Để chống chọi với tình trạng sạt lở, nhiều hộ dân sống gần bờ biển ở thôn Hà Lộc (xã Tam Tiến, Núi Thành) bỏ công sức xây dựng kè tạm bợ. Người dân và chính quyền địa phương mong Nhà nước bố trí kinh phí đầu tư kè biển kịp thời để hạn chế tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn biến phức tạp.
Các trận cuồng phong liên tiếp xảy ra hồi cuối năm 2020 làm cho tình trạng sạt lở bờ biển khu vực chợ cá Tam Tiến thuộc thôn Hà Lộc thêm nghiêm trọng. Con đường đi lại, vận chuyển hải sản từ biển lên thêm khó khăn do hậu quả thiên tai chưa khắc phục. Sạt lở làm hư hỏng nhiều công trình dân sinh. Để tự bảo vệ tài sản, người dân đã làm kè bằng cách đóng cọc tre, đổ đất vào chỗ bị sạt lở, xây tường gạch chắn sóng...
Bà Bùi Thị Ngọ (thôn Hà Lộc) cho biết: “Mỗi xe chở đất đá ra đây tốn hết 100 nghìn đồng, trước nay gia đình bỏ kinh phí ra hết hơn 20 triệu đồng để tự gia cố bờ kè tạm thời cho nhà mình, chưa kể xin giá hạ từ người quen”.
Cách nhà bà Ngọ không xa, ngôi nhà của bà Võ Thị Trang cũng đang bị uy hiếp bởi biển xâm thực. Bà Trang cho biết, từ khi xảy ra sạt lở, con đường ra biển trở nên dốc hơn, gây khó khăn cho việc vận chuyển hải sản đi tiêu thụ.
“Bây giờ chỉ cần mực nước biển dâng cao là đã xảy ra tình trạng lở nặng rồi chứ không phải đến lúc xảy ra bão nữa” - bà Trang nói.
Tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận, các hộ bị ảnh hưởng trực tiếp sạt lở đã sử dụng cọc tre, hay dùng các tấm tôn xi măng kè chân đất; một số hộ dân sản xuất nước đá có điều kiện thì xây dựng kè cứng bằng tường gạch phủ quanh. Các phương án chống sạt lở tại đây rất đơn lẻ, manh mún và hoàn toàn tự phát. Người dân mong chính quyền và ngành chức năng có các giải pháp căn cơ để sớm xây dựng kè bảo vệ.
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến Nguyễn Xuân Uy thông tin, bờ biển thôn Hà Lộc bị sạt lở kéo dài hơn 1km. Các cơn bão xảy ra hồi năm ngoái làm hư hỏng 3 tuyến đường dân sinh ra biển, nơi tập trung “chợ di động” vào mùa hè của nhân dân. Sóng biển sóng xâm thực vào bờ khoảng 10m, sạt lở kéo dài tập trung 700m gây cản trở đường vận chuyển hải sản và sinh hoạt của người dân.
“Đầu tháng 3 năm nay, chính quyền địa phương có văn bản gửi cấp trên xin hỗ trợ kinh phí xây dựng bờ kè và 3 tuyến đường ra biển đã bị hư hỏng nặng để bảo vệ tài sản, tính mạng người dân vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất và đi lại” - ông Uy cho biết.
Theo UBND xã Tam Tiến, ngành chức năng của tỉnh, huyện Núi Thành đã về địa phương khảo sát, tìm hiểu hiện trạng nước biển xâm thực bờ, uy hiếp tài sản, tính mạng người dân thôn Hà Lộc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một cơ quan nào đưa ra phương án ứng phó với thiên tai cả trước mắt lẫn lâu dài.
Trong khi chờ đợi bố trí nguồn lực xây kè kiên cố của Nhà nước, chính quyền và người dân mong muốn ngành chức năng nên đưa ra khuyến cáo giải pháp kỹ thuật, hướng dẫn xây kè chống lở hợp lý, vừa đảm bảo cảnh quan bờ biển vừa bảo vệ được tài sản người dân.
Sở NN&PTNT cho biết, ngành đã đến khảo sát địa hình, tìm hiểu mức độ sạt lở tại bờ biển thôn Hà Lộc. Mỗi năm trung ương, ngân sách tỉnh dành một nguồn lực cho công tác phòng chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, nhưng để đầu tư có hiệu quả, thì bộ phận chuyên môn cần thời gian khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Giai đoạn 2020 – 2022, thông qua nguồn vốn dành cho hợp phần biến đổi khí hậu, trung ương đã đầu tư 40 tỷ đồng xây dựng tuyến kè cứng dài 650m tại bờ biển xã đảo Tam Hải (Núi Thành).
Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích cho biết, chống xói lở bờ bờ biển (gồm bờ biển Cửa Đại (Hội An), hay Tam Hải, Tam Tiến (Núi Thành) hiện nay là rất khó khăn, cần phải tiến hành đồng bộ và toàn diện các giải pháp từ tầm vĩ mô đến vi mô, đầu tư các giải pháp công trình và phi công trình phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Các giải pháp công trình cần thuận với quy luật tự nhiên. Phát triển rừng phòng hộ ven biển là hết sức cần thiết cho việc bảo vệ đê biển trong thời điểm hiện nay.