phúc hoảng sợ không còn lòng dạ chiến đấu, tính kế lui binh. Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Lệnh Tân muốn đóng quân tại Dinh Chiêm để tính kế lâu dài, nhưng Hoàng Ngũ Phúc không nghe, xin lệnh Trịnh Sâm rút về Thuận Hóa.

Hoàng Ngũ Phúc là một lão tướng có tài chiến trận nhưng không có mưu lược cao thâm như Nguyễn Nghiễm; ông chỉ có ý muốn chinh phạt xứ Đàng Trong chứ không có mộng chiếm giữ, cho nên đã không nghe kế sách của Xuân Quận công xếp đặt việc cai trị và phòng thủ Dinh Chiêm. Chính vì vậy mà Việp Quận công đã vội vàng bỏ lại kinh đô thứ hai của chúa Nguyễn mà lui về giữ Phú Xuân. Dinh trấn Thanh Chiêm lại nằm trong tầm kiểm soát của quân Tây Sơn. Đầu tháng 10 năm 1775, Nguyễn Nghiễm cùng Hoàng Ngũ Phúc lui về Phú Xuân. Bùi Thế Đạt ở lại cùng các tướng giữ Thuận Hóa, còn hai ông trở về Bắc dưỡng bệnh. Nguyễn Nghiễm về đến quê nhà ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân thì bệnh tình đã trầm trọng. Ít hôm sau ông qua đời vào ngày 17 tháng 11 năm Ất Mùi (7 tháng 1 năm 1776), thọ 68 tuổi. Trịnh Sâm ban tên thụy cho ông là Trung Cần và truy phong Thượng đẳng phúc thần. Hoàng Ngũ Phúc cũng chết trên đường về bắc.

Sư để Hội An phố đề Quan Phu tử miếu

Niết ngột Viêm đồ khảng khái thân
Đào viên huynh đệ tức quân thần
Trực tương trung nghĩa sư thiên cổ
Vô luận anh hùng địch vạn nhân
Tâm thượng Cao, Quang hoàn nhất thống
Mục trung Ngô, Nguỵ thất tam phân
Chí kim vạn quốc đồng chiêm phụng
Phỉ trực nguy nhiên hải thượng thần.

Dịch thơ:

Hành quân đến phố Hội An đề miếu Quan Phu tử

Vực dậy cơ đồ quyết ứng thân
Đào viên kết nghĩa hóa quân thần
Nêu gương trung nghĩa thầy thiên cổ
Vượt trội anh hùng địch vạn nhân
Lòng vọng Cao, Quang toàn nhất thống
Mắt trừng Ngô, Ngụy triệt tam phân
Đến nay muôn nước cùng chiêm bái
Vòi vọi trời cao đấng hải  thần.

(Nguyễn Thiếu Dũng dịch)

Nguyễn Nghiễm không có cái nhìn hạn hẹp như Hoàng Ngũ Phúc, ông đặt Dinh Chiêm dưới cái nhìn chiến lược. Muốn khuếch trương thanh thế, chế ngự Tây Sơn, chặn đường quay lại của chúa Nguyễn thì không thể quay về phía bên kia Hải Vân để mỗi khi có chiến trận lại một phen vất vả đưa quân vượt núi đèo. Ở lại Quảng Nam, nghĩa là quyết tâm đi tới với hoài bão muốn thống nhất giang sơn; còn rút về là vẫn còn tâm lý phân ranh, đất ai nấy giữ, chỉ cần thắng lợi với một số chiến lợi phẩm quay về tấu công là mãn nguyện. Tâm sự này Nguyễn Nghiễm đã thể hiện rõ khi ông đến thăm miếu Quan Phu tử (Quan Công) tại Hội An và lưu lại đây một bài xướng “Sư để Hội An phố đề Quan Phu Tử miếu” và một bài tán “Quan Phu tử miếu tán”. Hai vị tùy tướng là tiến sĩ Uông Sĩ Dư, tiến sĩ Nguyễn Lệnh Tân đã họa nguyên vận bài thơ và tự tay viết cả ba bài thơ và bài tán rồi sai thợ khắc chạm thành ba tấm hoành phi treo trên bái đường ngôi miếu. Qua bài thơ này, Nguyễn Nghiễm đã thể hiện một khát vọng thống nhất đất nước để tránh loạn lạc cho dân.

Sinh ra trong một gia tộc có nhiều công trạng phò Lê, tuy phải trực tiếp chịu sự điều hành của chúa Trịnh nhưng Nguyễn Nghiễm vẫn một mực trung thành với vua Lê. Với ông, đất nước phải liền một dải “toàn nhất thống”, không phân chia Đàng Ngoài, Đàng Trong. Giang sơn phải thu về một mối không còn họ Trịnh, họ Nguyễn, Tây Sơn “thất tam phân” mà chỉ có vua Lê; như Quan Vũ khi xưa một lòng phò nhà Hán mà muốn xóa bỏ cái thế phân tranh Ngô - Ngụy - Thục. Chính vì khát vọng thống nhất thiên hạ cho nhà Lê, vãn hồi trật tự thái bình cho dân tộc sau nhiều năm loạn lạc khổ đau mà Nguyễn Nghiễm lúc bấy giờ tuy đã ngoài sáu mươi tuổi vẫn hăng hái tham gia chiến dịch Nam chinh vì đây là cơ hội ngàn năm một thuở để ông góp chút tài sức cuối đời thực hiện mong ước cháy bỏng mà ông hằng ôm ấp bấy lâu. Đây không chỉ là ước muốn của riêng Nguyễn Nghiễm mà cũng là khát vọng thiết tha của toàn dân Đại Việt đã trải qua nhiều năm dài nồi da xáo thịt, đau khổ điêu linh.

CHÂU YẾN LOAN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kế sách giữ Quảng Nam của Nguyễn Nghiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO