Từ câu chuyện đôi dép
Đã thành nếp quen đẹp, cứ đến kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ (19.5), các chi bộ đảng ở xã A Tiêng (Tây Giang) lại rộn ràng tổ chức kể chuyện về Bác cho mọi người cùng nghe. Trong các gia đình, bàn thờ Bác Hồ được quét dọn sạch sẽ, trang nghiêm, ấm cúng khói hương… Với đồng bào dân tộc Cơ Tu nơi đây, hình ảnh Bác luôn ở trong tim, như là người thân ruột thịt trong nhà.
Chi bộ thôn Tàvàng (xã A Tiêng, Tây Giang) tổ chức sinh hoạt chi bộ tháng 5 gắn với kể chuyện về Bác Hồ. Ảnh: BRIU QUÂN |
Mấy ngày qua, thầy giáo Cơlâu Đưi, đảng viên Chi bộ thôn Tàvàng tất bật chuẩn bị cho đợt kể chuyện tháng 5 về Bác. Buổi sáng ngày tổ chức kỷ niệm và kể chuyện, nhà ông Alăng Nheeng - Trưởng thôn Tàvàng có đông đảng viên, người dân và các thế hệ trẻ trong thôn đến cùng sinh hoạt. Thắp nén nhang trên bàn thờ Bác, ông Zơrâm Chôi - Bí thư Chi bộ thôn Tàvàng chắp tay xin Bác được sinh hoạt chi bộ, kể về Bác. Không khí trang nghiêm, im lặng. Sau lời tuyên bố lý do sinh hoạt, đề cập nội dung kể chuyện, thầy giáo Cơlâu Đưi ngồi thẳng người bắt đầu kể câu chuyện “Đôi dép của Bác Hồ”. Giọng kể của người thầy giáo chính gốc làng Tàvàng làm cho người nghe cảm thấy xúc động, nhớ thương Bác bồi hồi. Mỗi đoạn kể, ông không quên liên hệ thực tế ở thôn để chỉ ra cái lãng phí của tập thể, của cá nhân, từng hộ gia đình làm cho mỗi nhà mỗi cảnh thiếu thốn, khó khăn trăm bề từ năm này qua năm khác. Đó là lãng phí trong cưới hỏi, trao quà cho nhau giữa nhà trai và nhà gái, hay việc đón khách ăn uống linh đình, kéo theo nợ nần chồng chất không có khả năng chi trả ở các gia đình. Rồi chuyện thanh niên đua đòi ăn sung mặc sướng, lười lao động, bám víu vào trợ cấp xã hội ít ỏi của cha mẹ già. Khi kể đến đoạn Bác Hồ không đổi dép cũ, vì đã có tất mới bên trong dép, thầy giáo Cơlâu Đưi liền chỉ ra cửa ngõ của làng. Ông nói, làng ta thì rất đẹp, nhìn từ ngoài ai cũng khen sạch sẽ, nhưng khi vào trong làng, cái sạch không có mà rác thải vứt bỏ bừa bãi lại nhiều, mỗi khi mưa đến lại trôi dạt vào nhà cửa, đọng lại trước sân, đẹp ngoài xấu trong sao chịu được.
Hội thi kể chuyện về Bác do Đảng ủy phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ tổ chức. Ảnh: NG.ĐOAN |
Câu chuyện của thầy giáo Cơlâu Đưi kể đã gợi ý cho các đảng viên trong chi bộ bàn cách tháo gỡ “cái chưa đẹp” này. Sau cuộc thảo luận sôi nổi, thắng thắn mọi vấn đề, ông Zơrâm Chôi biểu dương tinh thần dám nghĩ, chỉ ra cái tồn tại ở thôn của đảng viên Cơlâu Đưi. Nội dung chọn để kể mẩu chuyện về Bác Hồ có sự liên hệ rất thiết thực… Cùng dự buổi sinh hoạt, nghe kể chuyện về Bác, Alăng Thị Thương - đoàn viên trong thôn rưng rưng xúc động. Alăng Thị Thương là đứa con của làng Tàvàng vinh dự đã được đến Làng Sen quê Bác và thăm Lăng Bác Hồ. Alăng Thị Thương được nhiều người biết đến vì sự nhiệt tình trong các hoạt động đoàn ở cơ sở, tích cực tham gia nhiều sự kiện lớn của huyện. Alăng Thị Thương bộc bạch: “Thế hệ chúng tôi chỉ được biết đến Bác Hồ qua sách, ở trường học và các phương tiện thông tin đại chúng. Sau một lần được cùng đoàn của huyện về giao lưu ở Làng Sen quê Bác, được đi Hà Nội viếng Lăng Bác, về làng tôi kể nhiều điều hay về Bác, về lối sống giản dị của Bác cho bà con nghe, ai cũng ao ước được một lần về thăm quê Bác và vào Lăng viếng Bác”. “Ở Tàvàng, người lớn tuổi kể về Bác theo hiểu biết riêng trong thời kỳ kháng chiến, còn đảng viên trẻ, đoàn viên thanh niên thì đọc các mẩu chuyện về Bác để kể lại tại các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cộng đồng, kết hợp liên hệ thực tiễn để xây dựng thôn, làng, xã vững mạnh” - ông Zơrâm Chôi nói.
Những giá trị thiết thực
Những năm qua, Đảng ủy xã A Tiêng (Tây Giang) luôn chú trọng đến công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Từ khi có Chỉ thị số 03 và sau một năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Trung ương, Đảng bộ xã A Tiêng đã quán triệt nghiêm túc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Ông Pơloong Đo - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã A Tiêng cho biết, mừng sinh nhật Bác, trong tháng 5 này, đảng ủy đã quán triệt các chi bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ có kể chuyện về Bác, tùy theo từng mẩu chuyện phải có liên hệ thực tiễn của cá nhân và tập thể để chỉ ra cái tồn tại, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của các cấp, các ngành ở xã và thôn, làm cơ sở để đánh giá chất lượng cuối năm. |
Những câu chuyện đời thường dung dị, những lời dạy ân cần của Bác Hồ vừa được thể hiện sinh động qua lời kể của cán bộ, đảng viên tại Hội thi kể chuyện “Sáng ngời tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Đảng ủy phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) tổ chức. Hội thi cũng là hoạt động chào mừng kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Bác. Học tập và làm theo gương Bác từ các câu chuyện kể, mỗi cán bộ, đảng viên của phường nguyện không ngừng phấn đấu vươn lên, rèn luyện đạo đức, lối sống...
Tham gia hội thi, anh Đỗ Tấn Quang (đảng viên Chi bộ Quân sự phường) chia sẻ, qua câu chuyện “Thời gian quý báu lắm” mà tôi kể, cho thấy Bác Hồ của chúng ta là người rất quý trọng thời giờ. Những lời nhắc nhở của Bác thật chân tình, thực tế và sâu sắc, đối với mỗi cán bộ, đảng viên dù đang làm công việc gì, ở hoàn cảnh nào đều thấy rõ thời gian đối với mỗi công việc rất quý báu.
Cuộc sống tuy đã phát triển nhưng thực tế ở một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân việc chấp hành giờ giấc hành chính, giờ giấc sinh hoạt, hội họp chưa nghiêm, sắp xếp thời gian để hoàn thành công việc chưa kịp thời... Để khắc phục điều đó, mỗi người cần sắp xếp thời gian làm việc cho hợp lý, tránh thói quen làm việc theo “giờ cao su”. “Thế hệ trẻ chúng tôi sinh ra khi Bác đã đi xa, nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn mãi chỉ lối, soi đường. Dù ở thời đại nào, làm việc gì, bài học chuẩn mực về thời gian của Bác vẫn luôn có giá trị thiết thực. Là người phụ trách mảng quốc phòng, quân sự địa phương, tôi luôn sống hòa đồng, chuẩn mực trong cách sống, gương mẫu trong sinh hoạt, chăm lo huấn luyện kỹ chiến thuật và giáo dục chính trị tư tưởng cho chiến sĩ để sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời thường xuyên vận động anh em chiến sĩ học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, đặc biệt là rèn luyện thói quen chấp hành đúng giờ giấc như lời Bác dạy” - anh Đỗ Tấn Quang nói.
Trong chuyện kể “Bác có phải là vua đâu”, cô giáo Nguyễn Thị Minh Phụng - đảng viên Chi bộ trường Tiểu học Kim Đồng bày tỏ: “Trong bề bộn của công việc, của mưu sinh cơm áo, gạo tiền và vòng xoay đời sống xã hội, có lẽ ít ai trong mỗi chúng ta “tự soi” và “tự sửa” lại mình. Từ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, theo tôi, từng thành viên trong gia đình, từng gia đình trong khu phố trước hết phải nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc “học tập và làm theo gương Bác”, gắn với những việc làm cụ thể, thiết thực hằng ngày. Đồng thời mỗi người dân, mỗi gia đình luôn đoàn kết, biết giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn; luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương; cùng tuyên truyền, vận động người thân chấp hành tốt. Dù những hành động đó tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa rất lớn, sẽ góp phần xây dựng nhiều gia đình văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa mới, tiến bộ ở khu dân cư”.
BRIU QUÂN - NGUYÊN ĐOAN