Kế sách phát triển kinh tế

TRỊNH DŨNG 09/01/2024 09:15

Sản xuất, kinh doanh đã có tín hiệu hồi phục, nhưng kế sách phát triển kinh tế có “xuôi chèo, mát mái” hay không, vẫn chờ vào lực đẩy của thị trường và quyết tâm cải thiện điều hành của địa phương.

Du lịch sẽ phát triển mạnh trong năm 2024, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: T.D
Du lịch sẽ phát triển mạnh trong năm 2024, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: T.D

Triển vọng

Đoàn khách Italia 19 người “mở hàng” Hội An đầu năm 2024 mang theo may mắn. Hội An được đánh giá là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói, khách quay trở lại khá đông. Năm 2023, thành phố đã vượt rất xa về chỉ tiêu du khách, đặc biệt chỉ tiêu về vé tham quan (195 tỷ đồng). Nhiều tín hiệu phục hồi tích cực. Địa phương sẽ xây dựng đề án thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, kinh tế đêm, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ...

Nông nghiệp, du lịch tiếp tục trở thành “trụ đỡ”, duy trì được động lực phát triển của tỉnh. Ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê cho hay, sản xuất công nghiệp đã chuyển biến tích cực từ quý IV/2023. Các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng. Các ngành chủ lực như may mặc, giày da, sản xuất, lắp ráp ô tô, thủy điện... đã có những tín hiệu tốt, dần hướng đến sự ổn định, lấy lại đà hồi phục.

Các cuộc khảo sát của Cục Thống kê, Sở KH-ĐT dự báo quý I/2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khả quan, tích cực hơn, khi có đến 34% số doanh nghiệp đánh giá sản xuất, kinh doanh sẽ tốt hơn quý IV/2023. Số doanh nghiệp đánh giá khó khăn đã giảm từ 47% xuống còn 32%.

Một thống kê khác cho thấy, có 1.180 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, 447 doanh nghiệp tái hoạt động, nhiều doanh nghiệp chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn, sẽ vẫn còn cơ hội hồi sinh. Các dự án đầu tư (3 FDI, 19 nội địa) cùng hơn 8.500 doanh nghiệp... cũng sẽ mang xu hướng lạc quan cho nền kinh tế địa phương 2024.

Chỉ dấu đáng lạc quan là ngành sản xuất lắp ráp ô tô của Trường Hải (chiếm hơn 56% giá trị tổng thể ngành công nghiệp địa phương) sẽ không còn suy giảm 20% về doanh số ô tô, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ như năm 2023, tiếp tục là động năng bứt phá nền kinh tế.

Thông tin đáng chú ý tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của Bộ Công Thương, Tổng giám đốc Thaco Group Phạm Văn Tài cho hay, kế hoạch năm 2024, doanh số của Thaco Auto sẽ đạt 112.500 xe, chiếm 40% thị phần nội địa, xuất khẩu hơn 2.600 xe, doanh thu xuất khẩu hơn 10 triệu USD (năm 2023 bán ra chỉ 96.500 xe, giảm 25%, chiếm 36% thị phần ô tô trong nước).

Thaco Auto đang hợp tác với các đối tác nghiên cứu phát triển các sản phẩm ô tô năng lượng mới, cung cấp các sản phẩm thông minh, xanh, sạch cho thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Doanh thu cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của Thaco Industries dự kiến hơn 13.000 tỷ đồng, xuất khẩu hơn 250 triệu USD (năm 2023 ước gần 8.700 tỷ đồng, giảm 20%, doanh thu xuất khẩu chỉ đạt hơn 105 triệu USD, giảm 75%).

Sản lượng hàng hóa qua cảng Chu Lai ước sẽ gần 5 triệu tấn (tăng 61% so năm 2023). Tập đoàn sẽ đưa bến cảng 5 vạn tấn vào hoạt động, xây dựng tuyến luồng mới Cửa Lở đón tàu trọng tải lớn, phát triển mạng lưới logistics...

Sự hồi phục của thị trường, doanh nghiệp mang khát vọng vượt qua khó khăn... là cơ hội đầy triển vọng để kinh tế địa phương có thêm nhiều điểm sáng.

Lo cùng doanh nghiệp

Ngày 28/12/2023, trong một văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ông Nguyễn Quang Bảo - Tổng giám đốc Thaco Auto cho biết các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô đã phải gồng mình chống đỡ trong những năm gần đây hầu như cạn kiệt nguồn lực, đặc biệt nguồn lực tài chính, thể hiện lượng tồn kho vật tư linh kiện và lượng xe thành phầm tăng cao.

Năm 2024 nếu không có các chính sách kích cầu mua sắm từ cơ quan trung ương, địa phương, lượng hàng tồn kho dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, phát sinh hàng loạt chi phí (lưu kho, bảo quản xe thành phẩm, sửa chữa...), khiến doanh nghiệp khó có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trường Hải gia tăng doanh số bán hàng, xuất khẩu ô tô, cơ khí & công nghiệp hỗ trợ là cơ hội vực dậy nền kinh tế địa phương trong năm 2024. Ảnh: T.D
Trường Hải gia tăng doanh số bán hàng, xuất khẩu ô tô, cơ khí & công nghiệp hỗ trợ là cơ hội vực dậy nền kinh tế địa phương trong năm 2024. Ảnh: T.D

Thaco Auto đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung các chính sách hỗ trợ có tính đột phá trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Cụ thể, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoản thời gian phù hợp và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước, sớm được áp dụng từ quý I/2024.

Bức tranh kinh tế 2024 không phải toàn màu hồng. Khảo sát của Cục Thống kê chỉ ra vẫn còn đến 32% doanh nghiệp cho là nền kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Và 50% doanh nghiệp của Thaco Chu Lai cho biết chưa có triển vọng gì đáng kể. Kế sách phát triển kinh tế địa phương sẽ dựa vào việc thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Vai trò của tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp sẽ thực chất hơn trong việc tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ phục hồi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xúc tiến, thu hút đầu tư, nhất là thế mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại, du lịch, dịch vụ. Các cơ quan quản lý được yêu cầu hành động, kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Kế sách phát triển kinh tế hợp lý, nhưng không dễ định lường trên thực tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các sở, ngành, địa phương số hóa dữ liệu, gia tăng hồ sơ trực tuyến, nhanh chóng hoàn thiện giá đất, chủ động phòng chống thiên tai, hạn hán.

Ông Bửu nói, vì không có giá đất, nhiều dự án đầu tư “đứng bánh”, doanh nghiệp không thể làm gì được. Đã chậm hơn một năm, nếu cứ tiếp tục trì hoãn thì biết bao giờ mới thu hút được nhà đầu tư.

Cần quy định thời gian cho từng công đoạn cụ thể về giải phóng mặt bằng giữa các cơ quan. Không thể để kéo dài tình trạng không ai trả lời được thời gian cụ thể cho doanh nghiệp, làm mất lòng tin nhà đầu tư thì lấy gì thêm động lực để phát triển kinh tế địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các địa phương, sở, ngành xây dựng, triển khai cụ thể kế hoạch chương trình công tác. Nhanh chóng tháo gỡ, giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp. Nếu không có cộng đồng doanh nghiệp chung tay vượt qua khó khăn thì làm sao địa phương có nguồn lực để chi tiêu, phát triển, tạo dựng sự phát triển cho xã hội.

“Càng khó khăn, càng phải nhìn nhận thực tế, khắc phục điểm nghẽn bằng những kế sách cụ thể tháo gỡ vướng mắc, lấy lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, bứt phá phát triển kinh tế địa phương” - ông Lê Trí Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kế sách phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO