Phối hợp y tế công - tư nhằm phát hiện, quản lý và điều trị bệnh nhân lao, tiến tới giảm số lượng người mắc lao trên địa bàn toàn tỉnh là điều được kỳ vọng.
Gánh nặng từ lao
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện nằm trong số 20 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Trong khi khu vực y tế tư nhân của Việt Nam ngày một phát triển và mở rộng, đặc biệt là các phòng khám tư nhân vừa và nhỏ và phòng khám đa khoa.
WHO nghiên cứu rằng, ước tính có khoảng 50% bệnh nhân lao tìm đến các cơ sở y tế tư nhân để chăm sóc ban đầu trước khi điều trị lao tại hệ thống y tế công lập. Tuy nhiên, những hạn chế của các dịch vụ liên quan tới bệnh lao của khu vực y tế tư nhân cho thấy có khả năng dẫn tới sự chậm trễ trong tầm soát, chẩn đoán và điều trị lao, do đó có thể bỏ sót các ca bệnh lao.
Mô hình phối hợp y tế công tư (PPM) trong chăm sóc và phòng chống bệnh lao, do WHO đưa ra vào những năm 1990 nhằm tập trung vào sự phối hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp ở cả khu vực công lập và tư nhân. Cùng với Chương trình chống lao quốc gia, PPM góp phần thực hiện một hoặc nhiều nhiệm vụ liên quan đến cung cấp dịch vụ chăm sóc lao chất lượng cao.
Ông Nguyễn Thanh Thảo - Giám đốc Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch cho biết, Quảng Nam hiện có 1.463 bệnh nhân Lao. Riêng năm 2022, toàn tỉnh phát hiện chủ động 130 bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học tại 5 huyện và 3 đơn vị trại giam, tạm giam, trung tâm cai nghiện.
Việc phát hiện này sẽ giảm được nguồn lây đáng kể cho cộng đồng. Bệnh nhân sẽ được đưa vào đăng ký điều trị ở các huyện. Cùng với hoạt động lao phát hiện chủ động, hoạt động lao tiềm ẩn được đồng thời triển khai. Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực, lao tiềm ẩn chỉ triển khai ở các huyện đồng bằng. Kết quả thu dung điều trị lao tiềm ẩn năm 2022 gần 950 người và kết quả hoàn thành điều trị hơn 90%.
Xây dựng mạng lưới loại trừ bệnh lao
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Quảng Nam hiện có hệ thống y tế khá đa dạng với 1 BV Đa khoa Trung ương thuộc Bộ Y tế, 3 BV đa khoa tuyến tỉnh, 7 BV Đa khoa tư nhân, 1 BV Phụ sản - Nhi và khoảng 24 phòng khám tư nhân thực hiện khám bệnh BHYT. Đây là những cơ sở khám bệnh ngoài chương trình chống lao trên địa bàn. Tuy nhiên, hoạt động PPM tại Quảng Nam có tổ chức nhưng không thường xuyên.
Các cơ sở y tế công lập và tư nhân nếu phát hiện lao sẽ nhận bệnh từ các cơ sở y tế và chuyển đến BV Phạm Ngọc Thạch thông qua các hình thức như chuyển tuyến, điện thoại, hội chẩn... Từ năm 2021, tình hình COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống lao.
Việc theo dõi bệnh nhân từ các cơ sở điều trị chuyển đến bệnh viện lao chưa có quy trình chuyển tuyến, dẫn đến tình trạng mất dấu bệnh nhân. Bên cạnh đó, từ tháng 7/2022 việc đưa bệnh nhân lao vào cấp thuốc BHYT cũng gặp khó khăn trong phối hợp quản lý điều trị… Những thách thức này đã gây nên các rào cản làm cho người mắc bệnh lao hạn chế tiếp cận dịch vụ thiết yếu của hệ thống phòng chống lao, hoạt động khám phát hiện lao bị đình trệ.
Từ năm 2023, Quảng Nam nằm trong Dự án phối hợp y tế công - công, công - tư (PPM mô hình 5) do Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét tài trợ. Đây là mô hình nhằm tối ưu hóa sự phối hợp giữa các cơ sở y tế trong phòng chống bệnh lao.
Theo đó, một mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành riêng cho việc loại trừ bệnh lao tại Việt Nam sẽ được xây dựng. PPM mô hình 5 sẽ tăng số ca lao phát hiện tại cơ sở y tế ngoài mạng lưới Chương trình chống lao quốc gia thông qua chiến lược 2X (Xquang và Xpert).
Bà Đồng Thị Thu Thủy - Giám đốc Chương trình PPM Mô hình 5 cho biết, các cơ sở y tế khi tham gia dự án được nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và uy tín của cơ sở, gia tăng lượng khách hàng thông qua chuyển gửi.
Cơ sở y tế có thể theo dõi bênh nhân/khách hàng toàn diện hơn thông qua hệ thống truy cập thông tin chăm sóc, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và đưa mục tiêu chấm dứt bệnh lao hoàn thành sớm.